Thứ Bảy, 23/11/2024
Xã hội
Thứ Hai, 8/4/2019 9:27'(GMT+7)

Chủ động phòng và chống bệnh sởi

PGS. TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh sởi

PGS. TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân mắc bệnh sởi

BỆNH SỞI VÀ MỐI LO NGẠI DỊCH BỆNH SỞI

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra và là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm dễ gây dịch, lây qua đường không khí do virus sởi gây nên hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Đây là virus thuộc họ Paramyxoviridae, dạng hình cầu, đường kính 120 – 250nm, sức chịu đựng yếu, dễ bị diệt với các thuốc khử trùng thông thường hoặc ánh sáng mặt trời, sức nóng... có nhiệt độ khoảng 56 độ C.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân và hay gặp chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi với các triệu chứng như sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng cũng có thể gây nhiều biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng...

Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm cao với tỉ lệ khoảng 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa được tiêm phòng. Cụ thể: 1) Lây qua đường hô hấp: Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân. Họ thường đã có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi vết đỏ xuất hiện. 2) Lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện: Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại...Khi người không mắc bệnh sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng thì sẽ bị lây bệnh. 3) Lây gián tiếp: Trường hợp này ít gặp bởi virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh. Nhưng một khi siêu vi sởi đã vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi, sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da...

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Năm 2018, dịch sởi đã xảy ra tại một số nước khu vực châu Âu, ngay cả ở một số nước đã công bố loại trừ bệnh sởi như Đức và Nga, làm dấy lên mối lo ngại dịch bệnh sởi có thể lại thành dịch ở những quốc gia này. Trên thế giới, ngay trong những tuần đầu năm 2019, tình hình dịch bệnh sởi tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, nhất là tại Uraina và Hoa Kỳ.

Ở nước ta, tại một số nơi vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số sinh sống và tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, mật độ dân cư cao, giao lưu đi lại lớn có nhiều trẻ còn chưa được tiêm vắc xin sởi đầy đủ như Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,v.v.. nên có nguy cơ cao về bệnh sởi và hình thành các ổ dịch sởi. Tại Việt Nam, bệnh sởi bắt đầu gia tăng từ tháng 10/2018; đến tháng 3 đã ghi nhận 18.078 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 2.924 trường hợp mắc sởi dương tính tại 56 tỉnh, thành phố.

Trong khi ở TP.HCM, số ca mắc sởi phải nhập viện điều trị có xu hướng giảm nhẹ thì tại các tỉnh phía Nam số trường hợp mắc bệnh vẫn không ngừng tăng. Theo thống kê tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, 90% trẻ nhập viện vì bệnh sởi chưa tiêm phòng vaccine sởi hoặc có tiêm phòng nhưng không đủ liều. Thực tế cho thấy, việc không tiêm phòng vaccine sởi là lý do khiến trẻ khi mắc sởi bệnh càng nặng hơn. 

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, các trường hợp mắc sởi đều không tiêm phòng hoặc tiêm không đủ liều, nên nhiều ca bị biến chứng nặng như: viêm phổi, giảm thính lực, thậm chí giảm sức đề kháng, sau điều trị có thể bị chậm phát triển, còi xương. Điều đáng nói, các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm vaccine sởi cũng mắc sởi khá nhiều, nguyên nhân là do trẻ lớn hơn không được tiêm. Tỷ lệ không tiêm càng cao, miễn dịch cộng đồng thấp, tỷ lệ trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng mắc bệnh càng nhiều.


 

Ở Hà Nội, tính từ đầu năm 2019 đến tháng 3, Hà Nội đã ghi nhận 336 trường hợp mắc sởi tại 27/30 quận, huyện, thị xã. Số bệnh nhân mắc sởi của Hà Nội trong năm 2019 này đã tăng hơn 15 lần so với cùng kỳ năm 2018. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân mắc sởi là quận Hoàng Mai, quận Thanh Xuân, quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, huyện Gia Lâm... Điều đáng nói là có khoảng 90% trường hợp mắc sởi do chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Trong đó, nhóm đối tượng mắc bệnh nhiều nhất là nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi (chiếm 24,1%); nhóm bệnh nhân từ 1 đến 5 tuổi chiếm 17,6%; nhóm bệnh nhân từ 6 đến 15 tuổi chiếm 23,4%.

CHỦ ĐỘNG NGĂN CHẶN KHÔNG ĐỂ BỆNH SỞI LAN RỘNG

Để chủ động phòng và chống dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì chỉ đạo tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như: Tham mưu với UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo chính quyền các cấp huy động lực lượng phối hợp với y tế địa phương thống kê đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng để triển khai tiêm đủ mũi vắc xin phòng sởi cho trẻ đạt tỷ lệ ít nhất 95% theo quy mô xã, phường. Nhất là, phải đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tiêm chủng, bao gồm tiêm chủng thường xuyên, tiêm chủng chiến dịch phòng chống dịch sởi cũng như kinh phí mua vắc xin tiêm phòng sởi cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài độ tuổi thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thực hiện tốt việc khám sàng lọc, phân luồng khám bệnh, cách ly bệnh nhân; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Phát hiện sớm và điều trị tích cực các trường hợp diễn biến nặng; trong đó, chú ý các đối tượng có bệnh nền, giảm tối đa các trường hợp tử vong do mắc bệnh sởi; đồng thời, khuyến cáo người dân cần phải chủ động khai báo cho cán bộ y tế địa phương biết khi bị mắc bệnh.

Phối hợp với sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học thực hiện rà soát tiền sử tiêm chủng của học sinh, thực hiện tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích của tiêm vắc xin sởi, vận động gia đình, học sinh tham gia tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh sởi và phối hợp tổ chức tốt việc tiêm vắc xin sởi tại các cơ sở giáo dục. Trẻ mắc bệnh cần được nghỉ học, không để dịch bệnh lây lan.

Phối hợp với sở thông tin và truyền thông, đài phát thanh, đài truyền hình và các cơ quan báo chí tại địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về lợi ích của tiêm vắc xin sởi, nhất là đối với những đối tượng có nguy cơ cao, trẻ em, người chưa mắc bệnh hoặc chưa được tiêm đủ mũi vắc xin sởi để khuyến cáo - phải đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi.

Bảo đảm việc cấp đủ phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh đầy đủ, kịp thời về đường lây truyền, cách phát hiện và phòng ngừa bệnh sởi.

Cụ thể, để phòng chống bệnh sởi và chủ động ngăn chặn không để dịch bệnh sởi lan rộng, bùng phát mạnh, theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: "Khuyến cáo chung của ngành y tế là mọi đối tượng, bao gồm cả trẻ em, người lớn đều cần tiêm chủng đầy đủ, ít nhất hai mũi trở lên. Người lớn, đặc biệt là phụ nữ ở lứa tuổi sinh đẻ, trước khi mang thai nên tiêm vaccine nhất định như sởi - rubella để trong thời gian mang thai có sinh miễn dịch, kháng thể miễn dịch được truyền cho con. Vì vậy, trẻ trong vòng chín tháng đầu sẽ tránh được sởi".

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh sởi bằng cách:

1. Chủ động đưa con em từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc từ 18 tháng tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vắc xin phòng sởi.

2. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần phải sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời thăm khám, điều trị phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi; đồng thời, hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện. 

3. Bệnh sởi rất dễ lây, vì vậy, không cho trẻ đến gần và tiếp xúc với các trẻ nghi mắc sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ và đảm bảo các biện pháp về tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

NA

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất