Với ba chức năng: phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro, các chính sách an sinh xã hội được thiết kế thành 3 tầng.
1. Chính sách hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho lao động nông thôn có thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về tín dụng ưu đãi: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Mỗi hộ được vay tối đa không quá 5 triệu đồng, lãi suất bằng 0%. Chính sách này thực sự đã mang lại hiệu quả tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Chỉ sau hơn 1 năm thực hiện, các địa phương đã giải ngân được trên 86 tỉ đồng cho hơn 18.000 hộ vay.
Về đào tạo nghề, đồng bào dân tộc thiểu số là đối tượng được ưu tiên trong triển khai dự án dạy nghề cho người nghèo thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Chính sách hỗ trợ giáo dục được coi là giải pháp quan trọng nhất đề giảm nghèo bền vững. Từ năm 2006-2009, bằng nguồn vốn Chương trình 135-II, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng 2.478 công trình trường học và hoàn thành đưa vào sử dụng 2.113 công trình. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú từ 160.000đ/tháng lên 280.000đ/tháng; Quyết định 194/2001/QĐ-TTg về chế độ trường dự bị đại học. Học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo thì được miễn 100% học phí, các khoản đóng góp xây trường và được cấp một lần tối thiểu là 120.000đ/năm/học sinh để mua sách, vở, đồ dùng học tập; Quyết định 101/2009/QĐ-TTg ngày 5-8-2009 mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục là học sinh con các hộ nghèo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông về tiền ăn, dụng cụ học tập và sinh hoạt với mức hỗ trợ cho một học sinh là 140.000đ/tháng.
Nhằm bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Quyết định số 1342/2009/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư.
2. Chính sách bảo hiểm y tế
Việc ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 cho thấy, sự cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng bảo hiểm y tế đối với người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số, đối tượng hưởng chính sách ưu đãi, trợ giúp xã hội. Chính sách bảo hiểm y tế đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu công bằng xã hội, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Năm 2008, có 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, trong đó khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm dưới 20%.
3. Chính sách trợ giúp xã hội
Đối tượng được trợ giúp xã hội thường xuyên từng bước được mở rộng. Năm 2005, khu vực nông thôn có khoảng 390.000 đối tượng, năm 2009 đối tượng này tăng lên trên 970.000 người. Mức chuẩn để tính trợ cấp cũng được điều chỉnh tăng từ 120.000đ lên 180.000đ vào năm 2010 và được ngân sách nhà nước bảo đảm, do đó đã góp phần đáng kể để ổn định cuộc sống cho các đối tượng. Nhiều mô hình trợ giúp xã hội được xây dựng phù hợp với nhu cầu ngày càng phong phú của từng nhóm đối tượng. Phong trào xã hội hóa chăm sóc đối tượng được mở rộng đã bổ sung đáng kể cho nguồn lực còn hạn chế từ ngân sách. Số cơ sở bảo trợ xã hội tăng nhanh. Tính đến tháng 12-2008, cả nước có khoảng 571 cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng 14.613 đối tượng. Hơn 1/3 trong số đó là các cơ sở ngoài Nhà nước./.
Nguồn: Tài liệu tại Hội thảo quốc gia “Cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam và chính sách đại đoàn kết dân tộc", ngày 20-4-2010
(TCCS điện tử)