“Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2012 tiếp tục thực hiện giải pháp 'ba chung' (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả)”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga khẳng định tại Hội nghị Sơ kết 1,5 năm triển khai chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 20010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng vừa được Bộ này tổ chức trực tuyến sáng nay, ngày 29/10/2011.
Nỗ lực “cải cách” tuyển sinh
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, năm học này, Bộ sẽ tiếp tục cải tiến thi của theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, để giảm áp lực, giảm căng thẳng, tốn kém, bảo đảm quyền lợi và công bằng cho thí sinh.
Theo đó, kỳ thi tuyển sinh năm học 2011-2012, dù vẫn thực hiện “ba chung” nhưng bộ sẽ có điều chỉnh, bổ sung một cách hợp lý đồng thời Bộ sẽ tổ chức các hội thảo chuyên đề về tuyển sinh và tham khảo ý kiến rộng rãi các trường, các sở giáo dục và đào tạo trong toàn xã hội để xác định phương thức tuyển sinh trong những năm sắp tới.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định, Bộ sẽ có nghiên cứu căn cơ về phương thức tuyển sinh. Bộ đã đề nghị hai đại học quốc gia và một số đại học trọng điểm chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh của mình. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ cùng các trường thảo luận, phương án nào đáp ứng được yêu cầu sẽ triển khai. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Luận cũng kêu gọi các cơ sở giáo dục có ý kiến đóng góp với Bộ về đổi mới tuyển sinh.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, phương án tuyển sinh mới phải đáp ứng được ba yêu cầu. Thứ nhất là không để tái diễn tình trạng luyện thi tràn lan. Thứ hai là phải đảm bảo kỳ thi nghiêm túc, công bằng. Thứ ba là phải có cơ chế để nhà trường, xã hội, cơ quan chức năng có thể kiểm tra, giám sát.
Nói về những vấn đề bức xúc trong kỳ tuyển sinh vừa qua như tình trạng một số ngành khó tuyển, các trường thiếu thí sinh, Bộ trưởng cho rằng đây là hệ quả của nhiều nguyên nhân.
Một số ngành quan trọng như sư phạm, nông-lâm-ngư, khoa học cơ bản… dù đã có nhiều giải pháp ưu tiên như miễn giảm học phí (đối với ngành sư phạm), giãn điểm ưu tiên (đối với khối ngành nông-lâm-ngư..) nhưng vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu do ít thí sinh đăng ký. Về vấn đề này, Bộ sẽ bàn bạc, tham khảo ý kiến của các trường để có biện pháp giải quyết vĩ mô.
Tuy nhiên, đồng chí cũng khẳng định, một số ngành, trường không tuyển được không phải do thí sinh không chuộng mà do chất lượng kém. Kết quả kiểm tra một số trường cho thấy, có trường dù đào tạo đến 7, 8 ngành nhưng chỉ có 50 giảng viên, chưa bằng số giáo viên của một trường trung học phổ thông. Có môn chỉ có 1 giảng viên cơ hữu. Có trường diện tích phòng học trung bình chỉ 0,9m2/sinh viên. “Khi phụ huynh và học sinh có điều kiện lựa chọn thì họ sẽ không chọn những trường chất lượng kém. Vì thế, muốn tuyển được sinh viên, các trường phải nâng cao chất lượng,” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh các lý do trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận Bộ đã có sai sót trong việc giao chỉ tiêu cho các trường, giao chỉ tiêu chưa chính xác, giao chỉ tiêu rất nhanh, đột biến, cho cả những ngành mà trường không có nhu cầu tuyển. Bộ sẽ xem xét lại vấn đề này.
Tăng cường kiểm tra
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2011-2012 là Bộ sẽ đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường tương ứng với năng lực của từng trường. Bộ sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quản lý hệ thống giáo dục đại học, thực hiện đúng chức năng quản lý nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.
“Trong 10 năm qua, chúng ta đã chú trọng đến vấn đề tăng quy mô, tăng số lượng, nhưng trong 10 năm tới phải quan tâm đến chất lượng,” Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định.
Cụ thể, sau tháng 10 này, Bộ sẽ tổ chức kiểm tra cả các trường trong và ngoài công lập, trước mắt là các trường mới thành lập trong 10 năm gần đây, sau đó là tất cả các trường.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh trên hai tiêu chí là số giảng viên cơ hữu và diện tích sử dụng (diện tích phòng học, thư viện, phòng thí nghiệm, phòng ở…) trên tinh thần lấy chất lượng làm trọng. Điều chỉnh này ở cả hệ phi chính quy và chính quy.
Trong năm học 2010-2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tạm dừng đào tạo hai trường, đóng cửa 101 ngành đào tạo bậc tiễn sĩ vì không đủ điều kiện, giảm chỉ tiêu hệ phi chính quy từ quy mô bằng 100% hệ chính quy xuống còn 80% vào năm 2010 và xuống 60% năm 2011.
Năm học tới, Bộ sẽ tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng đồng thời tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng chính quy.
Nhiều trường có phản ứng về việc Bộ giảm chỉ tiêu hệ này nhưng đây là việc phải làm.
“Trong thời gian qua, một số địa phương không tuyển hệ tại chức, ngoài công lập, về mặt lý mà nói là vi phạm pháp luật, nhưng trên thực tế, trong nội bộ, thì chúng ta cần phải xem xét lại, rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục hạn chế, củng cố lại và nâng cao chất lượng,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục nói.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nhận định, chất lượng đầu vào hệ chính quy được kiểm định bằng kỳ thi tuyển sinh nghiêm túc nhưng hệ phi chính quy đang được buông lỏng cho các trường. Hệ này có số lượng rất lớn, ngang ngửa với hệ chính quy nhưng lại chưa kiểm soát được chất lượng.
“Chính phủ chủ trương không thể tăng quy mô mà không giám sát về chất lượng, kiên quyết chấm dứt tình trạng không thể kiểm soát được chất lượng đào tạo. Chúng ta đã kiểm soát được chất lượng đào tạo đại học hay chưa là câu hỏi cần phải được đặt ra,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hơn nữa trong năm 2012, tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các trường sau 3 năm thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả và phải công bố các chế tài xử phạt./.
Phạm Mai (Vietnam+)