Mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Irina Bokova, đã cảnh báo nhu cầu giáo dục trung học đang tăng nhanh bất thường trên toàn cầu và các nước trên thế giới, đặc biệt là khu vực Tiểu Sahara châu Phi, đang phải chật vật để đáp ứng nhu cầu này.
Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh thế giới không thể thoát khỏi đói nghèo nếu không mở rộng nhanh chóng giáo dục trung học vì đây là nơi cung cấp cho thanh niên những tri thức và kỹ năng cần thiết để thanh niên đảm bảo được cuộc sống trong một thế giới toàn cầu hoá ngày nay.
Một dân số được giáo dục là tài sản lớn nhất của một quốc gia và là lợi ích quan trọng đối với mỗi xã hội và mỗi nền kinh tế. Ở mức độ xã hội, giáo dục trung học là cây cầu từ mức độ phát triển này đến một mức độ phát triển khác cao hơn.
Theo nghiên cứu của Viện Thống kê của UNESCO, trên toàn cầu, giáo dục trung học đã đào tạo khoảng 100 triệu học sinh trong mỗi thập kỷ, tăng 60% về số lượng kể từ năm 1990 đến 2009. Khu vực Tiểu Sahara châu Phi chỉ đáp ứng được 36% nhu cầu giáo dục trung học của trẻ em trong khu vực này.
Hơn 21,6 triệu trẻ em ở khu vực này ở độ tuổi bắt đầu vào trung học không được hưởng giáo dục trung học. Trong khi đó, trẻ em gái ở khu vực Nam và Tây Á vẫn gặp trở ngại nghiêm trọng trong giáo dục trung học mặc dù đã có nhiều cải thiện khi tỷ lệ trẻ em gái được hưởng giáo dục trung học trong khu vực này đã tăng từ 53% năm 1999 lên 69% năm 2009.
Tỷ lệ này ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng đã tăng từ 75% năm 1999 lên 91% năm 2009 và ở khu vực Arập trong cùng thời kỳ cũng đã tăng từ 67% lên 82%.
UNESCO nhấn mạnh tất cả các số liệu này cho thấy giáo dục trung học vẫn là thách thức lớn trong thập kỷ tới. Thế giới cần khẩn cấp biến cam kết thành thực tế.
Sự bất bình đẳng trong giáo dục, đặc biệt sự loại trừ trẻ em gái khỏi giáo dục trung học đã tác động lớn đến các thành tựu phát triển, từ sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, ngăn chặn nguy cơ HIV/AIDS đến an ninh môi trường./.
(TTXVN)