Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 14/8/2014 16:36'(GMT+7)

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đồng chí Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm.

Đồng chí Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Tọa đàm.

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Tọa đàm “Công tác tuyên truyền nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng - Thực trạng và giải pháp” dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Thế Đức - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tham dự tọa đàm có các đại biểu, các nhà khoa học, quản lý đến từ Ban Kinh tế Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội...

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, tập trung vào các vấn đề liên quan đến thực trạng quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng đến nay. Nguyên nhân của thực trạng? Thực trạng công tác tuyên truyền về CNH, HĐH và định hướng tuyên truyền thời gian tới.

Các ý kiến thảo luận đều nhất trí: Xác định rõ tính tất yếu, mục tiêu phải thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960) đã xác định đường lối CNH: “CNH XHCN là nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ quá độ ở nước ta. Điểm mấu chốt trong CNH XHCN là ưu tiên phát triển công nghiệp nặng”.Quá trình thực hiện CNH của nước ta chịu ảnh hưởng theo những biến động lịch sử. Gần 20 năm đầu (tính từ Đại hội III của Đảng) công cuộc CNH diễn ra trong thời kỳ đất nước có chiến tranh. Những năm tiếp sau, CNH diễn ra trong điều kiện đất nước vừa có khủng hoảng kinh tế - xã hội, vừa tìm tòi đổi mới tư duy kinh tế và công cuộc đổi mới đất nước đã tạo ra những tiền đề mới, con đường, cách thức mới cho quá trình CNH, HĐH ở Việt Nam. 

Từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta đã không ngừng đổi mới tư duy nhận thức về CNH, HĐH phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Hội nghị Trung ương 7 (khóa VII) đã có đột phá nhận thức: “CNH, HĐH là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng lao động phổ thông là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo ra năng xuất lao động xã hội cao”...

Xuất phát từ kết quả 10 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước, từ những tiền đề đã được tạo ra, từ việc nhận thức được xu thế phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học- công nghệ và điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đại hội VIII đã có những quyết định có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước ngoặt chuyển đất nước ta sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Đại hội IX và Đại hội X tiếp tục bổ sung và nêu ra những điểm mới như rút ngắn thời gian CNH, HĐH, thực hiện CNH, HĐH thông qua tận dụng kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ, thành quả của các nước; kết hợp phát triển tuần tự với phát triển nhảy vọt và vai trò của nguồn lực, trí tuệ và sức mạnh tinh thần của con người Việt Nam và vai trò của giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ; đặt vấn đề phát triển sản phẩm có lợi thế so sánh; vấn đề xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế; vấn đề CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; nhấn mạnh quan điểm CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức… Đại hội XI đề ra chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế nhanh và bền vững...

Sau gần 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế- xã hội. Quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH đã góp phần quan trọng làm cho đời sống nhân dân được cải thiện, sức cạnh tranh của nền kinh tế tăng lên đáng kể, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng và an ninh được giữ vững, nâng cao tiềm lực và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Tuy nhiên, CNH, HĐH phát triển chưa bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH chững lại; những biến động về kinh tế - xã hội trên thế giới tác động đến quá trình CNH, HĐH khi nước ta hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới…

Cùng với đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách về CNH, HĐH của Đảng đã thu được một số kết quả quan trọng. Các cấp ủy đảng, hệ thống tuyên giáo các cấp, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đã quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách và các thông tin mới, cập nhật liên quan về CNH, HĐH. Nhờ đó mà nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về CNH, HĐH ngày một nâng lên, điều đó đã tạo điều kiện cho tiến trình CNH, HĐH được thuận lợi và hiệu quả hơn. Song bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về sự nghiệp CNH, HĐH cũng còn hạn chế: Các chủ trương, quan điểm của Đảng chưa được quán triệt sâu sắc; còn lúng túng khi tuyên truyền mô hình CNH, HĐH; lý giải những tác động khách quan và chủ quan đến kết quả thực hiện CNH, HĐH còn nhiều bất cập…

Phát biểu kết luận tại tọa đàm, đồng chí Bùi Thế Đức nhấn mạnh: Trong thời gian tới, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về phát triển kinh tế- xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về nhiệm vụ CNH, HĐH, góp phần biến nhận thức thành hành động, thôi thúc sự tham gia của mỗi người dân, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương trong cả nước vào quá trình CNH, HĐH đất nước/.

Nam Anh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất