Việc ra đời nghị quyết của Quân ủy Trung ương về Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo là một biểu hiện cho thấy lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đánh giá cao vai trò quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới, nhằm góp phần thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và cuộc sống bình yên của nhân dân bằng các biện pháp chủ động, sáng tạo và hòa bình.
Đất nước đang trong dòng chảy hội nhập.
Tất cả các ngành, các cấp, từ những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước
cho đến những người dân bình thường đều hiểu rằng, hội nhập quốc tế là
một trào lưu của thời đại, một xu thế của thế giới trong những thập niên
đầu tiên của thế kỷ 21. Các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà
nước đều nhấn mạnh xu thế hội nhập quốc tế là không thể đảo ngược. Vấn
đề nằm ở chỗ Việt Nam hội nhập quốc tế như thế nào? Hội nhập làm sao để
không đánh mất bản sắc dân tộc, không tạo ra nguy cơ đối với chủ quyền
lãnh thổ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội? Mở cửa hội nhập thế nào
để không chỉ ngăn ngừa những luồng gió độc tràn vào mà còn tận dụng thời
cơ để đón nhận những làn gió trong lành, tiếp thu những tinh hoa của
thế giới, phục vụ cho công cuộc công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước,
góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Như bất cứ một thủy thủ đoàn nào khi đi
ra biển lớn, điều cần thiết là phải chuẩn bị kỹ càng, kiểm tra lại đội
ngũ, lương thực, thực phẩm, độ an toàn tàu thuyền. Và cần hơn cả là một
chiếc la bàn…
Nhận thức mới về đối ngoại quốc phòng
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng
Quang Thanh, tại Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại quốc phòng giai
đoạn 2011-2013, phương hướng đến năm 2015 đã nhận định rằng, trong thời
gian qua, từ Quân ủy Trung ương, lãnh đạo đơn vị các cấp và tới từng cán
bộ, chiến sĩ trong toàn quân, đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong
nhận thức về công tác đối ngoại quốc phòng, vừa nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ
quyền biên giới lãnh thổ của Tổ quốc, vừa bảo đảm gìn giữ hòa bình, hữu
nghị, xây dựng quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, trong khu vực
cũng như trên thế giới.
Đây là một chuyển biến rất quan trọng bởi
chỉ có được nhận thức mới và đúng đắn về tính chất của thời đại và tình
hình thế giới thì hoạt động đối ngoại quốc phòng Việt Nam mới có thể đi
đúng hướng, từng bước vững chắc để đạt các mục tiêu đề ra.
Trong thời gian qua, tình hình thế giới
và khu vực có những biến động không nhỏ nhưng xu thế hòa bình, hợp tác
và phát triển vẫn đóng vai trò chủ đạo. Từ năm 2011 đến nay, kinh tế thế
giới bị suy giảm mạnh do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính
toàn cầu. Những căng thẳng xung quanh các chương trình phát triển hạt
nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt, xung đột sắc tộc tôn giáo, chủ nghĩa ly
khai, khủng bố, những cuộc “cách mạng màu trực tuyến” tiếp tục diễn ra ở
hầu khắp các nơi trên thế giới, kể cả những nước lâu nay được coi như
“miễn nhiễm” với các vấn nạn đó.
|
Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt - Trung cấp Thứ trưởng quốc phòng tại Bắc Kinh (tháng 6/2013). (Ảnh: QĐND)
|
Đặc biệt, những tranh chấp về chủ quyền
lãnh thổ diễn biến hết sức phức tạp, gây ra những “điểm nóng” chứa đựng
nhiều nguy cơ bùng phát tại nhiều khu vực, đe dọa hòa bình, ổn định ở
khu vực và trên thế giới.
Lợi dụng phong trào chống khủng bố và núp
dưới các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, một số thế lực đã can thiệp
dưới hình thức này hay hình thức khác, khi trực tiếp lúc gián tiếp, vào
tình hình nội bộ của nhiều quốc gia có chủ quyền, tạo nên những tiền lệ
nguy hiểm trong đời sống quốc tế, mà một số nước ASEAN ngay bên cạnh
chúng ta cũng không nằm ngoài số đó.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục
là trung tâm kinh tế-chính trị của thế giới, trở thành tâm điểm thu hút
sự cạnh tranh quyết liệt về mặt lợi ích địa chính trị giữa các cường
quốc cũng như các nước có liên quan.
Trong đội hình chung của đất nước
Trong bối cảnh đó, quán triệt và tổ chức
thực hiện Nghị quyết Đại hội X và Đại hội XI của Đảng về "Chủ động và
tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế
trong lĩnh vực khác", “Tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong
lĩnh vực quốc phòng, an ninh”, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ
Quốc phòng đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện hội nhập quốc
tế về quốc phòng có trọng tâm, trọng điểm.
Trước hết, chúng ta đã chủ động tham mưu
cho Đảng, Nhà nước các vấn đề về chiến lược đối ngoại liên quan đến quốc
phòng, tổ chức triển khai thực hiện đúng đắn, sáng tạo các quan điểm
đối ngoại của Đảng trong hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng.
Nội dung, hình thức quan hệ, hợp tác quốc phòng đã mở rộng trên nhiều
lĩnh vực, với nhiều đối tác, đạt được những kết quả quan trọng, trong đó
có nội dung mang tính đột phá, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi
cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nằm trong đội hình chung của công tác đối
ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân, công tác đối
ngoại quốc phòng Việt Nam đã triển khai các hoạt động trên tinh thần chủ
động và hiệu quả. Cho dù không phải là các nhà ngoại giao chuyên nghiệp
nhưng những người làm công tác đối ngoại quốc phòng đã xác định rõ nhận
thức đúng đắn, không tả khuynh cũng không hữu khuynh, dựa trên đặc thù
luôn kiên định dưới sự lãnh đạo của Đảng, bảo vệ bí mật quốc gia, mang
tính kế thừa những thành tựu của đối ngoại chung của ngành ngoại giao
Việt Nam.
Những thành tựu nổi bật
Thời gian qua, công tác đối ngoại quốc
phòng đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường hòa bình,
tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội,
giữ vững an ninh quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và toàn
vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới,
nâng cao tiềm lực sức mạnh của quân đội.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của
Thường vụ Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, công tác đối
ngoại quốc phòng đã triển khai một cách chủ động, toàn diện và đạt được
hiệu quả thiết thực. Trong giai đoạn 2011-2013, đã ký 50 văn bản hợp tác
với 26 nước và tổ chức quốc tế. Đến nay, đã mở 34 cơ quan Tùy viên Quốc
phòng tại các nước, trong đó có cơ quan thường trú tại 29 nước và 5
nước kiêm nhiệm; đã có 45 nước đặt cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại Việt
Nam, trong đó có 24 nước thường trú và 21 nước kiêm nhiệm.
Đối ngoại quốc phòng đã tập trung đẩy
mạnh quan hệ hợp tác với các nước láng giềng có chung đường biên giới,
với các nước trong khu vực; đưa quan hệ hợp tác quốc phòng với các đối
tác chiến lược, đối tác quan trọng đi vào thực chất, phù hợp với lợi ích
của tất cả các bên; thúc đẩy hợp tác thực chất với các nước bạn bè
truyền thống…
Đối ngoại quốc phòng tham gia đóng góp
tích cực vào các vấn đề an ninh, quân sự quốc phòng thuộc hiệp hội
ASEAN, gắn với lợi ích quốc gia, đặc biệt là ở Biển Đông, đối phó với
các thách thức an ninh phi truyền thống. Tất cả các nước ASEAN và 8 nước
đối tác đã ủng hộ hoàn toàn sáng kiến Nhóm chuyên gia về hành động mìn
nhân đạo do Việt Nam đưa ra.
Lần đầu tiên, Việt Nam đã cử lực lượng
quân đội tham gia diễn tập trên thực địa về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ
thảm họa và quân y tại Bru-nây, chủ trì tổ chức thành công Diễn tập thực
binh ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (ARDEX 13) trong năm
2013. Việt Nam cũng đăng cai tổ chức thành công nhiều hội nghị đa
phương trong khuôn khổ ASEAN về quân y, giao lưu sĩ quan trẻ…
Điểm sáng trong đối ngoại quốc phòng
Một trong những điểm sáng của đối ngoại
quốc phòng Việt Nam thời gian qua là các hoạt động đối ngoại cấp chiến
dịch. Các đơn vị giáp biên đã chủ động tăng cường hoạt động giao lưu,
hợp tác, kết nghĩa cụm bản, giúp đỡ lẫn nhau với các đơn vị bạn, cùng
nhau xây dựng và bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng
phát triển.
Bộ đội Biên phòng đã đẩy mạnh phối hợp,
hợp tác trong lực lượng bảo vệ biên giới các nước liền kề trong tuần
tra, kiểm soát bảo vệ đường biên mốc giới, đấu tranh với các loại tội
phạm, duy trì và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu
vực biên giới.
Quân chủng Hải quân và Quân chủng Phòng
không-Không quân tăng cường mở rộng hợp tác với các nước, nhất là với
các nước trong khu vực, thúc đẩy giao lưu trao đổi kinh nghiệm, đào tạo
cán bộ, hợp tác kỹ thuật quân sự, tham gia các cơ chế hợp tác đa phương;
các đơn vị hải quân duy trì tuần tra chung trên biển với các nước trong
khu vực, vừa mang tính thực tế bảo vệ đường biên giới, vừa mang tính
biểu tượng thể hiện nỗ lực của các bên trong việc duy trì và xây dựng
đường biên giới hòa bình, hữu nghị.
Lực lượng cảnh sát biển tích cực mở rộng
hợp tác về đào tạo, trao đổi, mua sắm trang thiết bị với các lực lượng
bảo vệ bờ biển các nước.
Bên cạnh đó, việc phát huy mạnh mẽ cơ chế
đối thoại chiến lược, đối thoại chính sách quốc phòng đã đem lại hiệu
quả rõ rệt trong việc xây dựng lòng tin với các nước đối tác.
Kim chỉ nam trên đại dương toàn cầu hóa
Trong thời gian tới, hòa bình, hợp tác
phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại nhưng không loại trừ khả năng
xuất hiện và tồn tại những bất ổn do xung đột sắc tộc tôn giáo, ly khai,
nạn khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, tranh chấp tài nguyên, chủ quyền
lãnh thổ. Quá trình toàn cầu hóa tiếp tục sẽ dẫn tới hiện trạng các
quốc gia ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương
tiếp tục phát triển năng động, là trọng tâm chú ý của thế giới.
Trong bối cảnh đó, đối ngoại quốc phòng
Việt Nam nhất quán mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống
nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và
chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hòa bình để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp
đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Công tác đối ngoại
quốc phòng tiếp tục là công cụ sắc bén để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân
tộc, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần giữ vững ổn
định chính trị, môi trường hòa bình để tạo điều kiện thuận lợi cho đất
nước hội nhập quốc tế.
Nhìn lại những thành tựu và cả những điểm
còn tồn tại, Đối ngoại quốc phòng Việt Nam lấy Nghị quyết của Quân ủy
Trung ương Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020
và những năm tiếp theo làm kim chỉ nam, là chiếc “la bàn” để có thể định
hướng đúng đắn trên đại dương toàn cầu hóa, cùng đất nước hội nhập mạnh
mẽ vào đời sống quốc tế./.
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH
(Nguồn: QĐND)