Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Ba, 2/11/2010 16:44'(GMT+7)

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh chống phê phán quan điểm sai trái hiện nay

 Mặc dù vậy, cũng phải khẳng định công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết: một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng còn mơ hồ, mất cảnh giác, thậm chí có người bất mãn, tiêm nhiễm luận điệu sai trái của địch quay lại chống phá Đảng, Nhà nước; nhiều tình huống xử lý còn bị động, lúng túng; các cơ quan ban ngành chưa có sự phối hợp thống nhất trong chương trình, hành động chống lại các quan điểm, sai trái. Để phát huy hiệu quả hơn nữa công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, xin được đề xuất một số giải pháp cụ thể sau:

Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng

Nâng cao nhận thức về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch là một trong những giải pháp góp phần tạo “sức đề kháng”, khả năng “miễn dịch” và sự cảnh giác cao độ đối với kẻ thù. Hiện nay, âm mưu và thủ đoạn của chúng hết sức tinh vi, núp dưới những chiêu bài tưởng chừng “màu hồng” nhưng thực chất là hòng phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Mục đích của chúng đã quá rõ ràng,chúng ta không được chủ quan, mơ hồ, mất cảnh giác, đồng thời phải thấy rõ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong cuộc đấu tranh này. Cấp ủy và thủ trưởng đứng đấu các cơ quan, đơn vị phải luôn xác định nhiệm vụ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Có thể nói, hiện nay trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân còn những nhận thức hết sức mơ hồ, mất cảnh giác trước những thủ đoạn của kẻ thù. Họ cho rằng, các quan điểm mà chúng đưa ra đang phản ánh đúng hiện tại của đất nước, có người còn ngây thơ rằng “họ đã nói hộ những yếu kém, khuyết điểm của chúng ta để ta có thể nhìn thấy mà sửa”. Đó là sự nhận thức hết sức chủ quan và mất cảnh giác. Đúng, chúng ta còn nhiều những hạn chế trong phát triển đất nước, vẫn còn những tham nhũng, lãng phí, vẫn còn những tệ nạn xã hội...nhưng Đảng cũng đã thẳng thắn nhìn vào sự thật và đang từng bước khắc phục những tồn tại để đưa đất nước phát triển vững mạnh. Còn âm mưu của các thế lực thì khác, chúng tìm cách xoáy sâu vào những yếu kém, khuyết điểm của ta để chứng minh rằng Đảng đang lãnh đạo sai đường, đang đưa đất nước đến bờ vững thẳm và gieo rắc vào tâm lý quần chúng nhân dân “màu đen”, sự hoài nghi về sự lãnh đạo của Đảng và về tương lai của đất nước.

Hơn thế, có những đơn vị còn nhận thức một cách phiến diện, với thái độ thờ ơ và thiếu trách nhiệm rằng công việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái chỉ là công việc của cấp trên, của những cơ quan chuyên trách, chứ không phải của đơn vị mình, do vậy mặc dù có nhận thức được những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù nhưng bàng quan và không tham chiếm. Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân nhưng cơ sở triết học của vấn đề là ở chỗ: lợi ích của việc tham chiến trên lĩnh vực tư tưởng để bảo vệ Đảng chưa trở thành nhu cầu tự nhiên của nhiều công dân do tính tích cực chính trị- xã hội chưa được khơi dậy

Để nhận thức được sâu sắc âm mưu của kẻ thù phải nắm vững lý luận mà trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương đi đầu trong việc nghiên cứu, học tập và vận dụng lý luận vào thực tiễn. Chỉ có nắm chắc lý luận mới có thể vạch trần được những âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù; chỉ có lý luận mới đấu tranh,phản bác lại những quan điểm sai trái một cách khách quan và khoa học; và cũng chỉ có lý luận mới trở thành vũ khí sắc bén nhất để kẻ thù chịu khuất phục.

Phát triển, hoàn thiện chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối, quan điểm của Đảng trong điều kiện mới

Thực tế cho thấy, hiện nay vẫn còn nhiều tài liệu, vấn đề liên quan đến chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chưa được sưu tầm đầy đủ, chưa được xủ lý một cách khoa học, còn khá nhiều “khoảng trống” về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa được làm rõ. Do vậy, vấn đề quan trọng là phải hoàn thiện những vấn đề còn bỏ ngỏ để đưa ra những kết luận cuối cùng, tránh để địch lợi dụng xuyên tạc. Điều này đòi hỏi những nhà khoa học phải thực sự tâm huyết, phải đầu tư có chiều sâu, có tư duy lý luận sắc bén để luận giải một cách đúng đắn những nội dung còn chưa được làm sáng tỏ trong chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng

Đại hội X của Đảng và gần đây Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ra quyết định: Đảng ta cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và phát triển Cương lĩnh, làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa nước ta lên CNXH. Việc bổ sung, phát triển cương lĩnh là một yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ chính trị cấp thiết vì sự phát triển nhanh và bền vững của nước ta. Cho nên việc tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh để bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991 của Đảng cần đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận- thực tiễn, tránh giáo điều, tránh phiêu lưu chính trị, trong đó đặc biệt phải có tư duy chính trị sáng tạo về CNXH và con đường xây dựng CNXH ở nước ta, để có cơ sỏ quan trọng cho những đổi mới quan trọng về chủ trương, chính sách, tạo động lực phát huy cao độ các nguồn lực và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Đó sẽ là vũ khí tư tưởng vững chắc cho việc tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong điều kiện mới. Các nhà lý luận, các nhà hoạt động thực tiễn từ Trung ương đến địa phương cơ sở, cả hệ thống chính trị cần phải tham gia vào quá trình này, phải coi đó là nhiệm vụ trọng yếu của công tác tư tưởng trong thời gian tới

Tăng cường đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái bằng nhiều con đường, phương thức khác nhau

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch là nhiệm vụ quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì vậy cần được tổ chức thật chặt chẽ, khoa học, có quyết tâm cao. Tất cả các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí cần đầu tư công sức để làm tốt nhiệm vụ này. Các đồng chí đứng đầu cấp ủy phải là người tổ chức cuộc đấu tranh đó. Cần huy động một đội ngũ chuyên gia giỏi, những cây bút sắc bén tham gia cuộc đấu tranh này. Cần sơ kết, rút kinh nghiệm, biểu dương những cơ quan, những người làm tốt nhiệm vụ

Đấu tranh chống các quan điểm sai trái là một trận địa lớn liên quan đến sự sống còn của chế độ. Xác định là mặt trận thì phải thực hiện đúng theo phương châm cách mạng mà Đang ta từng nói “thêm bạn bớt thù”, phải có sách lược đúng đắn, xem xét từng đối tượng cụ thể trong đấu tranh. Có phương thức phù hợp thì cuộc đấu tranh mới có hiệu quả.

Đổi mới phương thức đấu tranh chống các quan điểm sai trái đòi hỏi mỗi ngành, đoàn thể phải xây dựng hệ thống tuyên truyền của đơn vị mình. Phải tiến hành đấu tranh chống các quan điểm sai trái ở từng cơ quan, từng ngành, coi đó là phương pháp tự bảo vệ mình, và thông qua đó hình thành một mặt trận chung của nhiều ngành, nhiều cơ quan tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch

Phải tăng cường công tác thông tin, nhất là thông tin đại chúng như mạng lưới báo chí, đài truyền hình, đài phát thanh, internet...Các phương tiện báo chí cần phải tìm ra những hình thức tuyên truyền cho thật phù hợp, sát với từng đối tượng cụ thể. Phát huy vai trò của tuyên truyền miệng, thông báo nội bộ, qua đội ngũ báo cáo viên ở các cấp để phê phán các quan điểm sai trái, cung cấp thông tin đứng đắn cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường hơn nữa thông tin đối ngoại. Thời gian qua, một số tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước của nước ngoài đưa ra văn bản phê phán Việt Nam một phần là do họ thiếu thông tin đầy đủ về tình hình nước ta. Cũng cần coi trọng hơn nữa việc nghiên cứu dư luận xã hội để nắm bắt nhanh nhạy, phản ánh đúng thực chất, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, nhân dân ta, có cơ sở để xây dựng nội dung tuyên truyền chống các luận điệu sai trái.

Hiện nay, nhiều tình huống đấu tranh tư tưởng không thuần túy dừng lại trong phạm vi tư tưởng mà gắn liền với vấn đề chính trị. Mà xử lý một vấn đề chính trị tư tưởng thì đòi hỏi phải có cơ quan chính trị có thẩm quyền đứng ra tổ chức, phối hợp xử lý thì mới đạt hiệu quả. Như vậy, đấu tranh chống các quan điểm sai trái hiện nay đòi hỏi phát huy sức mạnh tổng hợp, đa dạng hóa các hình thức và phương pháp đấu tranh

Xây dựng, phát triển lực lượng đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái

Cuộc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là cuộc đấu tranh hết sức khó khăn và phức tạp. Do vậy, cần phải phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân tham gia cuộc đấu tranh này. Trước hết đối với cán bộ và tổ chức nghiên cứu giáo dục lý luận cần đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học trẻ chuyên sâu về chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Lựa chọn những cán bộ có đủ tiêu chuẩn, khả năng làm công tác lý luận và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để dần dần hình thành những nhà khoa học đầu đàn, có phẩm chất đạo đức, có tư duy lý luận sáng tạo, năng động trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận

Đối với cán bộ và tổ chức báo chí- truyền thông phải nâng cao bản lĩnh chính trị để xem xét, đánh giá những vấn đề đặt ra trong cuộc đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động. Hơn nữa, yêu cầu đối với người làm báo trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái và phải thực sự dũng cảm và can đảm. Nếu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực xã hội, họ là những cây bút góp phần phản ánh những mặt trái của xã hội, những vấn đề gây bức xúc trong quần chúng và không ít nhà báo bị đe dọa, thì trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, bản lĩnh, sự dũng cảm càng phải được khẳng định, bởi đây là vấn đề có liên quan trực tiếp tới vận mệnh quốc gia, tới hưng vong của chế độ. Do vậy, bảo vệ những người dám dùng ngòi bút của mình để đấu tranh chống các quan điểm sai trái cũng là việc làm hết sức quan trọng, góp phần phát huy sức chiến đấu của đội ngũ những người làm báo.

Đối với cán bộ và các tổ chức Đảng, chính quyền và đoàn thể cần nâng cao hơn nữa sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, tiến hành thường xuyên tự phê bình và phê bình, triển khai có hiệu quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình theo tinh thần cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII đề ra. Cán bộ, đảng viên phải được nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khắc phục thái độ chủ quan, thờ ơ, mất cảnh giác, và phải được phân công trách nhiệm rõ ràng trong việc chỉ đạo, tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

­Tăng cường cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cuộc đấu tranh

Đảng, Nhà nước cần khẩn trương xây dựng chiến lược cơ sở vật chất- kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ mới. Tăng cường đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất- kỹ thuật theo hướng phát triển đồng bộ và hiện đại hóa, có trọng tâm, trọng điểm. Trước hết cần quan tâm trang bị cơ sở vật chất- kỹ thuật hiện đại cho các cơ quan nghiên cứu lý luận và cơ quan truyền thông đại chúng. Đây là những cơ quan trực tiếp góp phần đấu tranh trực diện với kẻ thù, và hiện nay đây cũng là nơi các thế lực tận dụng triệt để để thực hiện âm mưu, thủ đoạn của mình. Để phát huy được sức sáng tạo và khai thác được chất xám ở những nhà nghiên cứu lý luận, cần phải có chiến lược đầu tư thỏa đáng, chăm lo không chỉ đời sống vật chất mà cả đời sống tinh thần để những nhà khoa học giành tâm sức và trí tuệ của mình đấu tranh với kẻ thù bằng vũ khí lý luận. Những cán bộ truyền thông cũng phải có những chế độ đãi ngộ phù hợp để họ trở thành lực lượng hùng hậu trên mặt trận tư tưởng- văn hóa.

Cuộc đấu tranh phê phán những quan điểm sai trái là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp và cam go đòi hỏi sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Những giải pháp nêu trên cũng là những gợi ý bước đầu góp phần nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh này.

Đinh Thị Thanh Tâm
Học viện Báo chí & Tuyên truyền

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất