Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Hai, 2/7/2012 22:25'(GMT+7)

Chống suy thoái và “tự chuyển hóa”

 “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về bản chất là quá trình suy thoái từ bên trong của lực lượng cách mạng, một mặt do tác động khách quan từ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, mặt khác từ nguyên nhân chủ quan của một bộ phận thoái hóa trong chủ thể, trong đó nguyên nhân chủ quan có ý nghĩa quyết định. Do vậy, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thực chất là phòng ngừa, triệt tiêu nguyên nhân chủ quan có ý nghĩa quyết định đối với sự tồn vong của chế độ XHCN ở nước ta.

“Tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền… suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, cá nhân ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…” - như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) chỉ ra, là những biểu hiện cụ thể của một bộ phận thoái hóa, cũng là những biểu hiện cụ thể của nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong. Do vậy, phải tiến hành đồng thời đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có vai trò quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, bảo đảm sự tồn vong của chế độ XHCN ở nước ta.

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cần được tiến hành chủ động, kiên trì, đồng bộ trên các lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh, đối ngoại… Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập, làm rõ một số nội dung về phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị, kinh tế.

Trong phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực chính trị, việc đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng là điều kiện tiên quyết. Toàn Đảng cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh phê phán hệ tư tưởng tư sản, tư tưởng xã hội - dân chủ, chủ nghĩa tự do mới, chủ nghĩa thực dụng mới, tư tưởng dân chủ tư sản...; kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, đặc biệt là mục tiêu, lý tưởng, kiên định con đường chúng ta đã lựa chọn, phát triển đường lối đổi mới theo định hướng XHCN. Đấu tranh bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của nhà nước XHCN; có biện pháp thiết thực củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các thành tố trong hệ thống chính trị và nhân dân. Phê phán, bác bỏ các quan điểm tư tưởng và ý đồ thực hiện chủ nghĩa đa nguyên chính trị, chế độ đa đảng đối lập, cơ chế “tam quyền phân lập” của nhà nước tư sản ở Việt Nam. Phát hiện kịp thời “ngọn cờ” đối lập do chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tạo dựng, những phần tử cơ hội, phản bội trong bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, LLVT; xử lý kịp thời, nghiêm minh theo pháp luật các hoạt động chống đối, tập hợp lực lượng đối lập...

Một yếu tố quan trọng là nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp; xử lý đúng đắn các mâu thuẫn, những lợi ích thiết thân của các tầng lớp nhân dân, không để tích tụ tâm lý bất bình trong xã hội, trong tâm trạng bức xúc của quần chúng đối với các cơ quan công quyền. Khi xuất hiện những “điểm nóng” mâu thuẫn, xung đột xã hội cần giải quyết, xử lý đúng đắn, kịp thời, vừa “đạt lý” (trên cơ sở pháp luật) vừa “thấu tình” (hài hòa theo văn hóa, truyền thống, đạo lý dân tộc).

Trong nội bộ hệ thống chính trị XHCN, cùng với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phải tăng cường đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng CNXH, thực dụng, cá nhân ích kỷ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…; chặn đứng nguy cơ thoái hóa về chính trị, tư tưởng.

Trên lĩnh vực kinh tế: Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, “dân giàu, nước mạnh” là nền tảng vật chất quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam. Chú trọng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nền kinh tế độc lập, tự chủ, có cơ cấu hợp lý, có sức mạnh nội sinh, bền vững, khả năng cạnh tranh cao để hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế; có khả năng thích ứng, vượt qua những biến động bất thường của nền kinh tế thế giới. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ văn hóa, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tăng cường đấu tranh bảo vệ những quan điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới kinh tế của Đảng, đặc biệt bảo vệ đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; kịp thời phát hiện, đấu tranh hiệu quả âm mưu, thủ đoạn phá hoại nền kinh tế, lợi dụng các quan hệ kinh tế, các công cụ và thiết chế tài chính, tiền tệ quốc tế... để chi phối, kiểm soát, khống chế, chuyển hóa nền kinh tế Việt Nam thành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa…

Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực kinh tế, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và giữ vững phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ cách mạng, nhất là đối với cán bộ có chức, có quyền, chủ trì lãnh đạo, quản lý kinh tế, không để chủ nghĩa thực dụng, “chủ nghĩa đồng tiền” chi phối các quan hệ xã hội, hoặc để xảy ra tình trạng tham ô, tham nhũng, thất thoát lớn tài sản của tập thể, của Nhà nước…liên quan đến trách nhiệm, phẩm chất, năng lực của cán bộ chủ trì.

QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất