Thứ Bảy, 28/12/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 18/11/2009 14:23'(GMT+7)

Liên kết đào tạo với nước ngoài:Dễ dãi đầu vào và phương thức đào tạo

SV tham gia chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Kinh tế TPHCM và ĐH Victoria Wellington - New Zealand. (Ảnh minh họa).

SV tham gia chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH Kinh tế TPHCM và ĐH Victoria Wellington - New Zealand. (Ảnh minh họa).

Đầu vào và phương thức đào tạo ngày càng... "linh hoạt"

"Nếu không trúng tuyển ĐH và việc luyện thi khiến bạn căng thẳng? Đã có một giải pháp, đó là tham gia các chương trình đào tạo ngành CNTT hoặc quản trị kinh doanh tại Việt Nam và lấy bằng cấp quốc tế". Hay "Hoàn tất lớp 11, tuyển thẳng vào đại học"... là những lời mời gọi hấp dẫn của đơn vị đào tạo trường CĐ K, Trung tâm ML và Trung tâm đào tạo ST - ba trong số hàng trăm đơn vị đào tạo ngoài công lập đang triển khai hình thức liên kết đào tạo quốc tế.

Trên lý thuyết mà xét, để được tham gia vào những khóa học theo dạng liên kết quốc tế này, bao giờ cũng đòi hỏi đầu vào của ứng viên là trình độ ngoại ngữ với bằng TOEIC hoặc TOEFL đạt số điểm chuẩn nhất định (tùy theo cấp học). Song thực tế, để thu hút người học, hầu như trường nào cũng chấp nhận cho nợ trình độ ngoại ngữ; hoặc biến tấu bằng việc học lớp dự bị 1-2 học kỳ tại những trường này, sau đó đương nhiên được tuyển thẳng vào trường với ưu đãi giảm bớt một vài tín chỉ liên quan đến ngoại ngữ...

Không chỉ có đầu vào thông thoáng, mà phương thức đào tạo trong các chương trình liên này cũng muôn hình vạn trạng. Nếu chỉ tính riêng hệ đào tạo CĐ,ĐH, các loại hình chương trình liên kết đang duy trì cũng đã khiến người học "tẩu hỏa nhập ma", gồm: Chương trình 1+3; 2+2,3+1 hay thậm chí chỉ là 1+1. Những con số này biểu hiện thời gian học tại cơ sở trong nước hay nước ngoài. Song, cũng có những trường hợp theo học hoàn toàn trong nước, nhưng với giáo viên người nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam cũng được áp dụng theo "công thức" này và được biến tấu bởi câu "du học tại chỗ".

Mác "quốc tế" - thủ thuật tuyển sinh

Một vài năm trở lại đây còn xuất hiện thêm tình trạng một số trường đại học mới thành lập hoặc đã hoạt động nay đổi tên thành trường ĐH quốc tế. Đương cử như vụ báo chí và dư luận đã nêu rất nhiều thắc mắc về Trường ĐH Hồng Bàng được đổi tên thành "Trường ĐH Quốc tế" dù liên tục bị phát hiện có sai phạm trong hoạt động đào tạo, tuyển sinh. Vậy nếu những trường ĐH khác, vì muốn tăng tính hấp dẫn của mình thì liệu có thể xin đổi tên, cho thêm chữ quốc tế vào cho dễ tuyển sinh hay không?

Liên  quan đến vấn đề này, lãnh đạo Bộ GDĐT đã được báo chí chất vấn về việc có hay không tiêu chí để được sử dụng từ "quốc tế" trong tên gọi của các cơ sở này. Theo bà Lê Thị Kim Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GDĐT, thì việc đổi tên trường ĐH do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Theo Luật Giáo dục 2005, trường ĐH ngoài công lập không bắt buộc phải có chữ "dân lập". Còn để có chữ "quốc tế", Trường ĐH Hồng Bàng đã xây dựng đề án, Chính phủ đã yêu cầu các bộ ngành - trong đó có Bộ GDĐT thẩm định... Trong đề án, trường có giải thích là chương trình đào tạo có liên kết quốc tế vì thế đã được chấp thuận đổi tên thành trường ĐH quốc tế.

Tuy nhiên, về vấn đề này, bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - Bộ GDĐT - lại đưa ra quan điểm: Hiện nay, việc các trường gắn từ quốc tế vào là hoàn toàn không có trong quy định. Quy định đặt tên trường chỉ được phép lấy địa danh, ngành đào tạo, danh nhân văn hóa... chứ chưa đề cập tới từ "quốc tế".

Mới đây trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân giải thích, việc trường ĐH xin điều chỉnh tên là quyền của các trường, chứ không nhất thiết kèm theo những cam kết chất lượng mới. Mức chất lượng thì họ phải đăng ký và được đánh giá khách quan và thông qua thực tiễn thì người dân sẽ biết được cái tên này đi kèm với chất lượng gì. Còn bản thân mỗi cái tên có chữ quốc tế không nên được mặc nhiên thừa nhận là có chất lượng quốc tế.

"Tuy nhiên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GDĐT chủ trì cùng các bộ khác đề xuất về quản lý việc đặt tên các trường thống nhất và có tác dụng tích cực với hệ thống giáo dục quốc dân" - ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm...

Theo Thể Uyên - Hạnh Ngân
(Lao Động điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất