Thứ Hai, 7/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Hai, 12/10/2009 10:59'(GMT+7)

Cho đời nhiều hoa thơm, quả ngọt

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tặng bằng khen cho các điển hình dân vận khéo.

Phó Bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua tặng bằng khen cho các điển hình dân vận khéo.


Bí quyết gần dân
 

Năm 2004, TPHCM có chủ trương di dời chợ rau Mai Xuân Thưởng, phường 2, quận 6 về chợ đầu mối Bình Điền. 2 năm trôi qua, việc di dời vẫn chưa hoàn tất. Nhiều tiểu thương vẫn kiên trì bám trụ, tiếp tục bày sạp, dọn hàng buôn bán, bất chấp lệnh di dời.

Điều đáng nói là trong số những người ở lại còn có cả cán bộ đảng viên, cán bộ đoàn, hội. Dư luận lúc đó còn xầm xì: “Chắc cán bộ phường “bảo kê” cho đảng viên ở lại nên nhiều người mới dám bất tuân lệnh như thế!”.

Trước tình hình đó, lãnh đạo phường 2, quận 6 giao cho bà Phương Thị Ngọc Hạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường một nhiệm vụ đặc biệt: vận động số tiểu thương còn lại, đặc biệt là những tiểu thương đảng viên chấp hành việc di dời, làm gương cho các hộ khác. 

Nhận nhiệm vụ, việc đầu tiên bà Hạnh làm là lân la chuyện trò, tìm hiểu tình cảnh của chị em tiểu thương. Sau ít ngày khảo sát, bà đã tìm được nguyên nhân khiến chị em chưa thuận với chủ trương di dời là do không có tiền thế chân để thuê sạp mới.

Đặc biệt, có chị là đảng viên, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn: chồng là thương binh, mất sức lao động, 4 con còn đang đi học. Nguồn sống của cả gia đình trông chờ vào sạp rau, củ Đà Lạt của chị. Biết rõ sự tình, bà Hạnh trở về vận động bạn bè thân quen đóng góp, hỗ trợ 2 suất học bổng cho con và toàn bộ tiền thế chân thuê sạp cho chị tiểu thương nọ.

Ngày chị trả sạp, dọn hàng cũng là ngày những tiểu thương xung quanh tính chuyện di dời theo chị. Bà Hạnh cười: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Cán bộ đảng viên đã gương mẫu chấp hành thì quần chúng cũng noi gương thôi”.  

Về hưu cách đây gần 15 năm cũng là ngần ấy thời gian bà Hạnh tham gia các tổ chức đoàn hội, làm công tác vận động quần chúng ở địa phương. Bí quyết để được dân tin, dân thương của bà rất giản dị: “Làm dân vận phải chịu thương, chịu khó. Dân ới một tiếng thì mình phải có mặt để sát cánh cùng bà con giải quyết vướng mắc, khó khăn. Cái nào trong khả năng làm được thì mình hết sức giúp, cái nào ngoài khả năng thì báo cáo cho lãnh đạo, tìm cách tháo gỡ”. 

Cũng như nhiều địa phương, trong quá trình đô thị hóa, địa bàn quận 4 có rất nhiều dự án mọc lên. Việc đền bù, giải tỏa, di dời gây nhiều bức xúc trong một bộ phận nhân dân. “Nhiều lần cùng lãnh đạo quận, phường tiếp dân, đối thoại với dân, tôi thấy bà con vẫn còn nhiều bức xúc” - bà Trần Ngọc Lệ, Chủ tịch UB MTTQ quận 4 kể.

Nhận thấy tiếp xúc chính thức tại cơ quan có vẻ “hành chính” và không hiệu quả, bà chuyển hướng, tìm đến tận nhà bà con. Sau khi giải tỏa, bà con chuyển đi tứ tán, có người về Tân Bình, quận 2, có người ra tận Nhà Bè để cư trú. Không ngại đường xa, bà Lệ và anh chị em trong UB MTTQ quận tranh thủ ngoài giờ làm việc, thậm chí cả ngày thứ bảy, chủ nhật để tìm đến tận nơi.

Không chỉ thăm hỏi, tìm hiểu, đoàn công tác còn ghi lại hình ảnh cảnh sống của bà con để về báo cáo cho lãnh đạo quận. Từ đó, bà đã thuyết phục lãnh đạo địa phương có biện pháp hỗ trợ cho bà con. Cụ thể như trích quỹ Vì người nghèo, mua thẻ BHYT, xây nhà tình thương, sửa chữa, chống dột cho những gia đình mới di dời gặp khó khăn. Dần dần, bà con đã hiểu được tấm lòng của những người làm công tác chính quyền, đồng thuận với chủ trương của TP và không còn khiếu kiện đông người nữa. 

Tấm lòng tận tụy 

Các cán bộ làm công tác dân vận đến với người dân không chỉ có năng lực, trình độ, bản lĩnh mà còn bằng cả tấm lòng. Nói như các gương tiêu biểu tại buổi giao lưu thì: “Không có tấm lòng, không thể làm công việc này được”. Chính vì sự chân thành, ân cần ấy mà không kể ngày đêm, không ngại khó nhọc, trời nắng hay mưa mà người cán bộ dân vận luôn kiên trì, lặn lội đến với người dân. 

Đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM bày tỏ xúc động: “Chúng ta khó có thể đong đếm được nỗi vất vả, khó khăn và niềm vui của mỗi cán bộ làm công tác dân vận khi đưa được một học sinh bỏ học trở lại lớp, giúp được một hộ dân thoát nghèo, cảm hóa được một người phạm tội trở về con đường lương thiện… Chỉ biết rằng hạt gieo từ những tấm lòng luôn cho đời nhiều hoa thơm, quả ngọt”. Đồng chí nhấn mạnh: Những gương điển hình hôm nay đã chứng minh sinh động về phong cách làm việc của một người cán bộ dân vận - miệng nói, tay làm. 

Phát biểu tại lễ tuyên dương, đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM trân trọng và biểu dương những tấm gương cán bộ đã âm thầm, bền bỉ làm tốt công tác dân vận.

Đồng chí phân tích: “Dân vận khéo là khéo trong nắm bắt tình hình, kịp thời nắm được những tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó phân tích, suy nghĩ để tham mưu, đề xuất những ý kiến giúp hoàn thiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong quá trình phát triển của TP, của đất nước, trong từng giai đoạn, từng thời kỳ, giữa các tầng lớp, các thành phần khác nhau trong xã hội sẽ có va chạm về lợi ích. Dân vận khéo là tìm được sự đồng tình, nhất trí để đi đến đồng thuận trong toàn dân".

Đồng chí Nguyễn Văn Đua đúc kết: "Mỗi khi tiếp nhận một chủ trương, chính sách và triển khai thực hiện, người cán bộ dân vận khéo là người không ngại khó, ngại khổ, biết vượt qua những khó khăn trước mắt, nhận định đúng tình hình và từ đó vận động, thuyết phục và tập họp nhân dân…"./.

(Theo: SGGP) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất