Thứ Tư, 2/10/2024
Thể thao
Thứ Ba, 14/12/2010 16:19'(GMT+7)

Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam 2010 - 2020: Bước ra khỏi “ao làng”

Wushu đã không còn là môn thể thao mũi nhọn của TTVN nữa

Wushu đã không còn là môn thể thao mũi nhọn của TTVN nữa

Bước chuyển từ... thất bại!

Thực ra thì Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam 2010-2020 đã được ngành TDTT xây dựng trong nhiều năm qua và đến ngày 3/11/2010, tức là ngay trước thềm Asian Games 16, Bộ VH-TT&DL đã ra quyết định phê duyệt nội dung đề cương “Quy hoạch phát triển thể dục thể thao Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó đưa ra những mục tiêu khá cụ thể tại 3 đấu trường chính: SEA Games, Asian Games, Olympic.

Như số báo trước, TT&VH Cuối tuần đã đề cập, đề cương này nhanh chóng rơi ngay vào tình cảnh “chưa xây đã sập” khi mục tiêu đầu tiên về thể thao thành tích cao đó là giữ vị trí 15 tại Asian Games 16 nhanh chóng bị phá sản. Cú “phá sản” khiến những cái đích sau cũng bị nghi ngờ bởi chính cái sự hoành tráng của nó như: đứng đầu SEA Games 2019 khi tiếp tục đăng cai tổ chức; đứng vị trí thứ 12-14 tại Asian Games 2019 (xin đăng cai kỳ đại hội này); có HCV Olympic 2020...

Và trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo tin từ Bộ VH-TT&DL, mới đây Viện Khoa học TDTT đã được giao sửa đổi một số nội dung của Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam 2010-2020. Những thay đổi trong thời gian ngắn chủ yếu là về thể thao thành tích cao, nhưng lại là bước chuyển mang tính căn bản cho TTVN trong định hướng phát triển của mình. Quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên, những thay đổi đến từ thất bại, chứ không xuất phát từ ánh hào quang của chiến thắng.

SEA Games chỉ còn là bàn đạp

Con đường SEA Games, con đường đã đưa TTVN trở lại, hội nhập với đấu trường thể thao quốc tế. Giá trị của lộ trình này là không thể phủ nhận khi bên cạnh vị thế mới, thành công tại các kỳ SEA Games đã tạo nên động lực mới cho sự phát triển chung của thể thao nước nhà. Cũng sẽ là không đúng nếu phủ nhận những bước đi mang tính chiến thuật trên con đường này bởi vào những thời điểm đó nó mang đến những hiệu quả rõ rệt.

Chỉ có điều, nếu tự nhận mình tiếp tục phát triển, rõ ràng TTVN không thể mãi bằng lòng với chuyện “đi tắt, đón đầu” đó để bó hẹp thành công chỉ trong đấu trường khu vực mà cần phải hướng cái đích ra xa hơn - Asian Games, Olympic. Tất nhiên là chúng ta vẫn có mặt tại các kỳ SEA Games, nhưng đây chỉ còn là cái bàn đạp, thay vì mục tiêu phấn đấu. Đó chính là sự thay đổi quan trọng nhất trong chiến lược phát triển vừa được phê duyệt. Theo đó, từ nay đến năm 2020, TTVN chỉ giữ vững mục tiêu tốp 3 SEA Games và mục tiêu cao nhất trong giai đoạn này là phấn đấu đạt vị trí 14 đến 12 tại Asian Games 18 (năm 2019), phấn đấu có 45 VĐV vượt qua các cuộc thi vòng loại để có mặt tại Olympic lần thứ 32 (năm 2020) và có huy chương. Ngay cả việc xin đăng cai tổ chức Asian Games 18 cũng không còn là mục tiêu chính thức mà dừng ở mức đề án.

Tất nhiên, để đạt được mục tiêu mới, thì TTVN cần phải có “phương tiện” phù hợp và đó chính là sự thay đổi lớn thứ hai. Sẽ có 32 môn thể thao trọng điểm, trong đó có 10 môn được xếp vào nhóm I gồm: điền kinh, bơi, cử tạ, karatedo, taekwondo, cầu lông, bóng bàn, boxing (nữ), vật (hạng cân nhẹ), bắn súng. Đây là 10 môn thể thao cơ bản nằm trong chương trình Asian Games và Olympic thay cho thể hình, billiards & snooker, wushu, cầu mây - vốn một thời là biểu tượng cho sức mạnh của TTVN, nhưng luôn “chập chờn” từ khâu tổ chức, đến thành tích chuyên môn tại các kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn.

Xuất phát từ cả thành công lẫn thất bại tại Asian Games 16, sự thay đổi trong quan điểm đầu tư cho các môn thể thao đỉnh cao chính là việc bám hơn vào chuẩn Olympic, phù hợp với thể trạng, khả năng đầu tư phát triển, thay cho thứ lý luận cũ “chú tâm vào chốn nhiều huy chương”.

Sẽ là con đường dài...

Ngay cả khi xác định lại mục tiêu và chọn ra 10 mũi “giáp công” để hướng tới đấu trường châu lục, thế giới thì cũng không khó nhận ra, đó sẽ là con đường dài với TTVN. Đã đành 10 môn trên đóng góp chủ yếu về mặt thành tích cho đoàn TTVN trên đất Quảng Châu, nhưng nếu soi kỹ vào từng môn thể thao này, thì hàng loạt vấn đề chẳng mới cũng bộc lộ: Lực lượng đỉnh cao mỏng, thiếu tuyến kế thừa có đủ khả năng thay thế; mức độ đầu tư, tập huấn, thi đấu cọ xát không có gì đặc biệt so với các môn khác. Thậm chí để vượt khỏi tầm khu vực, nhiều môn còn phải trông vào các thế hệ dưới nữa...

Chiến lược phát triển mới đã được đề ra và có rất nhiều chủ trương, biện pháp... đi kèm để thực hiện thành công mục tiêu đề ra dù kết quả thì vẫn còn là ẩn số.

Nhưng chí ít thì sau thất bại tại Asian Games 16 cùng sự ra đời của chiến lược này, TTVN cũng đã có bước chuyển lớn so với chính mình, bước chuyển về nhận thức./.


Theo Thể thao Văn hóa
 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất