Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 20/3/2012 10:15'(GMT+7)

V.I.Lê-nin với vấn đề giáo dục lý tưởng Cộng sản cho Thanh niên

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Trong di sản lý luận của V.I.Lê-nin, giáo dục lý tưởng cộng sản cho thanh niên là vấn đề đặc biệt quan trọng, được xem là cái gốc để xây dựng những con người mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng XHCN. Những quan điểm của V.I.Lê-nin ra đời cách chúng ta hàng thế kỷ, trong điều kiện Cách mạng Tháng Mười vừa thành công, nhà nước Xô-viết non trẻ đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, tức là những điều kiện hoàn toàn khác, nhưng cách đặt và giải quyết vấn đề về giáo dục lý tưởng cộng sản cho thanh niên của Người vẫn giữ nguyên giá trị, đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay.

Xuất phát từ quan niệm thanh niên là người kế tục sự nghiêp cách mạng của Đảng, là lực lượng có vai trò to lớn trong sự nghiệp cách mạng XHCN, V.I.Lê-nin chỉ rõ: Tất cả nam nữ thanh niên đều phải là những người xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa mà các đồng chí là những người đầu tiên trong số hàng triệu người xây dựng đó. Tuy nhiên để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang đó, bên cạnh những yêu cầu về năng lực, về trình độ chuyên môn thì niềm tin, lý tưởng cộng sản là một yêu cầu tất yếu, yêu cầu cao đối với thanh niên. Người đòi hỏi: Đoàn thanh niên và toàn thể thanh niên nói chung muốn đi theo chủ nghĩa cộng sản, thì đều phải học chủ nghĩa cộng sản. Nhưng học chủ nghĩa cộng sản, giáo dục lý tưởng cộng sản cho thanh niên như thế nào, chính ở đây V.I.Lê-nin cho chúng ta những chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng.

Trước hết, theo V.I.Lê-nin vấn đề cốt lõi, cũng là vấn đề hàng đầu trong giáo dục lý tưởng cộng sản cho thanh niên là trang bị cho họ những tri thức khoa học toàn diện, làm cơ sở để tiếp nhận một cách tự giác lý luận Mác xít, tiếp nhận những kết luận về tính tất yếu của CNXH, CNCS mà Mác, Ăng-ghen đã chỉ ra. Ngưòi khẳng định: ý thức XHCN ngày nay chỉ có thể nảy sinh được trên cơ sở sự hiểu biết khoa học sâu sắc. Chính vì đó, V.I.Lê-nin cho rằng: các bạn sẽ phạm một sai lầm nghiêm trọng nếu từ đó muốn rút ra một kết luận cho rằng có thể trở thành người cộng sản mà không cần thấm nhuần những kiến thức của loài người đã tích lũy được. Thật là sai lầm khi nghĩ rằng chỉ cần thấm nhuần những khẩu hiệu cộng sản, những kết luận của khoa học cộng sản, chứ không cần phải thấm nhuần tổng số những kiến thức mà chính bản thân chủ nghĩa cộng sản cũng là kết quả. Chủ nghĩa Mác là một thí dụ chỉ rõ rằng chủ nghĩa cộng sản đã phát sinh như thế nào từ tổng số những kiến thức của nhân loại.

Chúng ta hiểu luận điểm này thế nào? Có phải V.I.Lê-nin đã nhấn mạnh vai trò của giáo dục tri thức khoa học toàn diện, xem nhẹ vai trò giáo dục lý luận Mác - xít không? Câu trả lời chắc chắn là không. Nếu xem lý tưởng cộng sản là sự hoà quyện một cách hữu cơ giữa nhận thức khoa học với tình cảm và ý chí cách mạng trên lập trường giai cấp công nhân đối với sự thắng lợi tất yếu của chế độ XHCN thì trước hết nó phải được hình thành trên cơ sở sự nhận thức sâu sắc những nguyên lý, quy luật của chủ nghĩa Mác -Lênin. Đó chính là cơ sở vững chắc của tình cảm và ý chí cách mạng. Vì vậy, giáo dục lý tưởng cộng sản trước hết và quan trọng nhất là trang bị cho người học lý luận Mác xít.

Ở nước ta hiện nay, chúng ta nhận thức rất rõ vai trò của giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt là cho thanh niên. Vấn đề này thiết nghĩ không cần bàn thêm, điều đáng bàn có lẽ chính là nội dung giáo dục. Nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải không ngừng đổi mới. Phải tập trung nghiên cứu, vừa đưa vào giáo dục những nội dung phù hợp, hấp dẫn người học, vừa bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, tạo điều kiện để người học nắm bản chất, vận dụng sáng tạo trong thực tiễn. Hiện nay, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, một mặt cần khẳng định tính cách mạng và khoa học của các nguyên lý, quy luật, mặt khác phải làm rõ những vấn đề cần nhận thức lại cho đúng đắn, những vấn đề cần bổ sung phát triển trên cơ sở tổng kết thực tiễn và thành tựu của khoa học hiện đại

Cũng trong nội dung giáo dục lý tưởng cộng sản, V.I.Lê-nin cho rằng: Phải làm cho toàn bộ sự nghiệp giáo dục, rèn luyện và dạy dỗ thanh niên ngày nay trở thành sự nghiệp giáo dục đạo đức cộng sản. Đó cũng là cơ sở của việc rèn luyện, học tập và giáo dục cộng sản. Đó là lời giải đáp về vấn đề phải học tập chủ nghĩa cộng sản như thế nào.

Đối với nước ta hiện nay, giáo dục đạo đức cách mạng vừa là một nội dung cơ bản trong giáo dục chính trị, tư tưởng vừa là một giải pháp quan trọng trong nâng cao niềm tin, lý tưởng cộng sản cho thanh niên. Đạo đức cách mạng là một trong những yêu cầu cơ bản của phẩm chất, nhân cách, là yếu tố tạo nên tình cảm cách mạng của người cách mạng. Không thể có niềm tin, lý tưởng cộng sản nếu ở con người không có sự hội tụ của giá trị đạo đức cách mạng, của lối sống XHCN. Nói cách khác, sự sa sút, tha hoá về đạo đức, lối sống ở con người chính là cơ sơ để giảm sút, sói mòn niềm tin, lý tưởng cộng sản.

Nghị quyết Đại hội XI nhấn mạnh: Đặc biệt quan tâm giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, hết lòng vì nhân dân, vì sự nghiệp cách mạng.

Theo chúng tôi, giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống XHCN cho thanh niên để nâng cao niềm tin, lý tưởng cộng sản cần tập trung theo hướng: Các giá trị đạo đức được định hướng, giáo dục phải được xác lập trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hệ thống các giá trị định hướng giáo dục để nâng cao đạo đức cách mạng, lối sống XHCN phải trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Đấu tranh khắc phục mặt lạc hậu của đạo đức truyền thống và các yếu tố phản giá trị của các quan điểm, trào lưu đạo đức phản tiến bộ, phản nhân văn của giai cấp tư sản. Quán triệt sâu rộng và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc "Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" là một biện pháp thiết thực để nâng cao niềm tin, lý tưởng cộng sản cho thanh niên hiện nay.

Cùng với việc xác định rõ những nội dung cơ bản, V.I.Lê-nin còn chỉ dẫn cho chúng ta rất cụ thể vấn đề phải giáo dục lý tưởng cộng sản cho thanh niên như thế nào, bằng cách nào. Trước hết, Người cho rằng sự thấm nhuần lý tưởng cộng sản của thanh niên phải bắt đầu bằng việc họ tự ý thức là cần tiếp thu kiến thức, tự giáo dục, tự rèn luyện.

Người nêu rõ: chúng ta không cần lối học gạo, nhưng chúng ta cần mở mang và hoàn thiện trí óc của mỗi người học bằng những kiến thức về những sự việc cơ bản, vì chủ nghĩa cộng sản sẽ trở thành trống rỗng..., người cộng sản sẽ chỉ là một anh khoe khoang..., nếu như tất cả các kiến thức đã thu nhận không được nghiền ngẫm trong ý thức của anh ta. Những kiến thức đó, không nên hấp thụ một cách giản đơn, mà phải hấp thụ có phê phán…

Lý tưởng cộng sản với tư cách là một phẩm chất chính trị của con người, không tự hình thành và phát triển. Đó là quá trình chuyển hoá biện chứng từ nhận thức chính trị trở thành tình cảm cách mạng và biểu hiện ra ở hành vi, ở ý chí, quyết tâm của mỗi người cống hiến, hy sinh cho lý tưởng XHCN.

Do đó, vai trò của công tác giáo dục, rèn luyện chỉ phát huy được hiệu quả thực sự khi mỗi người tiếp nhận nó một cách tự giác, biến nó trở thành động cơ bên trong, thôi thúc con người nỗ lực phấn đấu, rèn luyện. Với ý nghĩa đó, có thể thấy, giáo dục lý tưởng cộng sản chỉ thực sự đạt được hiệu quả cao nếu mỗi thanh niên tự ý thức và thực hiện tốt quá trình chuyển hoá giáo dục thành tự giáo dục. Tự giáo dục, tự rèn luyện để nâng cao lý tưởng cộng sản là quá trình tự giác của mỗi thanh niên nhằm hướng đến nâng cao trình độ nhận thức chính trị, củng cố và phát triển tình cảm cách mạng, rèn luyện ý chí quyết tâm cống hiến sức lực cho sự nghiệp cách mạng. Đó chính là quá trình họ tự trau dồi tri thức lý luận của mình, làm chủ hệ thống tri thức khoa học nói chung, tri thức lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, giữ vững lập trường giai cấp và đạo đức cách mạng trong mọi điều kiện, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để học tập, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

Tự giác học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức chính trị, trình độ lý luận, tình cảm cách mạng và ý chí quyết tâm chính là cơ sở quan trọng của lý tưởng cộng sản. Tuy nhiên, đó mới chỉ là điều kiện cần thiết, điều quan trọng là họ phải tôi luyện trong hoạt động thực tiễn. V.I.Lê-nin cho rằng: Giáo dục thanh niên cộng sản không phải là nói cho họ nghe những bài diễn văn êm dịu hay những phép tắc đạo đức. Không phải cái đó là giáo dục... cơ sở của đạo đức cộng sản là cuộc đấu tranh để củng cố và hoàn thành công cuộc xây dựng CNCS. Đó là lời giải đáp về vấn đề phải học tập CNCS như thế nào.

Người khẳng định: Không có lao động, không có đấu tranh cách mạng thì kiến thức sách vở về CNXH khoa học sẽ không có một chút giá trị nào cả. Thực tiễn hoạt động bao giờ cũng là mảnh đất hiện thực cho sự hình thành, phát triển những phẩm chất nhân cách, trí tuệ, tài năng của mỗi con người. Chính thông qua hoạt động thực tiễn, thanh niên có điều kiện áp dụng tri thức đã tiếp thu, tích luỹ kinh nghiệm, vốn sống nâng cao nhận thức, giác ngộ chính trị. Mặt khác, thông qua hoạt động thực tiễn họ bày tỏ tình cảm, cảm xúc của mình, biểu lộ thái độ, hành vi, ý chí cá nhân trước sự kiện, khó khăn thử thách. Thông qua thực tiễn, họ mới tự kiểm tra, đánh giá được trình độ nhận thức, tình cảm và ý chí của họ so với cái chuẩn, từ đó hình thành ý thức rèn luyện, tu dưỡng. V.I.Lê-nin vạch rõ: Chúng ta căn cứ vào cái gì để xét đoán những tư tưởng, tình cảm thực của cá nhân có thực, tất nhiên căn cứ ấy chỉ có thể là những hoạt động của cá nhân ấy. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng căn dặn: Học lý luận cốt là để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không đem ra thực hành, thì khác nào cái hòm đựng sách. Với ý nghĩa đó, giáo dục lý tưởng cộng sản phụ thuộc rất lớn vào khả năng và mức độ hoạt động thực tiễn của họ.

Nước Nga xô-viết trải qua một cuộc cách mạng, đã lọt lòng ra từ xã hội tư bản chủ nghĩa, nên giữa cái cũ và cái mới đang còn đan xen, khó khăn còn chồng chất. Trước tình hình đó, V.I.Lê-nin yêu cầu những người cộng sản Nga phải đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cộng sản bên cạnh những nhiệm vụ khác. Tình hình của nước Nga khi ấy rất khác mà cũng rất giống với những gì của nước ta hiện nay. Những vấn đề được V.I.Lê-nin nêu ra cách đây gần một thế kỷ chính là những chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận cần tiếp tục nghiên cứu, khai thác trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam hiện nay./.

ThS. Phạm Tuấn Quang

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất