Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Tư, 1/2/2012 18:29'(GMT+7)

Một vài suy nghĩ về Nhân quyền

Trẻ em vùng cao đến trường. (Ảnh minh hoạ).

Trẻ em vùng cao đến trường. (Ảnh minh hoạ).

Nhân quyền, hay quyền con người là những quyền tự nhiên của con người và không bị xóa bỏ bởi bất cứ ai và bất cứ tổ chức, chính phủ hoặc xã hội nào.

Quyền con người là thành quả phát triển của lịch sử lâu dài trong sự nghiệp đấu tranh sinh tồn, đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, cải tạo xã hội và cải tạo thiên nhiên của cả nhân loại. Quyền con người phát triển theo lịch sử của mỗi quốc gia và mang tính đặc thù của từng dân tộc, khu vực và bối cảnh khác nhau về chế độ chính trị, lịch sử, văn hóa.

Quyền con người được khái quát lên gồm:

Các quyền dân sự và chính trị như quyền được bình đẳng trước pháp luật của công dân, quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội một cách trực tiếp hoặc gián tiếp qua việc ứng cử, bầu cử; quyền bất khả xâm phạm về tính mạng; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do lập hội, hội họp; quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo...

Các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như quyền được ăn, mặc, ở, đi lại; quyền sở hữu tài sản, quyền được làm việc, quyền được học tập, quyền được chăm sóc y tế, quyền được đảm bảo xã hội …

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đây là một chân lý mà nhân dân Việt Nam cũng như tất cả những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới đều biết đến. Chân lý đó nói lên quyền được sống trong độc lập, tự do; quyền sinh sống trên lãnh thổ của đất nước mình, quyền tự quyết định vận mệnh của bản thân mình, quyền bầu cử, ứng cử… đây là những quyền cơ bản nhất của con người. Thế nhưng đối với người dân Việt Nam phải đến năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân và tất cả các nước trên thế giới rằng, nước Việt Nam “đã trở thành một nước độc lập”, người dân Việt Nam mới thực sự được hưởng các quyền cơ bản của mình. Cuộc Tổng tuyển cử (ngày 1/6/1946) diễn ra, người dân Việt Nam lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân của mình bằng việc tự tay mình cầm lá phiếu bầu cử, bầu ra người đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, của dân tộc.

Quyền con người ở Việt Nam được khẳng định trong quan điểm chỉ đạo, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong Hiến pháp, Pháp luật của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ:

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) đã xác định một trong sáu đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là: “con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”. Xác định con người Việt Nam trong thời kỳ mới là con người có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa; giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính.

Qua các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đã nhấn mạnh con người là vốn quý nhất; phát triển con người giữ vị trí trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII xác định 5 đức tính của người Việt Nam trong giai đoạn mới; Đại hội IX đề cao quyền con người và quyền làm chủ của nhân dân; Hội nghị Trung ương 10 khóa IX tiếp tục khẳng định về phương hướng xây dựng con người Việt Nam với những đức tính mà Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã nêu; Đại hội X chỉ ra nhiệm vụ thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện giống nòi.

Tại Điều 1, Hiến pháp năm 1946 của Nước Việt Nam, chỉ rõ “tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp năm 1992, tại Điều 2 xác định: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”; Điều 50 quy định: “Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”. Như vậy, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và khẳng định quyền con người, trên cơ sở Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam.

Thực tế cho thấy, để bảo vệ quyền con người, từ năm 1986 đến cuối năm 2009 Việt Nam đã ban hành và sửa đổi khoảng 13.000 văn bản luật và dưới luật; chỉ tính riêng từ đầu năm 2001 đến tháng 7/2010 đã ban hành 133 luật, 46 pháp lệnh, 1.141 nghị định và hàng chục nghìn các văn bản quy phạm pháp luật khác. Trong đó, các luật quy định về quyền dân sự và chính trị ngày càng cụ thể và toàn diện hơn như: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự, Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Khiếu nại, Tố cáo, Luật Đặc xá, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Quốc tịch Việt Nam, Pháp lệnh xuất, nhập cảnh, cư trú, đi lại của người nước ngoài tại Việt Nam… Các luật, bộ luật được thực hiện trên nguyên tắc: mọi công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật Việt Nam. Các luật bảo đảm thực hiện các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa của nhân dân trong giai đoạn mới, từ năm 1986 đến nay, bên cạnh Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001), Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng, trong đó có thể kể như: Luật Đất đai (2003), Luật Bảo vệ sức khỏe người dân (1989), Bộ Luật Lao động (1994 - sửa đổi, bổ sung năm 2004 và 2006), Luật Giáo dục (1998 - sửa đổi năm 2005), Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (1991), Luật Phổ cập Giáo dục tiểu học (1991), Pháp lệnh về người tàn tật (1998), Luật Bảo hiểm xã hội (2006), Luật phòng chống bạo lực gia đình (2007)…

Với việc đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách, sau gần 25 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước đã đạt được nhiều thành thành tựu quan trọng; mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ở nước ta đã được giải quyết một cách có hiệu quả. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người từ 200 USD năm 1990 tăng lên 600 USD năm 2005 và khoảng 1.200 USD năm 2010; từ năm 2000 đến năm 2005 tạo việc làm cho 7,5 triệu lao động, từ năm 2006 đến năm 2010 tạo việc làm cho khảng 8 triệu lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 30% năm 1992 xuống còn dưới 7% năm 2005 và khoảng dưới 9,5% năm 2010 (theo tiêu chí năm 2005). Chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên, từ 0,688 năm 2000 lên 0,733 năm 2008, xếp thứ 105/177 nước tham gia xếp hạng, thuộc nhóm nước trung bình cao. Đến năm 2000 cả nước đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; năm 2010 cả nước đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tuổi thọ trung bình của người dân từ 63 tuổi năm 1990 tăng lên trên 72 tuổi cuối năm 2008.

Đến nay, 100% số xã, phường trong cả nước có trạm y tế, trong đó khoảng 75% số xã có bác sỹ; 82,5% số hộ nông thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 96,1% số hộ đã được sử dụng điện lưới; 86,9% số hộ sử dụng máy thu hình; trên 97% số xã đã có đường ô tô đi tới trung tâm xã; khoảng 90% số xã có điểm bưu điện văn hóa …

Từ những kết quả thực tế đã đạt được về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, từ thực tiễn ở cơ sở, địa phương, thiết nghĩ trong thời gian tới cùng với việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 44-CT/TW, ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư khóa X “về công tác nhân quyền trong thời kỳ mới”; tăng cường hợp tác quốc tế trong giải quyết vấn đề quyền con người; thì ở cơ sở cần tập trung một số giải pháp chủ yếu sau:

Nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp về vấn đề nhân quyền và công tác nhân quyền; cần xác định công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền; đảm bảo tốt các quyền con người và đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” của các thế lực thù địch nhằm chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Đây là nhiệm vụ lâu dài và là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân ở mỗi cấp cơ sở, địa phương hiểu rõ và nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân, nhận rõ bản chất tốt đẹp của chế độ ta là vì con người; tất cả vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...

Thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là các chương trình và chính sách phát triển vùng, trong đó ưu tiên phát triển vùng sâu, vùng xa, vùng núi, biên giới và vùng căn cứ cách mạng gắn với chương trình xoá đói, giảm nghèo, chính sách với người có công và chính sách dân tộc, tôn giáo; tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Tiếp tục phát huy và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc; xây dựng con người Việt Nam theo 5 đức tính đã được xác định tại Nghị quyết TW5 khoá VIII; nhất là coi trọng tình đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển.

Đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục-đào tào, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân; coi trọng chất lượng dân số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm cho mỗi người dân Việt Nam từ cán bộ, công chức cho đến công nhân, nông dân tự mình phải có kiến thức chuyên môn nhất định trên lĩnh vực mình công tác.

Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là trong lĩnh vực ứng cử, bầu cử để nhân dân tham gia làm chủ xã hội. Tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân và các tổ chức quần chúng trong việc thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội./.

Võ Thị Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông - Kon Tum

___________________________

Tài liệu tham khảo:

- Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.

- Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1991 của Đảng.

- Sổ tay Báo cáo viên của Ban Tuyên giáo TW.

- Bài viết của Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ: Bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nội dung chủ yếu của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất