Không thể phủ nhận rằng, trong nhiều năm qua các trường, nhóm, lớp mầm non ngoài công lập đã đáp ứng được phần nào nhu cầu gửi con của phụ huynh, góp phần giảm tải cho các trường công lập. Tuy nhiên, những bức xúc xung quanh bữa ăn của các cháu nhỏ xảy ra mới đây ở trường mầm non quốc tế Maple Bear - Hà Nội và trường mầm non ABC – TP HCM là những ví dụ điển hình cho thấy nhiều kẽ hở trong việc quản lý loại hình này.
Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu đối với các trường mầm non là vệ sinh an toàn thực phẩm, và khi gửi con em vào đó, phụ huynh chỉ còn biết trông cậy hoàn toàn vào nhà trường, vào các cô bảo mẫu.
Theo số liệu của ngành giáo dục, cả nước hiện có gần 13.000 trường mầm non, 3/4 trong số đó là trường công lập. Hơn 3.000 trường ngoài công lập chủ yếu là ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn nhóm, lớp mầm non, tập trung ở những khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp.
Chưa có số liệu tổng hợp đầy đủ, nhưng kết quả thanh tra kiểm tra gần đây nhất đều cho thấy, hầu hết các trường mầm non công lập đáp ứng tương đối tốt những qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sai phạm chủ yếu nằm ở các trường ngoài công lập, nhưng do số lượng quá lớn nên không phải lúc nào cơ quan chức năng cũng có thể kiểm tra mà phát hiện ra.
Nếu như các cô bảo mẫu của trường mầm non ABC không đồng loạt nghỉ việc để phản đối thì cơ quan chức năng ở quận 12 TP HCM làm sao biết được, hơn 50 đứa trẻ ở đây phải ăn đồ ôi thiu. Và qua đó, Phòng giáo dục Quận 12 còn phát hiện ra trường này chưa được cấp phép, đã kịp thời đình chỉ hoạt động và gửi các cháu sang một số trường lân cận.
Khác với trường ABC, đối với trường mầm non quốc tế Maple Bear ở Hà Nội cơ quan chức năng đang đùn đẩy trách nhiệm, Phòng đổ lên Sở, Sở nói tại Phòng. Đáng nói hơn và đáng đặt thêm nhiều câu hỏi nữa, đó là vì mang danh trường quốc tế nên để gửi con vào Maple Bear mỗi tháng phụ huynh phải trả hàng chục triệu đồng. Không nói có tiêu cực hay sự bao che thì cũng thấy rõ nhiều kẽ hở trong việc quản lí loại hình trường mầm non ngoài công lập.
Maple Bear hay ABC chỉ là những ví dụ mới nhất mang tính điển hình, còn trên thực tế ở nhiều địa phương trong cả nước có quá nhiều cơ sở mầm non không phép, hoạt động chui, và còn nhiều hơn nữa những nhóm giữ trẻ tự phát với qui mô gia đình.
Ở những nơi này, về cơ sở vật chất nếu không phải là tận dụng thì cũng rất xập xệ, người trông trẻ không có nghiệp vụ, không được đào tạo những kĩ năng tối thiểu, nên thường xảy ra những chuyện đáng tiếc.
Chính quyền sở tại hoặc là chưa nắm rõ hoặc biết mà cứ lờ đi. Khi sự việc không mong muốn xảy ra thì xử nặng nhất là yêu cầu đóng cửa, nhưng rồi do nhu cầu thực tế nên sau đó nhiều trường, nhóm, lớp mầm non lại “tự phát” mọc lên.
Đối với những trường có yếu tố nước ngoài như Maple Bear thì việc kiểm tra, kiểm soát sau khi cấp phép cũng không dễ dàng vì nhiều lí do khác nhau. Tuy chưa có điều tra tổng thể, nhưng có thể khẳng định không ít trường chỉ dựa vào thương hiệu “quốc tế” để thu học phí cao, trong khi cơ sở vật chất không hơn gì các trường công lập trung bình, phương pháp giáo dục dù gọi là tiên tiến cũng chưa chắc đã phù hợp.
Nhiều nơi phần lớn học phí dùng để trả tiền thuê địa điểm thì làm sao đảm bảo bữa ăn an toàn và đầy đủ dinh dưỡng cho các cháu được. Hiện nay ở những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM,... mỗi nơi có hàng trăm trường mầm non treo biển “quốc tế” hay “chất lượng cao”, nhưng chẳng có chứng nhận nào của cơ quan chuyên môn.
Đã đến lúc ngành giáo dục và các địa phương cần phối hợp với nhau để bổ sung những qui định cụ thể và thực thi một cách nghiêm túc, đồng bộ nhằm quản lí chặt chẽ loại hình trường mầm non ngoài công lập. Không để xảy ra tình trạng cánh cổng trường mầm non nào bị đạp đổ, nhưng cũng không thể thả cho loại hình mầm non ngoài công lập phát triển tự nhiên theo kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay. Bởi, đó chỉ là mảnh đất mầu mỡ cho các nhà đầu tư trục lợi chứ không phải vì tương lai con em chúng ta./.
(Theo: VOV)