Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Sáu, 15/8/2014 15:21'(GMT+7)

Chiến khu xưa từng ngày đổi mới



Vùng quê cách mạng


Về xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương trong những ngày tháng Tám lịch sử, cờ Tổ quốc đỏ rợp trời thu, những đồi keo rì rào trong gió, những đồng lúa xanh mướt trải dài tít tắp đến tận chân trời, tạo cảm giác thật yên bình và no ấm. Cách đây 67 năm, xã Hợp Thành được Bác Hồ lựa chọn là nơi hoạt động bí mật của Đảng và Chính phủ trong những ngày đầu đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.

Ông Ma Kim Ngọc, thôn Làng Sảo, xã Hợp Thành dù đã ở tuổi 90 nhưng vẫn còn nhớ như in ngày ông cùng các đồng chí cán bộ xã đón Bác Hồ về Làng Sảo hoạt động bí mật. Ngày đó, ông Ngọc là Ủy viên thư ký của Ủy ban xã, vinh dự được đón Bác Hồ cùng đoàn cán bộ từ Thủ đô Hà Nội tới ở tại nhà ông Ma Văn Hiến (anh trai của ông Ngọc), thôn Làng Sảo. Cùng đi với Bác có 8 đồng chí cận vệ và giúp việc cho Bác, được Bác đặt tên là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Từ khi có các cơ quan Trung ương và Bác Hồ đến ở và làm việc, để đảm bảo an toàn, các tiểu đội du kích của xã tăng cường hoạt động, đặc biệt là đội du kích thôn Làng Sảo do ông Vi Văn Thanh chỉ huy, được giao nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, đảm bảo giữ an toàn tuyệt đối nơi ở của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương.

Ông Ngọc chia sẻ: "Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi là được Bác Hồ trực tiếp căn dặn, động viên phải cống hiến sức lực của mình để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Hôm đó, khi tôi đang quét dọn căn phòng làm việc của Bác thì được Bác đến hỏi chuyện. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe các thành viên trong gia đình, hỏi thăm công việc của tôi có thuận lợi không và Bác nói: “Chú còn thanh niên phải tham gia kháng chiến phục vụ nhân dân”. Tôi khắc ghi từng lời Bác dạy, không ngừng phấn đấu, rèn luyện và sau này được giữ cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thành trong thời gian hơn 30 năm (từ 1955 đến 1986). Vừa qua, tôi vinh dự được trao tặng huy hiệu 65 năm tuổi Đảng".

Hòa mình trong cuộc đấu tranh giữ nước và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, xã Hợp Thành là một trong những xã thuộc vùng Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến, đã có những đóng góp quan trọng trong thời kỳ Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Theo lịch sử Đảng bộ xã Hợp Thành, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với nhân dân cả nước, người dân xã Hợp Thành đã thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến” hi sinh tài sản của mình để đánh thắng kẻ thù. Trong kháng chiến chống Mỹ người dân nơi đây đóng góp sức người, sức của chiến thắng đế quốc Mỹ, giữ gìn độc lập, tự do cho dân tộc.

Trên đường đổi mới

Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, người dân xã Hợp Thành với bản tính cần cù, chịu khó đã không ngừng lao động sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Dọc theo tuyến quốc lộ 37 chạy qua xã Hợp Thành, hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, những trường học khang trang. Đưa chúng tôi đi thăm quan những con đường bê tông liên thôn phẳng phiu, ông Lương Đình Khải, Chủ tịch UBND xã Hợp Thành phấn khởi cho biết: Đây là một trong những thành quả cho thấy rõ nhất sự đổi thay của Hợp Thành trong thời gian qua. Ngay từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã chỉ đạo các thôn tổ chức họp thôn, công khai kế hoạch, bàn biện pháp tổ chức thực hiện. Đến nay, từ nguồn lực n gười dân đóng góp và các nguồn tài trợ, xã đã đạt được 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nổi bật là hoàn thành gần 27 km đường bê tông nông thôn, xây mới và sửa chữa hàng trăm mét kênh nội đồng, xây dựng tại mỗi thôn 1 nhà văn hóa đạt tiêu chí nông thôn mới. Năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 12% nay đã giảm xuống 7,6%.

Với lợi thế về địa lý, sự năng động của người dân không ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay, xã Hợp Thành có nhiều hộ gia đình xây dựng các mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như mô hình trồng chuối tiêu hồng của ông Phạm Văn Minh, thôn Cầu Trắng; mô hình trồng chè sạch của anh Phạm Công Thắng, thôn Đồng Đài; mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng của anh Lê Văn Hai, thôn Đồng Măng…

Anh Lê Văn Hai, thôn Đồng Măng, là thanh niên tiêu biểu của địa phương trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Tuy mới 30 tuổi nhưng anh đã xây dựng thành công mô hình trang trại với 80 con dê, 4 ha rừng, gần 1 ha hồ nuôi cá, mang lại lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng. Chỉ tay về phía đồi keo xanh mơn mởn, anh Hai cho biết, ban đầu vùng đồi này toàn cây bụi và cỏ tranh, gia đình anh mất mấy tháng cải tạo lại để trồng keo kết hợp chăn nuôi dê, trâu, đắp bờ để thả cá, chẳng mấy chốc đã hình thành được trang trại như ngày hôm nay. Sắp tới gia đình mở rộng chăn nuôi thêm gà và lợn rừng lai.

Rời xã Hợp Thành khi mặt trời xuống gần đỉnh núi, chúng tôi chạy xe bon bon trên những con đường bê tông phẳng phiu, trong lòng trào dâng một niềm vui hòa chung với niềm vui của người dân nơi đây khi vùng quê cách mạng đang dần hiện hữu sự no ấm, đủ đầy./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất