Thứ Hai, 18/11/2024
Thế giới
Thứ Sáu, 4/12/2009 14:57'(GMT+7)

Chiến lược mới của Mỹ ở Apsganixtan - Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ

Chính vì vậy mà bài phát biểu của Tổng thống Ôbama tại Viện quân sự West Point hôm 1-12 vừa qua vẫn để lại nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, như việc làm thế nào để đào tạo binh sĩ Ápghanixtan, làm thế nào để chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, lập lại hòa bình cho quốc gia Nam Á này, ..vv . Có thể thấy tiêu diệt lực lượng Taliban là mục tiêu chính mà chính quyền Mỹ đang hướng tới và việc tăng thêm quân là nhằm tạo ra một cú đòn quyết định để tiêu diệt lực lượng Taliban . Song cuộc chiến tại Ápghanistan là một vấn đề hết sức phức tạp mà chỉ riêng việc tăng quân thì khó có thể giải quyết, hơn nữa bản thân việc Mỹ làm thế nào để có được số quân cần thiết cũng còn là điều phải bàn.

Mỹ hiện có 68.000 quân đang đồn trú tại Ápghanixtan cùng với 45.000 binh lính thuộc lực lượng NATO. Tổng tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Ápghanixtan, Tướng Mc Chrystal cho rằng cần phải có thêm ít nhất 40.000 quân nữa nếu muốn thắng Taliban. Song theo như tuyên bố của Tổng thống Ôbama, Mỹ sẽ điều động thêm 30.000 quân, ít hơn so với yêu cầu. Vì vậy Mỹ đang phải tích cực đề nghị các nước NATO bổ sung thêm từ 3.000 đến 7.000 quân cho chiến trường này. Trong những ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn đã liên tiếp điện đàm với những người đồng cấp ở các nước đồng minh trong NATO đang có quân tham gia tại Ápghanixtan để đề nghị hưởng ứng lời kêu gọi tăng quân của Mỹ, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức. Cũng dễ hiểu vì sao các nước đồng minh chưa thể có ngay câu trả lời cho Mỹ, bởi trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, tăng thêm quân đến "vũng lầy" Ápghanixtan không chỉ gây thêm khó khăn về tài chính mà còn tạo thêm sức ép về chính trị lên các chính phủ vốn đang gặp nhiều vấn đề chồng chất.

Không chỉ với các đồng minh, mà ngay cả với Mỹ, việc làm thế nào để tăng thêm được 30.000 quân đến Ápghanixtan không phải là điều dễ làm. Ước tính, việc điều động này sẽ tiêu tốn ít nhất là 35 tỷ đôla Mỹ, trong khi ngân sách lại đang hết sức khan hiếm. Vào thời điểm này, Thượng viện Mỹ đang tranh cãi gay gắt về số tiền hơn 800 tỷ đôla Mỹ để thực hiện dự luật y tế mới của Mỹ - kế hoạch an sinh xã hội lớn nhất của Tổng thống Ôbama. Việc bổ sung thêm vài chục tỷ đôla nữa vào kế hoạch chi tiêu ngân sách sẽ làm cho những tranh cãi tại 2 viện Quốc hội Mỹ càng nóng thêm.

Tuyên bố của Tổng thống Ôbama cho biết lực lượng bổ sung "sẽ giúp huấn luyện cho lực lượng vũ trang Ápghanixtan" và sẽ "trao quyền lại cho chính phủ nước này" . Thế nhưng người ta chưa hiểu là làm cách nào mà Tướng Mc. Chrystal có thể thực hiện kế hoạch xây dựng lực lượng vũ trang Ápghanixtan gồm 400.000 người, trong đó gồm 240.000 binh sĩ và 160.000 cảnh sát, trước tháng 10-2013. Người ta cũng đặt câu hỏi Oasinhtơn sẽ trao quyền lại cho chính phủ nào ở Ka-bun khi mà Mỹ đang giảm dần sự ủng hộ đối với Tổng thống Ha-mít Ka-zai, người vừa tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ 2, bởi cho rằng chính phủ của ông Ka-zai quá nhiều tham nhũng. Chính Đại sứ Mỹ tại Ápghanixtan Karl Eikenberry cũng phản đối kế hoạch tăng quân và cho rằng nó không hiệu quả trong bối cảnh các quan chức Ápghanixtan tham nhũng và chính phủ nước này điều hành kém.

Thời gian gần đây nổi lên nhiều ý kiến so sánh việc Tổng thống Ôbama tăng quân Mỹ đến Ápghanixtan giống như hồi năm 1965 khi Tổng thống Mỹ khi đó là Giôn-xơn điều thêm 20.000 quân đến chiến trường miền Nam Việt Nam nhưng đã gặp thất bại thảm hại. Dĩ nhiên không thể so sánh cuộc chiến ở Việt Nam trước đây với cuộc chiến ở Ápghanixtan hiện nay, song điều mà các chuyên gia muốn cảnh báo là tăng quân chưa phải là giải pháp thích hợp để giải quyết vấn. Theo giới phân tích, chiến trường Ápghanixtan hết sức phức tạp, do đó biện pháp quân sự phải đi kèm với các biện pháp chính trị, kinh tế, xã hội. Thế nhưng để thực hiện một giải pháp tổng thể như vậy thì nước Mỹ, với nền kinh tế đang suy thoái hiện nay, không đủ sức.

Rốt cuộc thì điểm mới duy nhất và cũng là điểm đáng chú ý nhất trong bài phát biểu mà Tổng thống Ôbama đưa ra về chiến lược đối với Ápghanixtan là khả năng quân Mỹ sẽ rút khỏi chiến trường này vào năm 2011. Việc hé lộ về thời điểm rút quân chắc chắn sẽ làm cho nhiều cử tri Mỹ phấn khởi khi mà đã có tới hơn 900 con em của họ phải bỏ mạng tại Ápghanixtan. Có thể hình dung rằng, cho dù có đạt được thắng lợi đối với Taliban hay không thì ông Ôbama cũng sẽ kết thúc sự can dự của Mỹ vào Ápghanixtan trong vòng 2 năm nữa. Như vậy một kịch bản tương tự Irắc sẽ lại diễn ra: Mỹ sẽ rút chân , còn hòa bình có đến hay không là việc của Ka-bun./.

Phạm Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất