Ông Hoàng Văn Thinh - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, xoá bỏ khoảng cách phát triển giữa vùng nông thôn miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiếu số với các vùng khác trong tỉnh, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần và góp phần đào tạo nguồn cán bộ cho địa phương, tỉnh Tuyên Quang đầu tư gần 170 tỷ đồng phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) đến năm 2015.
Tỉnh đầu tư, phát triển các trường PTDTBT phù hợp với quy hoạch phát triển giáo dục; trong phương hướng xây dựng và phát triển của các trường phải đảm bảo ít nhất 50% học sinh là người dân tộc thiểu số bán trú. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên hưởng theo chế độ của Bộ GD&ĐT quy định ở các trường chuyên biệt công lập. Cơ sở vật chất và các thiết bị được trang bị đáp ứng tiêu chuẩn của trường chuẩn quốc gia. Kinh phí dành cho xây dựng các khối công trình là gần 56 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị là 8 tỷ đồng và hơn 105 tỷ đồng thực hiện chế độ, chính sách cho giáo viên, nhân viên và học sinh.
Trong tổng số vốn gần 170 tỷ đồng đầu tư từ nay đến năm 2015, có trên 135 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương, hơn 22 tỷ đồng từ nguồn vốn địa phương và hơn 8 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác. Kinh phí đầu tư chia thành 2 gia đoạn: giai đoạn 1 trên 102 tỷ đồng, giai đoạn 2 trên 66 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến năm 2015, Tuyên Quang sẽ có 10 trường PTDTBT với gần 2700 học sinh, trong đó gần 1.500 học sinh bán trú (chiếm trên 54%).
Tuyên Quang là một trong những tỉnh miền núi có loại hình trường phổ thông có học sinh bán trú ra đời rất sớm. Hiện nay, tại hầu hết các trường có học sinh nội trú dân nuôi, việc nuôi dưỡng học sinh chưa được tổ chức tập trung, học sinh chủ yếu tự nấu ăn theo nhóm. Một số trường do chưa có đủ chỗ ở nội trú dân nuôi nên học sinh phải ở nhờ hoặc ở trọ nhà dân xung quanh trường. Nhiều khu ở nội trú do tận dụng nhà kho, phòng học cũ hoặc được làm bằng tre, nứa đã xuống cấp. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học của hầu hết các trường đều thiếu thốn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống cũng như việc học hành của học sinh./.
Nguyễn Văn Tý - TTXVN