Thứ Sáu, 4/10/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 18/11/2009 21:40'(GMT+7)

Ðội ngũ nhà giáo hôm nay

Thực trạng

Hiện nay cả nước ta có hơn một triệu nhà giáo. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo tăng từ 78,60% (năm học 2004-2005) lên 89,1% (năm học 2007-2008), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2010 là 9,1%. Ðội ngũ nhà giáo tăng đã giúp tỷ lệ bình quân học sinh/giáo viên giữa các vùng, miền có sự cải thiện đáng kể. Ðội ngũ nhà giáo với nỗ lực to lớn và lòng yêu nước, đã triển khai có hiệu quả các hoạt động giáo dục đào tạo ở mọi cấp học trên mọi miền đất nước, góp phần quyết định tạo ra nguồn nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, làm nên thành tích rất đáng tự hào của đất nước trong thế kỷ mới.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, giáo viên chưa chuyên nghiệp trong công tác, chưa đáp ứng yêu cầu trong thời buổi hội nhập. Số giáo viên có khả năng sử dụng ngoại ngữ và tin học tuy có tăng nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp. Theo kết quả khảo sát, vẫn có khoảng 50% cán bộ quản lý giáo dục chưa hoàn thiện kỹ năng. Cả nước vẫn còn trên 70% giáo viên trung cấp chuyên nghiệp chưa được bồi dưỡng kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm. Ở các địa phương, hiện tượng đọc chép vẫn còn phổ biến, chưa tận dụng sách giáo khoa để giảm nhẹ công việc của thầy và trò ở trên lớp. Giáo viên thuyết trình quá nhiều, chưa cân đối giữa truyền thụ kiến thức với rèn luyện kỹ năng dạy học cho học sinh...

Tình trạng thiếu nguồn lực kế cận thể hiện rõ ở bậc đào tạo ÐH, CÐ. Thống kê của Bộ GD-ÐT cho thấy, đến tháng 8-2009, cả nước có gần 62.000 giảng viên cơ hữu ở 367 trường ÐH, CÐ, trong đó có 320 giảng viên có học vị giáo sư, 1.966 phó giáo sư, số giảng viên là tiến sĩ có 6.217 người, chiếm 10,16%, số giảng viên có trình độ thạc sĩ là 22.831 người, chiếm 37,31%. Ðội ngũ này đảm nhiệm công tác giảng dạy cho hơn 1,7 triệu sinh viên trên cả nước. So với năm học trước, số giảng viên ÐH tăng lên 5.070 người, chiếm 9%, nhưng số sinh viên lại tăng lên 120.000 em. Giảng viên ÐH của ta vừa thiếu, vừa phân bổ không đồng đều. Phần lớn số GS, TS tập trung ở 14 trường hàng đầu. Những trường ÐH, CÐ mới thành lập, trong đó chủ yếu là các trường ngoài công lập có số giảng viên cơ hữu quá mỏng, có trường chỉ có 1-2 giảng viên là TS.

Có một thực trạng là, đội ngũ giảng viên ÐH của ta hiện nay còn hạn chế về năng lực sư phạm. Phần lớn các giảng viên trẻ vừa mới qua lớp sư phạm ngắn hạn đã bước lên bục giảng và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng học tập của sinh viên. Thực trạng thiếu giảng viên ở các trường ÐH,CÐ dẫn đến việc những giảng viên có năng lực phải lên lớp nhiều giờ, phải cùng lúc dạy ở nhiều khóa đào tạo tại chức, liên kết, không có thời gian đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, cập nhật kiến thức mới...

Hình mẫu mới

Không có phần thưởng nào ý nghĩa đối với người thầy bằng sự tin tưởng và kính trọng của học trò và xã hội. Ðúng nghĩa người thầy ngày nay là phải có một hành trang luôn luôn mới.

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, giáo dục Việt Nam đang thuộc loại lạc hậu về phương pháp giáo dục, phương pháp sư phạm. Ðội ngũ giáo viên chúng ta đang có vấn đề về trình độ và chất lượng về đáp ứng chất lượng giáo dục phổ thông trong giai đoạn mới. Ðiều đó minh chứng qua việc mỗi lần thay sách giáo khoa, cải tiến chương trình..., phần lớn các giáo viên đứng lớp thường rất lúng túng, thể hiện khá rõ ở các giáo viên tiểu học, vùng sâu, xa, nông thôn.

Bối cảnh ngày nay đang đòi hỏi ở người thầy giáo những năng lực mới thích hợp và khả thi. Giáo dục ngày nay đã là một lĩnh vực hoạt động xã hội rộng lớn, nhà giáo cũng không còn là tầng lớp "tinh hoa" như ngày xưa mà trở thành người lao động bình thường được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, trong đó vai trò chủ yếu là giải thích, hướng dẫn, gợi ý, khuyến khích sự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo của người học. Người thầy giáo phải biết tôn trọng người học, thừa nhận sự đa dạng về năng lực của người học để hướng dẫn họ phát triển, không áp đặt, gò bó vào một khuôn mẫu. Ðể đáp ứng được đòi hỏi mới này, hệ thống quản lý giáo dục, hệ thống đào tạo giáo viên cần thay đổi theo hướng đó.

Tài năng sư phạm của người thầy là điều kiện "đủ" của nghề dạy học. Tài năng sư phạm không phải tự nhiên mà có, mà phải là một quá trình học tập và rèn luyện. Chúng ta cần nhìn nhận tài năng sư phạm trong bối cảnh mới: toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế thế giới. Với những giáo viên đang trực tiếp giảng dạy phải có những điều kiện để tự bồi dưỡng vươn lên, nếu không đáp ứng được sẽ bị đào thải. Ðạo đức của người thầy giáo là điều kiện "cần" để có thể làm nghề dạy học. Ðạo đức của người thầy giáo xưa và nay đều có một nét chung, ấy là điểm khởi đầu và là điều kiện tất yếu của nghề dạy học. Nghề giáo có một điều rất đặc biệt so với tất cả các ngành nghề khác. Ðó là, người thầy giáo dùng cả nhân cách của mình để làm công cụ giáo dục cho thế hệ trẻ. Nhân cách của người thầy giáo chính là đạo đức mô phạm và tài năng sư phạm của họ. Ðạo đức mẫu mực, trong sáng của người thầy giáo là công cụ để hình thành và củng cố niềm tin cho các em. Thực tế cho thấy, năng lực và phẩm chất của người giáo viên có ảnh hưởng rất lớn không chỉ đối với người học mà còn đối với cả xã hội. Người giáo viên ngày hôm nay không chỉ còn là người truyền đạt kiến thức cho học sinh mà phải là người tổ chức, hướng dẫn mọi hoạt động nhận thức, giao tiếp, lao động, xã hội... của người học nhằm hình thành và phát triển nhân cách người học theo mục đích giáo dục.

Việc bồi dưỡng chuẩn hóa giáo viên cần được chú trọng. Mô hình đào tạo giáo viên trong bối cảnh mới đã được xây dựng theo cách tiếp cận đa hệ, đa cấp, đa môn để tăng cường khả năng thích ứng linh hoạt của giáo viên theo yêu cầu thực tế, giúp các địa phương đào tạo được đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đa dạng, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của địa bàn. Việc phát triển mạng lưới các khoa sư phạm, các trung tâm sư phạm ở các trường đại học và liên kết giữa các trường đại học với các trường sư phạm, các viện nghiên cứu giáo dục để bồi dưỡng về sư phạm cho giáo viên đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Ðể có thể tạo ra sự đột phá trong chất lượng giáo viên, vai trò "máy cái" của các trường sư phạm cần được đặc biệt chú ý. Các trường sư phạm phải là đầu tàu về đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy để kéo cả hệ thống giáo dục quốc dân đi lên. Những năm gần đây, Bộ GD - ÐT đã tập trung củng cố, tăng cường và phát triển hệ thống các trường sư phạm, đặc biệt là hai trường sư phạm trọng điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tăng nguồn kinh phí cho đào tạo sau đại học và hoạt động khoa học công nghệ, trang thiết bị phục vụ dạy học... Trong ba năm, kinh phí từ chương trình mục tiêu của Trường ÐHSP Hà Nội trên 18,5 tỷ đồng và ÐHSP TP Hồ Chí Minh trên chín tỷ đồng, các trường sư phạm còn lại tăng từ 40 tỷ đồng lên 65 tỷ đồng. Thuận lợi về kinh phí sẽ giúp các trường trang bị các trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Ðặc biệt, đối với các trường sư phạm, xã hội phải tạo cho họ điều kiện "đầu vào" có chất lượng. Chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm cao chắc chắn sẽ đem lại một đội ngũ giáo viên được đào tạo tốt, giúp thúc đẩy chất lượng giáo dục phát triển. Có nguyên liệu rồi, các trường sư phạm cần có giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ là các nhà khoa học về khoa học cơ bản và khoa học sư phạm. Vị thế của người thầy do vậy cũng được nâng lên rất nhiều.

Một trong những biện pháp tích cực ở đây là thực hiện đào tạo đại học sư phạm trong đại học đa ngành, tức là đào tạo kế tiếp cho sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề khác thành giảng viên để có thể giữ sinh viên giỏi ở lại trường. Vì vậy, cần có chính sách ưu đãi nhất quán, đồng bộ về giáo viên như cải thiện mức lương, tăng phụ cấp ưu tiên trong công tác thuyên chuyển và thăng tiến trong xã hội, khuyến khích giáo viên đến làm ở các vùng khó khăn. Cần có chính sách tạo động lực, cải thiện đời sống giáo viên để họ yên tâm công tác trong nghề.

Xã hội nào muốn phát triển cũng phải từ nguồn nhân lực, mà nhân lực giỏi chỉ xuất phát từ người thầy giỏi. Chúng ta phải bắt đầu từ quy luật này. Có một thực tế là sự quan tâm của chúng ta với đội ngũ người thầy nhiều nơi vẫn chưa tương xứng. Người thầy giáo giỏi liên quan đến chất lượng giáo dục, nhưng một môi trường nhà trường - xã hội, nhà trường - gia đình trong sáng cũng cực kỳ quan trọng. Cuộc sống luôn là vậy. Nhà trường sư phạm cũng như một cái cây, có được phát triển trên mảnh đất tốt mới có thể xanh tươi được./.

(Theo Đặng Vũ Hoành - Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất