Thứ Bảy, 21/9/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 7/8/2014 11:13'(GMT+7)

Ðồng chí Trần Trọng Tân, xin chúc anh "thượng lộ bình an"!

Đồng chí Trần Trọng Tân trong một lần gặp, trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Báo Công an TP.Hồ Chí Minh)

Đồng chí Trần Trọng Tân trong một lần gặp, trò chuyện cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Báo Công an TP.Hồ Chí Minh)

Thế là, đồng chí Trần Trọng Tân, anh Hai Tân thân mến, một "kiện tướng" tài danh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Ðảng, đã ra đi.

Anh từ giã chúng ta đúng vào những ngày đầu Tháng Tám, dịp kỷ niệm 84 năm Ngày truyền thống Ngành Tuyên giáo của Ðảng, lĩnh vực công tác mà anh gắn bó gần như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Sinh ngày 15-10-1926 ở xã Tân Mỹ, Cam Lộ, Quảng Trị, trong một gia đình cách mạng, anh sớm tham gia cách mạng và trưởng thành từ Cách mạng Tháng Tám 1945. Vào Ðảng năm 1946, và bốn năm sau, tháng 4-1950, là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, lúc mới 24 tuổi. Năm 1951, anh được điều về công tác ở Vụ Huấn học, Ban Tuyên huấn Trung ương, dự lớp chỉnh Ðảng đầu tiên, và cũng từ đó, trở thành cán bộ tuyên huấn thực thụ của Ðảng.

Tôi biết anh Trần Trọng Tân từ năm 1956, sau khi tập kết ra bắc và được học lớp bồi dưỡng chính trị tại Thái Hà ấp (Hà Nội), lúc đó anh là một giảng viên. Cái nghiệp của anh là nghề huấn học. Còn tôi là nghề báo - Báo Nhân Dân của Trung ương Ðảng.

Giữa năm 1960, anh được điều động vào nam, công tác tại Trung ương Cục, được phân công là Ủy viên Ban Tuyên huấn do đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Trưởng ban. Năm 1967, anh được điều vào Sài Gòn, tham gia chuẩn bị cho tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Tháng 11-1969, do bị lộ từ đầu mối giao liên, anh bị địch bắt, giam cầm ở Chí Hòa và Côn Ðảo cho đến ngày giải phóng năm 1975.

Tháng 12-1986, tại Ðại hội VI của Ðảng - Ðại hội đề ra đường lối đổi mới toàn diện - anh được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, được phân công làm Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, sau đó là Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Vậy là, Trần Trọng Tân trở thành Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đầu tiên của Ðảng thời kỳ đổi mới. Năm 1991, anh được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, được phân công làm Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy.

Tôi muốn kể lại đôi kỷ niệm về thời kỳ này, thời kỳ mười năm của hai kỳ Ðại hội VI và VII, thời kỳ cả hai chúng tôi đều là Ủy viên Trung ương, cùng các đồng chí Trung ương khác, kề vai sát cánh làm nhiệm vụ công tác tư tưởng - văn hóa mà Trung ương giao cho, nhất là ở nhiệm kỳ Trung ương khóa VII, tôi được cử kế nhiệm làm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Ðại hội VI của Ðảng thật sự mở ra một bước ngoặt mới của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Ðường lối đổi mới được sự chào đón nồng nhiệt và hưởng ứng rộng rãi trong Ðảng, trong xã hội và trong nhân dân. Nhưng thực tiễn tình hình những năm đầu đổi mới thật hết sức khó khăn, đặc biệt là tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội kéo dài trong nhiều năm trước đó, vẫn còn đang lồng lên như con ngựa bất kham. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc đó có ví von nói đến "một đường hầm không lối thoát" và rằng đổi mới phải là chiếc chìa khóa mở toang cánh cửa đường hầm để hướng tới một chân trời mới. Mặt trận tư tưởng - văn hóa được giao nhiệm vụ đi tiên phong trong việc tạo dựng niềm tin, sự thống nhất về tư tưởng và hành động đối với đường lối, chủ trương và các chính sách đổi mới của Ðảng và Nhà nước ta. Nói là mặt trận tư tưởng - văn hóa được giao nhiệm vụ ấy, thật ra đây là nhiệm vụ chung của toàn Ðảng, dưới sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương, Bộ Chính trị.

Là Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương thời kỳ đầu đổi mới, đồng chí Trần Trọng Tân, theo cảm nghĩ của tôi lúc đó, với nhiệm vụ to tát được giao, vẫn cảm thấy mình còn có những bất cập nhất định cả về trình độ và năng lực. Nhưng anh có lòng tự tin. Quá trình không ngừng học hỏi, rèn luyện và những kinh nghiệm tích lũy được trong công tác tuyên huấn từ hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ đã giúp anh trong nhiệm vụ mới. Ngay từ đầu, anh đã tỏ rõ là con người của đổi mới, nhiệt tình ủng hộ đổi mới. Cùng với đồng chí Ðào Duy Tùng, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị Khóa VI phụ trách chung mặt trận tư tưởng - văn hóa của Ðảng, anh đã thể hiện khá rõ những tư tưởng lớn, chính sách lớn của Ðảng về đổi mới. Là một trong những cánh tay nối dài tư tưởng đổi mới của Tổng Bí thư trên hai lĩnh vực báo chí và văn hóa - văn nghệ, hai lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách trực tiếp của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương.

Trong xử lý nhiệm vụ, anh luôn tỏ rõ là con người trung thực, kiên định và sáng tạo.

Anh học được từ Ðại hội VI quan điểm: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Nói thẳng, nói thật cũng là tác phong hằng ngày của anh. Anh nói lên một cách trung thực những ý nghĩ của mình về những vấn đề nêu lên, đúng nói đúng, sai nói sai, có thể tranh luận về những vấn đề có ý kiến khác nhau, nhưng không cố chấp, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác. Anh kiên định về nguyên tắc, nhưng không phải là những nguyên tắc cứng nhắc, chỉ có sáng tạo mới có phát triển. Theo anh, công tác tư tưởng - lý luận của Ðảng phải làm sao thu phục được lòng người, tạo nên bốn cái phục: tâm phục, khẩu phục, lý phục và đức phục.

Tôi không nói rằng, trong xử lý nhiệm vụ, mọi ý kiến của anh đều đúng. Ðiều đó là không có và không thể có đối với mỗi cán bộ chúng ta. Trong nhận định tình hình trong nước và thế giới thời bấy giờ, giữa anh - Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, và tôi - Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, không phải bao giờ ý kiến cũng giống nhau, mặc dù cả hai chúng tôi đều là thành viên của Hội đồng Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Có những nhận định của anh về triển vọng của cải tổ, cải cách ở Liên Xô, Ðông Âu, tôi cho là quá lời. Có những bài báo anh viết với tư cách Trưởng ban, gửi Báo Nhân Dân, tôi đề nghị hoãn đăng vì thời điểm không thích hợp. Không sao. Anh không bao giờ áp đặt. Và khi thực tế đã trả lời, ai đúng ai sai thì cả hai cùng cười xòa. Chúng tôi đã cứu được những "bàn thua" trông thấy.

Sau Ðại hội VII, như đã nói trên, anh nhận nhiệm vụ mới: Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy. Còn tôi, kế nhiệm nhiệm vụ Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Mối quan hệ giữa chúng tôi, không giảm đi mà càng thêm khăng khít. Mỗi lần, tôi về công tác ở thành phố, với tư cách Trưởng ban của Trung ương, anh đều bố trí cho làm việc một cách nghiêm túc với Bí thư Thành ủy và bản thân anh về tình hình công tác tư tưởng của thành phố. Và mỗi khi về dự Hội nghị công tác tư tưởng - văn hóa toàn quốc, anh đều mang đến Hội nghị những ý kiến rất sắc sảo về tình hình tư tưởng văn hóa nói chung, đặc biệt là thực tế sống động của công tác tư tưởng - văn hóa thành phố, cùng những kiến nghị có giá trị.

Tầm nhìn, sự hiểu biết và những kinh nghiệm phong phú của anh về công tác tư tưởng văn hóa vẫn được anh tiếp tục phát huy sau khi về hưu. Anh sẵn sàng nhận những nhiệm vụ, việc làm có thể nhận được. Anh tham gia Hội đồng Lý luận Trung ương và là cộng tác viên của Hội đồng trong nhiều nhiệm kỳ từ Ðại hội VIII cho đến Ðại hội XI của Ðảng. Anh đóng góp nhiều ý kiến quý báu vào việc bổ sung và phát triển Cương lĩnh, Ðiều lệ Ðảng, vào các văn kiện Ðại hội Ðảng và những văn kiện các Hội nghị Trung ương có liên quan mà Trung ương cần có ý kiến đối với cán bộ đã nghỉ hưu. Cho đến nay, nhiều năm đã qua, tôi vẫn còn nhớ rõ những ý kiến phản biện của anh, có khi tranh luận với cả những đồng chí có trọng trách trong Ðảng, cả về đường lối xây dựng Ðảng và những vấn đề thuộc lịch sử Ðảng.

Cả đời, anh sống cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, giản dị. Cuộc sống trong tình thương và nhiều bạn bè.

Anh về cõi vĩnh hằng ở tuổi 88, cái tuổi được coi là đại thọ.

Xin chúc anh "thượng lộ bình an" - lời chúc mà cố nhà báo Hoàng Tùng, một trong những người tiền nhiệm đầy uy tín của anh, hơn mười năm trước đã tiễn một người chiến hữu quá cố của mình về cõi Bác./.

HÀ ĐĂNG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất