HẠNH PHÚC LÀ THƯỚC ĐO ĐÚNG ĐẮN CỦA TIẾN BỘ XÃ HỘI VÀ LÀ MỤC TIÊU CỦA CHÍNH SÁCH CÔNG
Hạnh
phúc là một đối tượng nhận thức khó nắm bắt. Bởi vậy, xưa nay, hạnh
phúc vẫn thường là địa hạt của những giáo huấn thần học và triết học,
tức là những phán xét nặng về răn dạy và kinh nghiệm. Tuy nhiên, với bản
chất là một sản phẩm có thực của đời sống con người, hạnh phúc là một
giá trị vừa chủ quan, vừa khách quan. Do vậy, quá trình mưu cầu hạnh
phúc, dẫu có mang màu sắc chủ quan đến mấy, vẫn là một cuộc tìm kiếm
không thuần túy “duy tâm” và có thể nói là đầy nhọc nhằn.
Đó
chính là lý do thôi thúc các nhà tâm lý học, các chuyên gia khoa học xã
hội và thậm chí cả các nhà toán học miệt mài nghiên cứu định lượng về
hạnh phúc. Song quả thực, hạnh phúc không dễ trở thành đối tượng mổ xẻ
duy lý và định lượng của khoa học. Các phương pháp phân tích và đo đạc
chính xác của khoa học dường như vẫn bất lực trước sự biến thiên phức
tạp của phạm trù này: Người nghèo mơ đến hạnh phúc của sự giàu có, nhưng
người giàu vẫn thấy bất hạnh; trong khi đó, xưa nay không hiếm người
nghèo lại thực sự có hạnh phúc. Cũng tương tự như vậy, vua chúa hay
thường dân, người sang hay hèn, người khôn ngoan hay dốt nát, người
thành đạt hay thất bại... thật khó đo đạc chính xác xem ai hạnh phúc hơn
ai.
Vấn
đề là ở chỗ, hạnh phúc của con người dẫu phức tạp thế nào cũng không
tách rời các cơ chế hóa học và sinh học của các trạng thái hưng phấn tâm
lý ở con người trong hoạt động. Và như thế, hạnh phúc không phải là một
đại lượng trừu tượng như xưa nay vẫn thường quan niệm, mà có thể đo đạc
được bằng các thước đo tâm lý học hoặc xã hội học, kinh tế học, toán
học, sinh học, hóa học... Chẳng hạn, người ta có thể đo số lượng người
trong một xã hội hài lòng đến đâu với cuộc sống của mình, với chính sách
của chính phủ quản trị mình(1).
Từ
khoảng hơn mười năm gần đây, các nghiên cứu định lượng về hạnh phúc đột
nhiên trở thành thời thượng. Lý do đáng kể nhất để giải thích hiện
tượng này là giàu có và văn minh vẫn chưa chắc đã làm cho cuộc sống con
người trở nên dễ chịu hơn; khủng bố và dịch bệnh toàn cầu thời gian gần
đây là mối đe dọa nguy hiểm đối với bất kỳ quốc gia nào; chính sách hợp
lý, hợp lòng dân thì an sinh xã hội bảo đảm hơn... Hạnh phúc hóa ra mới
là mục đích tối thượng của đời sống con người, “là thước đo đúng đắn của
tiến bộ của xã hội và là mục tiêu của chính sách công”(2).
Trong số những nghiên cứu định lượng được cộng đồng thế giới và giới
khoa học quan tâm, Chỉ số hạnh phúc hành tinh (Happy Planet Index - HPI)
thuộc New Economics Foundation (Anh) là xuất bản phẩm được công bố đầu
tiên năm 2006. Sau đó là Báo cáo của Hiệp hội điều tra và nghiên cứu thị
trường Win/Gallup International thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) và từ năm
2012 là Báo cáo Hạnh phúc thế giới (World Happiness Report - WHR) của
Mạng các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hợp quốc.
Chỉ
số HPI cho đến nay mới chỉ công bố bản in vào các năm 2006, 2009, 2012
và 2016. Từ sau năm 2016, HPI cập nhật thường xuyên và công bố dưới hình
thức trực tuyến. Theo bảng xếp hạng này, năm 2006, Việt Nam đứng thứ 12
trên 178 quốc gia(3). Năm 2012, HPI của Việt Nam còn cao
hơn, đứng thứ hai, chỉ sau Cốt-xta Ri-ca. Năm 2016, Việt Nam đứng thứ 5,
sau Cốt-xta Ri-ca, Mê-hi-cô, Cô-lôm-bi-a, Va-nua-tu(4). Tuy nhiên, không chỉ người Việt Nam mà còn nhiều học giả nước ngoài cũng khá hoài nghi về bộ công cụ khoa học của báo cáo HPI.
Đánh
giá hạnh phúc theo các tiêu chí định lượng không bao giờ tránh khỏi gò
ép. Mỗi khung lý thuyết thường vẫn dẫn tới một kết quả không giống với
khung lý thuyết khác, mặc dù hạnh phúc theo quan niệm nào hay đo theo
chỉ số nào khác cũng vẫn chỉ là phản ánh mức độ hài lòng của con người
với cuộc sống của họ. Thực ra, cuộc sống của người này trong cách nhìn
nhận của người khác có thể là hạnh phúc, nhưng đối với bản thân người đó
hoặc với cộng đồng khác thì chưa chắc đạt được sự hài lòng.
Ngoài
HPI, Hiệp hội điều tra và nghiên cứu thị trường Win/Gallup
International thuộc WB cũng hằng năm công bố kết quả nghiên cứu hoặc
phân tích của mình về nhiều chỉ số, trong đó có chỉ số hạnh phúc. Bên
cạnh HPI, hiện nay WHR được đánh giá là uy tín hơn cả khi công bố ấn
phẩm thường niên được các quốc gia thuộc Liên hợp quốc và các
chính khách, các nhà khoa học sử dụng là dữ liệu đầu vào cho nhiều
nghiên cứu của mình. WHR công bố ấn phẩm lần đầu tiên vào tháng 4-2012
theo đề nghị của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun lúc đó, với mục
đích hỗ trợ Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về hạnh phúc (The UN High
Level Meeting on Wellbeing and Happiness). Với Hội nghị này, Liên hợp
quốc khuyến cáo các nước nên coi hạnh phúc là thước đo đúng đắn của tiến
bộ xã hội và là mục tiêu của chính sách công. Kể từ đó, WHR được tiếp
tục nghiên cứu và công bố vào Ngày Quốc tế về Hạnh phúc (International
Day of Happiness, ngày 20-3 hằng năm). Đến nay, 9 báo cáo của WHR đã
được công bố. Mỗi báo cáo giới hạn khoảng thời gian ba năm để đo đạc
hạnh phúc của các quốc gia (chẳng hạn Báo cáo năm 2021 nghiên cứu, đánh
giá hạnh phúc của các quốc gia trong các năm từ năm 2018 đến năm 2021).
Lễ cưới tập thể cho 100 đôi thanh
niên công nhân do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân Thành phố Hồ Chí
Minh tổ chức. (Ảnh: Đỗ Trọng Danh/ tapchicongsan.org.vn)
CÁC TIÊU CHÍ HẠNH PHÚC: GỢI MỞ ĐỐI VỚI QUẢN TRỊ QUỐC GIA
Đại
lượng cơ bản đánh giá hạnh phúc được WHR sử dụng là mức độ hài lòng với
cuộc sống, được đo bằng thang điểm 10, từ “cực kỳ không hài lòng” đến
“cực kỳ hài lòng”. Mức độ hài lòng của người dân trong các quốc gia,
theo thiết kế của các chuyên gia WHR, được xem xét không dựa vào ý kiến
đánh giá của các nhà nghiên cứu hay các nhà hoạch định chính sách, mà là
cá nhân mỗi con người tự đánh giá về phúc lợi của chính họ - điều được
coi là quan trọng nhất trong nghiên cứu mức độ hài lòng với cuộc sống.
Các đại lượng khác, như tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp hay lạm phát,
học vấn hay hoàn cảnh cá nhân... chỉ có ý nghĩa chừng mực. Tất cả các
yếu tố đa dạng và phức tạp của đời sống, khi ảnh hưởng đến sự hài lòng
của mỗi người dân, đã được các chuyên gia WHR quy chiếu vào cùng một
phương trình. Theo đó, WHR đo mức độ hạnh phúc ở các quốc gia dựa vào 8
tiêu chí(5): 1- GDP bình quân đầu người tính theo
sức mua ngang giá (PPP), được tính theo tỷ giá USD năm 2011 do WB công
bố trong tính toán Chỉ số Phát triển thế giới (WDI); 2- Số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình. Số liệu này được xây dựng dựa trên dữ liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO); 3- Hỗ trợ xã hội
được đo bằng việc khả năng nhận được trợ giúp tại thời điểm khó khăn.
Hỗ trợ xã hội của các quốc gia được tính ở mức trung bình của các phản
hồi nhị phân (0 hoặc 1) cho câu hỏi của Gallup World Poll (GWP), đó là:
“Nếu bạn gặp rắc rối, người thân hoặc bạn bè có thể giúp đỡ bạn hay
không?”; 4- Tự do lựa chọn. Tiêu chí này được đo bằng tỷ lệ
trung bình toàn quốc về phản ứng nhị phân đối với câu hỏi của GWP: “Bạn
hài lòng hay không hài lòng với sự tự do của mình khi lựa chọn những gì
bạn đã làm trong cuộc sống?”; 5- Sự rộng lượng. Tiêu chí này
được đo bằng sự đóng góp cho xã hội khi trả lời câu hỏi của GWP: “Bạn đã
góp tiền từ thiện trong tháng vừa qua?”; 6- Cảm nhận về tham nhũng.
Tiêu chí này được đo bằng trung bình các phản hồi nhị phân đối với hai
câu hỏi của GWP: “Liệu tham nhũng có phổ biến khắp các cơ quan công
quyền hay không?”, và “Liệu tham nhũng có phổ biến khắp các doanh nghiệp
hay không?”; 7- Phản ứng tích cực. Tiêu chí này được đo bằng
tỷ lệ trung bình toàn quốc về tâm trạng hạnh phúc, tiếng cười và niềm
vui đối với những thử nghiệm cụ thể của GWP; 8- Phản ứng tiêu cực.
Tiêu chí này được đo bằng tỷ lệ trung bình toàn quốc về tâm trạng lo
lắng, buồn bã, và tức giận đối với những thử nghiệm cụ thể của GWP. Tất
cả 8 tiêu chí này đều là các biến độc lập được tính toán để đo thái độ
chủ quan của người dân ở hơn 150 quốc gia. Ở mỗi quốc gia, số nghiệm thể
được chọn mẫu nghiên cứu là 1.000 người. Chỉ số hạnh phúc (World
Happiness Index - WHI) là kết quả tích hợp tương đối phức tạp của tất cả
các tiêu chí đó.
Trên
thực tế, các chuyên gia WHR đã đưa ra khuyến cáo đối với hoạt động quản
trị quốc gia, đó là “các nhà hoạch định chính sách cần phải biết nguyên
nhân của hạnh phúc và đau khổ (misery)”(6). Một số yếu tố
ảnh hưởng đến mọi người dân, chẳng hạn như thu nhập và việc làm, giáo
dục và đời sống gia đình. Nhưng cũng có một số yếu tố khác lại có tầm
quan trọng khác nhau đối với các cá nhân, như sức khỏe tinh thần và thể
chất cá nhân. Những nhân tố này tạo sự khác biệt lớn trong cảm nhận hạnh
phúc và đau khổ của các cá nhân. Với các yếu tố có ảnh hưởng đến sự đau
khổ, theo WHR, về nguyên tắc là có thể loại bỏ, như nghèo đói, giáo dục
thấp, thất nghiệp, sống độc thân, bệnh tật,...
Theo WHR năm 2017, trong các xã hội phương Tây, sức khỏe tinh thần và quan hệ đối tác, bạn hữu
thường quan trọng hơn thu nhập, việc làm, thậm chí cả bệnh tật. Nói
chung, ở bất cứ quốc gia nào, sức khỏe thể chất không bao giờ quan trọng
hơn sức khỏe tinh thần và điều đáng lưu ý là, thu nhập của hộ gia đình
chỉ giải thích dưới 2% sự khác biệt về hạnh phúc(7).
Riêng đối với trẻ em, WHR năm 2017 chỉ ra rằng điều quan trọng nhất để trẻ em có hạnh phúc là sức khỏe tinh thần và hành vi
của trẻ, sau đó mới là kết quả học tập. Những nhân tố có ảnh hưởng trực
tiếp nhất đến sức khỏe tinh thần và hành vi của trẻ là thu nhập của cha
mẹ và sức khỏe tinh thần của người mẹ. Nhân tố tiếp theo là môi trường
xã hội của trường tiểu học và trung học cơ sở. Những nhân tố này cũng
ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ.
Những
nhận định trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc hoạch định
chính sách về phương diện cảm nhận hạnh phúc và phát triển con người.
Nếu các nhân tố có ý nghĩa đối với sự phát triển con người và nhân cách
của người lớn là sức khỏe tinh thần của người mẹ và môi trường giáo dục
cơ sở của họ ngay khi họ còn là trẻ em, thì việc quan tâm đặc biệt đến
giáo dục cơ sở phải là việc quan trọng nhất của nền giáo dục và sự lo
lắng cho sức khỏe tinh thần của người mẹ cũng phải là việc không bao giờ
được phép coi nhẹ trong mỗi gia đình.
Trong
WHR năm 2021, khi bàn đến ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các chuyên
gia đã nhấn mạnh yếu tố lòng tin - “sự tin tưởng của công chúng như một
sự hỗ trợ cho các ứng phó đại dịch thành công”. Phát hiện này phù hợp
với những nghiên cứu trước đó của Liên hợp quốc, đó là: những người đặt
niềm tin mạnh mẽ vào xã hội và thể chế, thường hạnh phúc hơn so với
những người sống trong môi trường kém sự tin cậy. Các cộng đồng có mức
độ tin cậy cao thường kiên cường hơn khi đối mặt với khủng hoảng. Niềm
tin và các chuẩn mực hợp tác xã hội không chỉ tạo điều kiện thuận lợi
cho các phản ứng kịp thời, mà còn giúp con người cảm thấy hạnh phúc hơn.
Các y, bác sĩ chăm sóc trẻ sơ sinh
tại một bệnh viện trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19. (Nguồn: vapa.org.vn)
THỰC TRẠNG HẠNH PHÚC CỦA VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI THEO WHR GIAI ĐOẠN 2012-2021
Tính
từ khi WHR được công bố năm 2012 đến báo cáo mới nhất năm 2021, tất cả
10 nước hạnh phúc nhất đều là các nước công nghiệp phát triển, chủ yếu
thuộc khu vực châu Âu, chỉ có Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân ở ngoài
khu vực này. Các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất đều ở Bắc Âu.
Đứng đầu là Đan Mạch vào các năm 2012, 2013, 2016, 2017. Sau đó là Na
Uy, Thụy Sĩ, Ai-xơ-len, Phần Lan, Thụy Điển, Hà Lan. Bốn năm liền gần
đây từ năm 2018 đến năm 2021, Phần Lan là quốc gia “hạnh phúc nhất thế
giới” với chỉ số WHI là 7,623 trong năm 2018, 7,769 năm 2019, 7,809 năm
2020 và 7,842 năm 2021. Năm 2022, quốc gia này tiếp tục dẫn đầu danh
sách các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Có
thể hiểu được tại sao các quốc gia Bắc Âu luôn đứng đầu về chỉ số hạnh
phúc nhân loại. Điều kiện sống, trình độ văn hóa - xã hội, mức độ phúc
lợi xã hội, thái độ của bộ máy quản lý vĩ mô,... đều là những nhân tố
tạo nên cuộc sống hạnh phúc của các nước này.
Trong
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Xin-ga-po luôn đứng ở vị trí
cao nhất và cũng là cao nhất châu Á trong suốt những năm qua, đồng nghĩa
với việc đây là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á. Chỉ số WHI của quốc gia
này là 6,377 và vị trí 31/152 nước vào năm 2020, 32/149 nước (năm 2021)
cho thấy người dân Xin-ga-po tương đối hài lòng với chất lượng cuộc
sống, với nền y tế, trình độ giáo dục, điều kiện môi trường và bộ máy
quản lý của họ.
Năm
2012, Việt Nam xếp hạng ở vị trí 65/157 nước với chỉ số hạnh phúc là
5,553. Từ năm 2012 đến năm 2017, thứ hạng của Việt Nam trong tương quan
với các nước lên xuống thất thường, vì thứ hạng của các nước cũng thay
đổi liên tục và các vấn đề kinh tế - xã hội của Việt Nam cũng trực tiếp
quy định thứ hạng của Việt Nam. Từ năm 2017, chỉ số WHI của Việt Nam
được cải thiện đều hơn. Trong giai đoạn 2019 - 2021, Việt Nam tăng 15
bậc trong bảng xếp hạng, chỉ số WHI từ 5,175 tăng lên đến 5,411(8). Năm 2022, chỉ số WHI của Việt Nam tiếp tục tăng 2 bậc(9).
Điều này phản ánh tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định của đời sống
kinh tế và sự cảm nhận hạnh phúc tích cực của các tầng lớp cư dân, dù
con số tuyệt đối tăng không thật nhiều. Tâm lý hài lòng với cuộc sống
của số đông cư dân được cải thiện ít nhiều về mức sống trong một đất
nước đang phát triển sôi động, đã là nhân tố đáng kể cải thiện chỉ số
hạnh phúc của Việt Nam.
Cũng
cần lưu ý rằng, nếu như trong các lĩnh vực khác, cảm nhận phải bị khuất
phục trước những con số chính xác của khoa học, thì trong lĩnh vực đánh
giá về hạnh phúc, cần thiết phải tôn trọng giá trị của sự cảm nhận. Có
thể nhận thấy, hiện nay không ít người vẫn hoài nghi về các con số phản
ánh hạnh phúc của người Việt Nam. Những vấn đề nan giải đang diễn ra
trong đời sống kinh tế - xã hội, những tiêu cực trong đời sống hằng
ngày, những bất hạnh cụ thể mà một số người đã trải qua... đã ảnh hưởng
không nhỏ đến quan niệm chung về hạnh phúc của người dân Việt Nam.
Đây
là vấn đề mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã trực tiếp đề cập
đến, khi đề ra hệ quan điểm chỉ đạo, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý
chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Ở bài học kinh nghiệm đúc rút từ sự nghiệp đổi mới, hạnh phúc
được Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng đề cập như là mục tiêu của
sự phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân. Văn kiện Đại
hội XIII của Đảng khẳng định: “Thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân
dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân
dân làm mục tiêu phấn đấu, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân
đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(10).
Trong các đột phá chiến lược phát triển đất nước, hạnh phúc
được trình bày là khát vọng về sự phát triển của đất nước, cần được
khơi dậy như một động lực tinh thần to lớn của toàn dân tộc. Ở định
hướng thứ tư của sự phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Văn kiện
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây
dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa,
con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát
triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp
văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận
lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm
tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí
tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực
phát triển quan trọng nhất của đất nước”(11).
Báo cáo chính trị Đại hội XIII đề cập đến hạnh phúc
như một tiêu chuẩn để xây dựng gia đình Việt Nam, đó là: “Tập trung
nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá
trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá
trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới... Thực hiện các chuẩn mực văn
hóa gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Đề cao vai
trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(12).
Niềm vui ngày tốt nghiệp. (Ảnh: tapchicongsan.org.vn)
Trong
số 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII, nhiệm vụ thứ tư được
Đảng ta xác định là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh,
hạnh phúc; giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt
Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có
chính sách cụ thể phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con
người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực
hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số
hạnh phúc của con người Việt Nam”(13). Điều đáng lưu ý là, việc nâng cao chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam được xác định trong Văn kiện là một nội dung quan trọng của một nhiệm vụ trọng tâm của Đảng trong nhiệm kỳ này.
Trên
phương diện là diện mạo của sự phát triển đất nước, hạnh phúc được đề
cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Đất nước ta nhất định sẽ lập
nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc,
cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành
công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân
tộc”(14).
Với
Báo cáo chỉ số hạnh phúc thế giới được công bố hằng năm, Liên hợp quốc
liên tục khuyến cáo, bất cứ quốc gia nào nếu muốn người dân thật sự có
hạnh phúc thì đều phải có chính sách, chiến lược để người dân hài lòng
với cuộc sống của mình, ít nhất là ở 8 tiêu chí cụ thể như WHR đã đo đạc
mức độ hạnh phúc của người dân ở hơn 150 nước trong 10 năm qua (2012 -
2021). Ý nghĩa sâu sắc mà Liên hợp quốc muốn cảnh tỉnh các chính phủ là
mọi tiến bộ về kinh tế - xã hội cũng không hẳn làm cho con người hạnh
phúc. Đối với người dân, tuổi thọ bình quân tăng chỉ đem lại hạnh phúc
khi số năm sống khỏe mạnh cũng tăng theo. Giàu hay nghèo cũng đều không
tránh khỏi bất hạnh nếu lúc khó khăn, tuyệt vọng không được trợ giúp.
Những lựa chọn trong cuộc sống, dù thành công cũng chưa chắc đã mang lại
hạnh phúc cho con người, nếu sự lựa chọn đó không có tự do, tự nguyện.
Chính phủ mạnh, doanh nghiệp giỏi, hay cơ quan công quyền chuyên
nghiệp... cũng chưa chắc đã đem lại cho người dân hạnh phúc nếu cảm nhận
về tham nhũng của người dân vẫn là nỗi ám ảnh trong từng hoạt động dân
sự, nếu niềm tin của dân vào chế độ không đủ tin cậy. Và cuối cùng là
tâm trạng hài lòng, tiếng cười và niềm vui trong cuộc sống mà WHR đã
không quên lượng hóa để khuyến cáo các chính phủ./.
GS. TS. Hồ Sĩ Quý
Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
___________________
-------------------
(1) Craig Lambert: “The science of happiness” (Tạm dịch: “Khoa học về hạnh phúc”), Havard Magazine, tháng 1 và tháng 2/2007, tr.26.27.
(2)
World Happiness Report 2015: “Happiness is a proper measure of social
progress and a goal of public policy” (Tạm dịch: “Hạnh phúc là thước đo
đúng đắn của tiến bộ xã hội và là mục tiêu của chính sách công”), https://documents-dds ny.un.org/doc/UNDOC/GEN/N11/420/70/PDF/N1142070.pdf?OpenElement.
(3) Happy Planet Index (Chỉ số hạnh phúc hành tinh), http://happyplanetindex.org/.
(4) Xem: Hồ Sĩ Quý: “Chỉ số hạnh phúc thế giới (WHI) 2012 - 2017 và cảm nhận của người Việt về hạnh phúc”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 3, 2017.
(5)
Xem: Clark, Andrew E., Flèche, Sarah, Layard, Richard, Powdthavee,
Nattavudh and Ward, George: “The Key Determinants of Happiness and
Misery” (Tạm dịch: “Các yếu tố chủ yếu quyết định hạnh phúc và đau
khổ”), CEP Discussion Papers, Centre for Economic Performance, London School of Economics and Political Science, London, UK.
(6) Xem: WHR 2017 (Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2017), https://worldhappiness.report/ed/2017/.
(7)
WHR 2017: “Household income per head explains under 2% of the variance
of happiness in any country” (Tạm dịch: “Thu nhập hộ gia đình trên đầu
người giải thích dưới 2% sự khác biệt về hạnh phúc ở bất kỳ quốc gia
nào”), tr.134.
(8) Trong các năm 2012, 2020, 2021..., số lượng các quốc gia được đo đạc hạnh phúc không tuyệt đối giống nhau
(9) Nguyễn Đức: “Báo cáo Hạnh phúc thế giới 2022: Việt Nam tăng 2 bậc”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 20/3/2022, https://baochinhphu.vn/bao-cao-hanh-phuc-the-gioi-2022-viet-nam-tang-2-bac-102220320092851823.htm
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.I, tr.97.
(Nguồn: tapchicongsan.org.vn)