Thứ Hai, 23/9/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thứ Sáu, 10/4/2009 16:43'(GMT+7)

Đấu tranh với những biểu hiện “Tự diễn biến”, bảo đảm an ninh tư tưởng trong tình hình mới

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Ảnh minh họa

Bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong tình hình mới. Ảnh minh họa

1. Từ Đại hội X của Đảng đến nay, tình hình đất nước diễn biến khá phức tạp trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, phần nào tác động đến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh dòng tư tưởng chủ đạo là ý thức độc lập dân tộc cao, ý chí tự lực tự cường, kiên trì xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, văn minh theo định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tình hình đang tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn, tạo ra những thách thức, nguy cơ về an ninh tư tưởng. Hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch ngày càng quyết liệt về cường độ; toàn diện về nội dung; đa dạng về phương pháp, hình thức, rộng rãi về lực lượng, thường xuyên về thời gian và ngày càng công khai, tinh vi. Chúng lợi dụng triệt để bối cảnh quốc tế và trong nước, nhất là tình hình xã hội như tranh chấp, khiếu kiện, đình công; quan liêu, tham nhũng, lãng phí; những vấn đề lịch sử, dân tộc, tôn giáo, tự do, dân chủ, nhân quyền và bằng mọi ngả đường để thực hiện âm mưu nhất quán là nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng ta - chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đi đến làm suy yếu và thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ chế độ XHCN, đưa nước ta theo con đường TBCN. Dù chưa đạt được âm mưu cuối cùng nhưng các hoạt động “diễn biến hòa bình” kết hợp với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan đã tác động đến tư tưởng của một số cán bộ đảng viên, tạo nên sự tự diễn biến “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và xã hội với xu hướng ngày càng phức tạp.

- Một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị, phai nhạt lý tưởng cách mạng. Đây là kết quả của sự “tự diễn biến” dưới sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, là nguy cơ lớn, là hiểm họa về an ninh tư tưởng. Phai nhạt lý tưởng tức là phai nhạt chủ nghĩa, phai nhạt mục đích hành động, giảm sút và triệt tiêu động lực tạo nên sức mạnh, ý chí chiến đấu. Niềm tin cộng sản bị thử thách nghiêm trọng và ở một bộ phận không nhỏ đã bị lung lay, phai nhạt. Đại bộ phận chưa hiểu được CNXH là gì, con đường đi lên CNXH ở nước ta ra sao. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH được Đại hội VII thông qua nêu ra 6 nội dung (hay đặc trưng) của CNXH ở nước ta, rồi Đại hội X của Đảng nêu ra 8 đặc trưng, nhưng không phải ai cũng hiểu, cũng thẩm thấu đến nơi đến chốn. Một bộ phận không nhỏ, bên ngoài vẫn nói về CNXH, nhưng trong suy nghĩ thực hầu như không tin, nhiều lúc còn gắn với những chuyện hài hước. Tệ hại hơn có người ngại nói về CNXH, sợ cho là không cấp tiến, chậm đổi mới. Chính vì vậy, đã xuất hiện những dấu hiệu “tự chuyển hóa”, tuy chưa công khai từ bỏ CNXH, nhưng cho rằng CNXH là mục tiêu cao cả, nhưng xa xôi, trước mắt chỉ lo phấn đấu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh là đủ. Thực ra là đã “tự diễn biến”, đã buông vũ khí, tạo nên những khoảng trống những lỗ hổng trên trận địa an ninh tư tưởng. Một số đã thực sự “diễn biến”, “chuyển hóa” với danh nghĩa “đổi mới triệt để”, “đổi mới kinh tế phải song song “đổi mới chính trị”, phê phán và bác bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin, đòi “đa nguyên”, “đa đảng”, “ly thân”, “chia tay ý thức hệ”, sám hối, đi “tìm cái tôi đã mất”, từ bỏ CNXH, ca ngợi CNTB.

- Từ sự lung lay ý chí, suy thoái về tư tưởng đã xuất hiện nhiều hành động, từ phát ngôn đến việc làm trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương và pháp luật Nhà nước. Thậm chí có những hành động mang tính chống đối với giọng điệu không khác mấy quan điểm của những phần tử cơ hội, phản động đang mơ tưởng xây dựng tổ chức chính trị đối lập cũng đã xuất hiện trong nội bộ.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước, nhất là trên mạng internet đã xuất hiện những bài viết, trả lời phỏng vấn thể hiện sự “tự diễn biến” về tư tưởng, công khai xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin, hùa với những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch tạo nên những bi quan, hoang mang nghi vấn trong tư tưởng của cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ nội bộ làm yếu sức đề kháng, tạo cơ sở cho sự xâm nhập dễ dàng của chiến lược “diễn biến hòa bình” dẫn đến lây lan sự diễn biến “tự chuyển hóa” ngày càng gia tăng. Hòa cùng với điều đó, báo chí vô tình hay hữu ý đã không ngừng dựng lên những bức tranh ảm đạm về mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa... rồi bình luận lập lờ vòng vo hoặc suy diễn trực tiếp quy nguyên nhân về phía chủ trương quản lý của Nhà nước, làm giảm lòng tin của dân chúng đối với Đảng, Nhà nước, với con đường chúng ta đang đi...

Mũi diễn biến êm ái hơn, “hòa bình” hơn được thể hiện trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, giáo dục đào tạo, văn học nghệ thuật... bởi vì mũi tấn công xâm nhập của chiến lược “diễn biến hòa bình” trên những lĩnh vực này dường như là “vô tư” và thực tiễn những lĩnh vực này đang có nhiều bức xúc, có nhu cầu hợp tác quốc tế. Cần phải khẳng định, các chương trình tài trợ của các cơ quan, các tổ chức quốc tế... cho nghiên cứu khoa học, hội thảo, trao đổi khoa học, đào tạo v.v... đều đã có tác dụng nhất định trong việc tiếp cận với nền khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, có điều kiện vật chất để nghiên cứu sâu hơn những vấn đề quan trọng hoặc còn nhiều vấn đề phức tạp, đào tạo được cán bộ có trình độ cao, có cơ hội để tập hợp các nhà khoa học trong và ngoài nước, tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực hội nhập... Đồng thời cũng cần phải khẳng định, việc đó xưa nay ta đã làm, đã có hiệu quả rõ rệt, nhưng trong quá trình thực hiện chúng ta luôn tự chủ, xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của đất nước, của bản thân chúng ta, không lệ thuộc vào nước ngoài(1). Chúng ta chưa bao giờ dựa hẳn vào nước ngoài, dù lúc đó còn là cùng “phe XHCN“ cũng không “vô tư” như hiện nay. Có nơi có lúc đã ảo tưởng về những “sự giúp đỡ” của các tổ chức nước ngoài, nặng về lợi ích kinh tế mà không suy tính đến lợi hại lâu dài. Không nên đánh giá mọi cơ quan tài trợ, cơ quan đào tạo giáo dục, trao đổi văn hóa khoa học cũng như người được đào tạo ở các nước phương Tây đều có ý đồ xấu. Nhưng cũng cần luôn lưu ý đây là một môi trường rất thuận lợi, là cầu nối để các thế lực phản động lợi dụng thực thi mưu đồ lâu dài cho việc chống phá hệ tư tưởng của chúng ta bằng các hình thức thích hợp “thay chất đổi mầu” từ từ. Thực tế, con đường ấy đã được các thế lực thù địch thực hiện phục vụ cho âm mưu “diễn biến hòa bình” đã có những kết quả không nhỏ mà sự biểu hiện của nó được đan xen, hòa quyện vào các hiện tượng của tình hình tư tưởng, chính trị và đời sống xã hội của nước ta.

Trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo vốn là quốc sách, là nền tảng đào tạo con người, chủ nhân xã hội đã có biểu hiện “phương tây hóa”, nhất là “Mỹ hóa” trong sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật đã xuất hiện những tác phẩm trái với bản chất chế độ ta, thiếu trung thực trong phản ánh thực tiễn cuộc sống của đất nước, suy diễn cực đoan thiếu căn cứ khoa học những vấn đề lịch sử, say sưa đi tìm cái tôi đã mất, cái tôi thiển cận, lạc loài, đuổi theo cái tôi ảo vọng... đã đánh mất vai trò dẫn dắt tư tưởng, chức năng giáo dục của văn học nghệ thuật.

Tất cả những điều đó cùng với những yếu kém, những bức xúc của xã hội, đã làm cho “trong Đảng đã xuất hiện các ý kiến khác nhau về một số vấn đề cơ bản liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng tới sự thống nhất tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, kể cả trong những lực lượng nòng cốt, gắn bó với Đảng, với chế độ đã phát sinh một số vấn đề tư tưởng, tâm trạng bức xúc đáng lo ngại, ảnh hưởng đến tính đồng thuận của xã hội(2). Trong bối cảnh đó, trong nội bộ ta đã xuất hiện những dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cả về tư tưởng và hành động.

2. Tình hình trên đây xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, bên trong và bên ngoài, từ nhiều lĩnh vực, cả kinh tế-xã hội và chính trị, tư tưởng văn hóa. Có thể gom lại là:

- Vũ khí tư tưởng chưa sắc bén. Muốn có an ninh tư tưởng phải có vũ khí sắc bén, đó là vấn đề lý luận mà trọng tâm là CNXH là gì? Con đường đi lên CNXH ở nước ta như thế nào? Chúng ta đã có khá nhiều chương trình khoa học cấp Nhà nước qua nhiều giai đoạn như KX. 01 (1991-1995). KXXH. 01(1996-2000), KX.04 (2006-2010) và nhiều chương trình liên quan, song chưa thực sự có câu trả lời về CNXH và con đường lên CNXH ở nước ta một cách rõ ràng, làm ngọn cờ và vũ khí tư tưởng cho toàn Đảng toàn dân thẩm thấu để đồng lòng, quyết chí phấn đấu với niềm tin tất thắng như ngọn cờ độc lập dân tộc xưa nay.

- Vũ khí chưa sắc bén, việc sử dụng vũ khí đó lại còn rất nhiều yếu kém, công tác tư tưởng chưa theo kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, chưa thật sự phù họp với thực tiễn sinh động, nhiều lúc lúng túng, bị động trước những diễn biến phức tạp và những biểu hiện tiêu cực, tính chiến đấu và sức thuyết phục thấp, nên chưa tạo ra được sức mạnh đề kháng và tiến công trên mặt trận tư tưởng. Có ý kiến cho rằng sau Đại hội X đến nay, Đảng ta rất chú trọng công tác tư tưởng đã có những nghị quyết, chỉ đạo sâu sắc về mặt trận này, song nhìn chung vẫn chưa có bước tiến đáng kể, thậm chí trên một số lĩnh vực đã “lùi”, luôn ở thế bị động, phòng ngự, đối phó. Binh chủng công tác tư tưởng ngày càng lớn, song chưa mạnh, một bộ phận trực tiếp trong các lĩnh vực báo chí phát thanh truyền hình, văn hóa văn nghệ... còn thiếu nhạy bén chính trị, có lúc xa rời tôn chỉ mục đích, lợi ích tối thượng về tư tưởng, thậm chí có trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, mất tác dụng “nêu gương” vốn là yêu cầu quan trọng của người làm công tác tư tưởng.

- Môi trường xã hội còn phức tạp, chưa trong sạch, hiện tượng tiêu cực trong bộ máy Đảng và Nhà nước chưa được ngăn chặn, đẩy lùi; hiệu quả đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn rất thấp. Cán bộ, đảng viên không gương mẫu thậm chí suy thoái, hư hỏng, vừa phá nội bộ, vừa làm thuê, thậm chí làm tình báo cho nước ngoài. Trong lúc đó, kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn nhiều mặt bị buông lỏng; việc xử lý sai phạm, khuyết điểm không nghiêm, không kịp thời, nên đã gây rất nhiều khó khăn cho công tác tư tưởng, bởi tư duy trực quan luôn luôn sinh động hơn những lời thuyết giảng.

Trong bối cảnh xã hội của nước ta đang phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều quan niệm, chuẩn mực giá trị cũng thay đổi, trong đó không ít đổi thay theo chiều hướng xấu, xem trọng lợi ích cá nhân, coi thường lợi ích tập thể, cộng đồng; nặng về vật chất kinh tế, coi nhẹ đạo lý tinh thần; lo trước mắt, lãng quên mục tiêu lâu dài, cho nên tính tiên phong gương mẫu, sự xả thân cho sự nghiệp chung giảm sút, chủ nghĩa cá nhân có cơ hội trỗi dậy. Đó chính là “giặc nội xâm”, làm xói mòn bản chất, phai nhạt lý tưởng; làm mục ruỗng bộ máy của Đảng và Nhà nước cả về tư tưởng và tổ chức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ đảng viên cả về chính trị và đạo đức, làm tê liệt sức chiến đấu, là mảnh đất màu mỡ sinh sôi nảy nở những tư tưởng lệch lạc, tiêm nhiễm dễ dàng những tư tưởng thù địch với chế độ, với mục tiêu lý tưởng cộng sản.

Ngọn đòn tấn công của các thế lực thù địch theo chiến lược “diễn biến hòa bình” được tăng cường, ngày càng quyết liệt, kết hợp nhiều lực lượng trong ngoài, lợi dụng tối đa mọi cảnh huống xã hội. Trong lúc đó, việc tổ chức đấu tranh của chúng ta chống lại các luận điệu sai trái vu cáo, xuyên tạc thiếu chủ động, không kịp thời, không thường xuyên, không rộng rãi, chưa sắc bén. Không sử dụng được mọi binh chủng công tác tư tưởng, các phương tiện thông tin hiện đại, nhất là mạng Internet và blog. Việc xử lý những sai trái về tư tưởng đặc biệt là những bài viết, phỏng vấn, hồi ký, phát ngôn... không kịp thời và nghiêm khắc, đã có tác dụng xấu trong công tác tư tưởng.

Những nguyên nhân trên đây có mối quan hệ đan xen, tác động lẫn nhau dẫn đến những nguy cơ về an ninh tư tưởng, được các thế lực chống đối, cơ hội lợi dụng triệt để, dẫn đến sự “tự diễn biến” tư tưởng trong nội bộ chúng ta.

3. Trước tình hình trên đây, một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho công tác tư tưởng trong thời kỳ mới là phải tăng cường tính thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi những nhân tố “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới.

- Muốn bảo đảm an ninh tư tưởng cần phải có sự thống nhất ý chí và hành động của toàn đảng, toàn dân trên nền tảng tư tưởng và Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng. Mà muốn có sự thống nhất vững chắc thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo ...“ (Bác Hồ).

Do vậy, xây dựng cho được một hệ thống quan điểm lý luận thật sáng tỏ, có tính thuyết phục về cơ sở khoa học và thực tiễn về CNXH và con đường tiến lên CNXH ở nước ta, kiên trì và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tuân thủ nghiêm minh và sáng suốt tư tưởng Hồ Chí Minh là điều tiên quyết, mang tính cơ bản, giữ vị trí nền tảng của an ninh tư tưởng hiện nay. Muốn vậy phải phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác lý luận, của KHXH và nhân văn, của cả hệ thống chính trị trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của nước ta trong quỹ đạo vận hành của lịch sử nhân loại và trong bối cảnh chung toàn cầu.

Đại hội X của Đảng và gần đây Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết định: Đảng ta cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung và phát triển Cương lĩnh, làm nền tảng chính trị, tư tưởng cho mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong quá trình đưa nước ta đi lên CNXH. Việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh là một yêu cầu khách quan, là nhiệm vụ chính trị cấp thiết vì sự phát triển nhanh và bền vững của nước ta. Cho nên việc tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh để bổ sung và phát triển Cương lĩnh 1991 của Đảng cần đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận - thực tiễn, tránh giáo điều, tránh phiêu lưu chính trị, trong đó đặc biệt phải có tư duy chính trị sáng tạo về CNXH và con đường xây dựng CNXH ở nước ta, để có cơ sở cho những đổi mới quan trọng về chủ trương chính sách, tạo động lực phát huy cao độ các nguồn lực và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Đó sẽ là vũ khí tư tưởng vững chắc cho việc tăng cường tính chiến đấu, tính thuyết phục của công tác tư tưởng trong tình hình mới. Các nhà lý luận, các nhà hoạt động thực tiễn từ TW đến địa phương cơ sở, cả hệ thống chính trị cần phải tham gia vào quá trình này, phải coi đó và một nhiệm vụ trọng yếu của công tác tư tưởng trong thời gian tới.

- Đổi mới mạnh mẽ công tác tư tưởng tăng cường tính chiến đấu, chủ động, kịp thời, thuyết phục và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng nâng cao lý luận cho cán bộ đảng viên, nghiêm khắc loại trừ lối làm hình thức, đối phó; từ bỏ phương pháp truyền tải theo lối áp đặt, nhồi nhét; khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị hoặc học không đến nơi đến chốn mà vẫn “đạt chuẩn”, tự hạ thấp trình độ lý luận và sứ mệnh tiên phong về trí tuệ của Đảng. Giáo dục tư tưởng phải làm sao cho sinh động, chống giáo điều, áp đặt, dạy dỗ, phải “mưa dầm thấm lâu”, nhẫn nại, tỉ mỉ, cụ thể.

Quản lý chặt chẽ, đảm bảo hoạt động đúng định hướng và có hiệu quả các hoạt động của các binh chủng công tác tư tưởng, nhất là báo chí-xuất bản, văn học-nghệ thuật, khoa học, giáo dục đào tạo.

- Tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh“ với những phương thức phong phú, sinh động theo hướng toàn diện - hiệu quả - thiết thực - lan tỏa và có tác dụng lâu dài. Gắn chặt thường xuyên với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh kiên quyết để ngăn chặn đi đến đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Công tác tư tưởng của Đảng có tốt hay không, một phần rất lớn phụ thuộc vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bởi người dân luôn xem lời nói và việc làm của cán bộ đảng viên có đi đôi với nhau hay không. Xem cán bộ nêu gương như thế nào.

- Đẩy mạnh đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa một cách đồng bộ, chủ động, kịp thời, sắc bén. Thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay luôn được các thế lực thù địch xác định là địa bàn trọng điểm để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” bằng mọi thủ đoạn, từ kích động tư tưởng hận thù, bất mãn, ly khai đến tạo dựng ngọn cờ, phát động phong trào đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, tung hô thành lập đảng đối lập, gây rối, phá hoại v.v... Chúng tăng cường sự phối hợp trong - ngoài, kết hợp sử dụng vật chất với các phương tiện thông tin hiện đại, nhất là mạng internet, blog tấn công vào nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng vào những yếu kém, tiêu cực, bức xúc của xã hội, xâm nhập vào mọi lĩnh vực, từ giáo dục, khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật đến các hoạt động của các tổ chức đoàn thể v.v... Do vậy đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” là một nhiệm vụ cấp bách của công tác tư tưởng hiện nay, phải được thực hiện thường xuyên trên tất cả các lĩnh vực, đan xen. Phải có sự đánh giá chính xác thống nhất trong Đảng về thực trạng các nhân tô,ë các dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta hiện nay, để từ đó có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Tích cực cảnh giác, phòng ngừa sự xâm nhập, cài cắm các cơ sở nội gián, phá hoại nội bộ, thúc đẩy “tự chuyển hóa”, gây chia rẽ về tư tưởng và hành động trong nội bộ.

Với những người bộc lộ công khai quan điểm đối lập với Đảng, thể hiện qua việc phát ngôn, viết hồi ký, viết báo, tham luận khoa học... cần những hình thức giáo dục, xử lý thích hợp. Cần có quy định rõ ràng trong việc quản lý nhân lực, nhất là cán bộ làm việc trong các tổ chức có yếu tố nước ngoài, các dự án được nước ngoài viện trợ, các chương trình đào tạo, nhận tài trợ từ các tổ chức ở nước ngoài.

Tăng cường quản lý hoạt động thông tin báo chí, xuất bản, thực hiện nghiêm các quy định đã có của Đảng, Nhà nước; nghiêm cấm đăng tải ý kiến của những người có quan điểm sai trái trên mọi phương tiện thông tin báo chí, xuất bản; tăng cường công tác thông tin đối ngoại.

Có giải pháp thích hợp để xử lý những hoạt động sai trái, xâm phạm lợi ích và an ninh quốc gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) (3) .Kiểm tra hoạt động của các tổ chức này trong các lĩnh vực văn hóa, khoa học giáo dục; đặc biệt là việc tài trợ cho các chương trình “cải cách hành chính”, xây dựng luật, hoạt động của luật sư, giáo dục-đào tạo...

Giữ vững trận địa tư tưởng trong toàn đảng, toàn dân, thường xuyên truyền tải, giáo dục một cách thuyết phục để nâng cao sức đề kháng cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí, sinh viên - học sinh, công nhân và các tầng lớp nhân dân từ cơ sở là nền tảng vững chắc cho cuộc đấu tranh làm thất bại âm mưu “diễn biến hòa bình”, ngăn ngừa “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, bảo đảm an ninh tư tưởng, góp phần tích cực giữ vững an ninh quốc gia trong mọi tình huống./.

—————-

(1) Ví như việc điều lưu học sinh nước ta từ Liên Xô về nước trong thời kỳ 1963-1964, hay từ Trung Quốc năm 1966.

(2) Nghị quyết số 16-NQ/TW, Hội nghị TW5 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Văn kiện Hội nghị TW 5, tr.34.

(3) T.p Hồ Chí Minh hiện có hơn 250 NGO đang hoạt động.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất