Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 2/6/2012 14:32'(GMT+7)

Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Dạy nghề thời kỳ 2011-2020

Dạy nghề phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo

Dạy nghề phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo

 

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Quyết định số 630/QĐ-TTg, ngày 29/5/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020.

Theo đó, Chiến lược đề ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; Chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; Hình thành đội ngũ lao động lành nghề góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, bảo đảm an sinh xã hội.

Chiến lược chia ra hai giai đoạn với các mục tiêu cụ thể. Thực hiện đào tạo nghề để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 40%, tương đương 23,5 triệu người vào năm 2015 và 55% vào năm 2020, tương đương 34,4 triệu người.

Giai đoạn 2011 - 2015 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,1 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 7,5 triệu người, trong đó có 4,7 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo "Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020)" (Đề án 1956).

Giai đoạn 2016 - 2020 đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 2,9 triệu người (trong đó 10% đạt cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế), sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng khoảng 10 triệu người, trong đó có 5,5 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo Đề án 1956.

Chiến lược này cũng đề ra, đến năm 2015 có khoảng 190 trường cao đẳng nghề, 300 trường trung cấp nghề và 920 trung tâm dạy nghề, 51.000 giáo viên dạy nghề và ban hành 130 chương trình, giáo trình cho các nghề trọng điểm quốc gia. Đến năm 2020 sẽ có khoảng 230 trường cao đẳng nghề, 310 trường trung cấp nghề và 1.050 trung tâm dạy nghề, 77.000 giáo viên dạy nghề và ban hành 150 chương trình, giáo trình trọng điểm quốc gia.

Tất cả các nghề trọng điểm quốc gia, nghề cấp khu vực, quốc tế; các trường chất lượng cao, trung tâm dạy nghề kiểu mẫu được kiểm định chất lượng. Hình thành 3 trung tâm kiểm định chất lượng dạy nghề do tổ chức và cá nhân thành lập.

Đến năm 2015 sẽ ban hành 250 bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia. Năm 2020 ban hành 400 bộ. Giai đoạn 2011-2015, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 2 triệu người, giai đoạn 2016-2020 khoảng 6 triệu người.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chiến lược nêu cần thực hiện đồng bộ 9 giải pháp, trong đó giải pháp "Đổi mới quản lý nhà nước về dạy nghề" và "Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề" là giải pháp đột phá. Giải pháp "Xây dựng khung trình độ nghề quốc gia" là giải pháp trọng tâm. Các giải pháp còn lại là: Phát triển chương trình, giáo trình; Tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề; Kiểm soát, bảo đảm chất lượng dạy nghề; Gắn kết giữa dạy nghề với thị trường lao động và sự tham gia của doanh nghiệp; Nâng cao nhận thức về phát triển dạy nghề; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dạy nghề.

Chiến lược này là định hướng, làm cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch, chương trình và đề án phát triển dạy nghề của các Bộ, ngành và các địa phương.

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất