Đại hội Hội nhạc sĩ Việt Nam khoá VIII (nhiệm kì 2010-2015) đã bầu 17 thành viên vào Ban chấp hành Hội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tái đắc cử Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam; 3 Phó Chủ tịch gồm các nhạc sĩ: Trần Long Ẩn, Nguyễn Đức Trịnh, Phạm Ngọc Khôi. Ngay sau khi nhậm chức, tân Chủ tịch Hội đã có cuộc trò chuyện ngắn với phóng viên.
- Thưa nhạc sĩ, xin chúc mừng ông vừa được tái cử Chủ tịch Hội. Ông có dự định, kế hoạch gì cho trong nhiệm kỳ tới?
- Trước khi vào đại hội, chúng tôi đã nghĩ tới chặng đường năm năm tiếp theo của âm nhạc Việt Nam.
Điều đầu tiên là chúng tôi muốn thúc đẩy công tác lý luận phê bình âm nhạc. Làm sao để gắn công việc phê bình với đời sống âm nhạc, đó chính là mang những kiến thức chuyên môn về âm nhạc phổ cập sâu rộng tới công chúng, hướng dẫn thị hiếu cho công chúng âm nhạc. Các nhà phê bình cũng phải đủ năng lực chuyên môn và tầm ảnh hưởng để định hướng dư luận về âm nhạc trên báo chí, bảo đảm những giá trị âm nhạc được nhìn nhận đánh giá đúng.
Điều thứ hai là chiến lược quảng bá âm nhạc, bao gồm cả việc tuyên truyền và giới thiệu những tác phẩm có giá trị tới công chúng. Chúng tôi đã lên một kế hoạch lớn và chặt chẽ, chủ động “bắt tay” với các đài truyền hình và đài phát thanh cả ở trung ương và địa phương để thiết lập một “kênh” riêng quảng bá âm nhạc. Bằng cách này, chúng tôi muốn âm nhạc như hệ thống mạch máu lan tỏa khắp đời sống của người dân và qua đó, các tác phẩm âm nhạc mới có thể “cất cánh”.
Ban chấp hành mới gồm 17 thành viên.
- Nhìn vào danh sách Ban chấp hành mới với 17 thành viên, có thể thấy góp mặt đầy đủ đại diện các thế hệ, vùng miền, lĩnh vực âm nhạc, ông có kỳ vọng gì về họ trong nhiệm kỳ tới?
- Ban chấp hành mới với 17 gương mặt, đại diện đầy đủ các nhạc sĩ, các nhà lý luận phê bình, có nhạc sĩ trẻ, có nhạc sĩ nhiều kinh nghiệm... Đặc biệt là có những gương mặt uy tín từ các hội âm nhạc lớn, chẳng hạn Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, có Chủ tịch Hội là nhạc sĩ Trần Long Ẩn và hai Phó Chủ tịch là nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên và nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện đều tham gia vào Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần này. Điều đó tăng thêm sức mạnh trong việc định hướng phát triển chuyên môn sâu rộng.
Đây cũng là lần đầu tiên có đại diện của hệ thống phát thanh truyền hình trong Ban chấp hành. Họ sẽ là những nhân tố tích cực trong việc quảng bá tác phẩm âm nhạc giá trị tới công chúng - một trong những mục tiêu chính của chúng tôi trong thời gian tới.
Theo tôi, đó là những tín hiệu đáng mừng.
- Theo ông, biện pháp chính để có thể khắc phục những bất cập, giải tỏa những bức xúc về sự mất cân đối trong đời sống âm nhạc hiện nay là gì?
- Điều này theo tôi phải được giải quyết ở một tầm cao hơn.
Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, với chức năng là phát hiện, tư vấn, kiến nghị với cơ quan cấp trên. Vai trò quan trọng nhất là Hội đồng lý luận phê bình VHNT trung ương, nơi tiếp thu những ý kiến từ phía hội chuyên ngành để có những đề xuất trực tiếp với Ban Bí thư, với Chính phủ để phối hợp điều chỉnh, giải quyết.
Tôi cho rằng những bức xúc trong đời sống âm nhạc hiện nay không thể tự dưng khắc phục ngay được; những giá trị sai lệch không thể cấm đoán và hạn chế một cách cơ học ngay được mà cần phải có sự phối hợp lâu dài. Khi một tác phẩm kém chất lượng ra đời nếu có hệ thống kiểm soát chuyên môn thì cũng hạn chế được phần nào. Điều quan trọng vẫn là làm thế nào để có được những tác phẩm hay, quan trọng nữa là làm thế nào khai thông được mạch chính những giá trị âm nhạc tốt đẹp của dân tộc. Chương trình giao hưởng chào mừng đại hội hôm nay (biểu diễn hòa nhạc các tác phẩm của các nhạc sĩ là Chủ tịch Hội qua các thời kỳ) tuy ngắn nhưng rất ý nghĩa. Nó cho chúng ta một niềm tin rằng, mạch ngầm âm nhạc đích thực vẫn chảy và những giá trị quý giá cần được khai thông. Chúng ta phải khơi gợi, động viên, cổ vũ khả năng sáng tạo của các nhạc sĩ. Có được tác phẩm hay, những chương trình âm nhạc giá trị, đời sống và thẩm mỹ âm nhạc của công chúng cũng sẽ được nâng cao. Từ đó, những tác phẩm kém giá trị cũng sẽ tự bị đào thải. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ chủ động trong việc tìm kiếm những tài năng trẻ, đầu tư trọng tâm vào những sáng tác có giá trị lâu bền cho họ.
- Xin cảm ơn nhạc sĩ và chúc ông thành công với cương vị của mình trong nhiệm kỳ tới.
Một số ý kiến của các đại biểu tại Đại hội:
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Điều tôi quan tâm nhất là các tác phẩm âm nhạc. Muốn có các tác phẩm hay, có sức sống lâu dài, phải có đội ngũ nhạc sĩ sung sức, được đào tạo bài bản, có tâm huyết và “hy sinh” vì âm nhạc. Họ phải kế tục thế hệ trước, bảo đảm dòng chảy âm nhạc thực sự với những giá trị luôn luôn được tiếp nối. Theo tôi, thế hệ sáng tác hiện nay đang nằm trong thời kỳ ngắt đoạn. Tôi vẫn chờ đón những tác giả tài năng. Một điều nữa tôi băn khoăn, là hiện nay chúng ta đang “ăn xổi ở thì”. Các phương tiện truyền thông đang quảng bá những tác phẩm mà theo tôi là giá trị âm nhạc không nhiều, đề cao, ca ngợi những thứ mà tôi cho rằng không nên đề cao.
Trong khi những giá trị dù đang nhen nhóm, chúng ta lại chưa nhìn nhận đúng và chưa khuyến khích đề cao. Điều đó làm tôi lo ngại. Người dân có quyền được hưởng những tác phẩm âm nhạc thực sự.
Nhạc sĩ Trọng Bằng: Ban chấp hành mới nhiều người trẻ mang lại cho tôi kỳ vọng mới. Đặc biệt có gương mặt trẻ sáng tác tài năng (nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng), gương mặt phê bình lý luận (Nguyễn Thị Minh Châu) trong Ban Chấp hành, sự cân đối giữa các thế hệ. Đại hội lần này cũng tiến hành trong không khí cởi mở, đoàn kết và thân thiện, không căng thẳng như những lần trước. Nhạc sĩ nên hướng tới tinh thần hội nhập quốc tế, và cần một hành lang pháp lý, ý thức pháp luật rõ ràng. Sự ra đời của Luật âm nhạc là cần thiết. Điều tôi quan tâm nhất là làm thế nào có nền âm nhạc chính thống, lành mạnh và phát triển. Làm thế nào để có một nền âm nhạc có đầy đủ các dòng nhạc: âm nhạc trẻ cũng cần có để khuấy động đời sống, âm nhạc truyền thống dân tộc cần được phát huy gìn giữ, âm nhạc bác học cần được coi trọng. Theo tôi, cần xác định trọng tâm của nền âm nhạc. Không phải ngẫu nhiên mà âm nhạc bác học được coi là tinh hoa của thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà người ta từng nói rằng, nếu nhân loại lên được mặt trăng, thì chỉ cần chơi bản giao hưởng số 9 của Beethoven là đủ. Chúng ta phải xác định rõ trọng tâm để phát triển./.
(Theo: ND)