Cứ mỗi độ xuân về, cả một dải biên cương Xứ
Lạng từ các xã Xuất Lễ, Công Sơn, Mẫu Sơn (huyện Cao Lộc) đến Đào Viên,
Đội Cấn, Tân Minh (huyện Tràng Định) hay Mẫu Sơn, Yên Khoái (huyện Lộc
Bình) dường như xanh hơn bởi ngút ngàn rừng thông Mã Vĩ. Nơi đây, nhịp
sống của người dân đang hối hả, đổi thay từng ngày, báo hiệu một cuộc
sống ấm no, hạnh phúc.
Thắm thoắt đã 15 năm (từ 2001 – 2015) trôi qua cùng Dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 3 huyện biên giới gồm Cao Lộc, Lộc Bình và Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn) cũng là bằng ấy năm, hình ảnh anh bộ đội Nông - Lâm trường 196 - Đoàn kinh tế quốc phòng 338 luôn gắn bó mật thiết, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc với đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. Đơn vị phát huy vai trò xung kích, tham gia xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; giúp dân phát triển dự án trồng rừng; xây dựng bản biên giới; làm đường giao thông, kênh mương thủy lợi; tham mưu hiệu quả cho cấp uỷ, chính quyền về công tác quốc phòng - an ninh.
Thượng tá Đặng Văn Sơn, Chính trị viên Nông – Lâm trường 196 cho hay: Tuyến biên giới nơi đơn vị phụ trách, trình độ dân trí chưa đồng đều, điều kiện đất canh tác, khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng lớn đến điều kiện sống của nhân dân. Với đặc thù làm kinh tế dọc tuyến biên giới nên đơn vị đã chọn đầu tư vào những địa bàn trọng điểm. Trong 15 năm qua, Nông – Lâm trường 196 cùng nhân dân trên địa bàn trồng được gần 2.000 ha rừng, bàn giao cho 898 hộ dân chăm sóc, hiện đã có khoảng 150 ha cho khai thác.
Để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn vững mạnh, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, ngay từ đầu, đơn vị tổ chức mở 2 lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ. Đơn vị cũng thường xuyên cử 6 tổ, đội công tác tăng cường bám dân, bám bản. Quá trình xuống cơ sở nắm tình hình địa bàn, qua tiếp xúc với người dân, anh em chủ động học thêm tiếng dân tộc, nghiên cứu phong tục tập quán của địa phương.
Theo thời gian, những bước chân của bộ đội Nông - Lâm trường 196 đã hằn sâu trên từng cung đường, đem theo những kiến thức, kinh nghiệm, nói cho dân hiểu, làm cho dân tin bằng những việc làm thiết thực. Nhờ đó, 15 năm qua, số hộ nghèo ở các xã trong vùng dự án đã giảm được khoảng 50%.
Anh Chu Văn Sàn, ở xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc vui vẻ cho biết: Những ngày đầu, bản thân tôi và một số hộ dân, khi được cán bộ, chiến sĩ Nông - Lâm trường 196 tuyên truyền, hướng dẫn chỉ bảo trồng rừng, chăm sóc rừng, phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo đều cảm thấy chưa tự tin. Bởi khi ấy, nói đến giá trị kinh tế từ trồng rừng mang lại chúng tôi không thể hình dung ra được, thời gian cho kết quả rất lâu. Kèm theo đó, đã bao đời nay, người dân nơi đây chỉ quen với cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn, chăn nuôi nhỏ lẻ để duy trì cuộc sống. Nhờ sự chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, không quản ngại gian khổ, vất vả của bộ đội Nông - Lâm trường 196, đến nay nhiều gia đình đã nghe theo bộ đội nên kinh tế khá lên rất nhiều. Như gia đình tôi hiện có gần 6ha rừng thông, cho thu hoạch khoảng trên 10 tấn nhựa, thu nhập gần 200 triệu đồng, nhờ đó mua sắm được nhiều vận dụng, phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Khi chúng tôi đến thăm và chúc Tết các cán bộ chiến sĩ của Nông - Lâm trường 196 cũng là lúc đơn vị đang đẩy nhanh khí thế lao động sản xuất. Những rừng thông đang lên xanh tốt, chỉ vài năm nữa toàn bộ rừng thông này sẽ mang lại cho bà con những khoản thu nhập, từ đó đẩy lùi cái nghèo ra khỏi các bản, làng nơi đây.
Chủ tịch UBND xã Xuất Lễ Lương Văn Mai cho biết: Từ ngày bộ đội Nông - Lâm trường 196 về giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của bà con trong xã có nhiều đổi mới, đời sống, vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt. Không quản ngại đường xa, cách trở, cán bộ, chiến sĩ vượt rừng đến với bà con trong vùng dự án, tuyên truyền, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; hướng dẫn cho bà con khai hoang trồng lúa nước, đồng bào đều tin tưởng và làm theo hướng dẫn của bộ đội.
Một mùa Xuân mới lại về, chia tay cán bộ, chiến sĩ Nông - Lâm trường 196, chúng tôi thầm cảm ơn và khâm phục những chiến sĩ đã vượt khó ngày đêm sát cánh cùng bà con nơi biên giới trên con đường phát triển kinh tế - xã hội. Những tình cảm, việc làm các anh mang đến cho bà con đã và đang làm ấm lên cả một vùng biên cương Tổ quốc./.
Thái Thuần/TTXVN