Thứ Sáu, 11/10/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Tư, 13/8/2014 15:36'(GMT+7)

Giảng viên lý luận chính trị cần có tâm huyết, năng lực tư duy và phương pháp giảng dạy lôi cuốn

Một phần thi thuyết trình của thí sinh tại Hội thi giảng viên lý luận chính tri giỏi khu vực miền Bắc năm 2014 (Ảnh: TH))

Một phần thi thuyết trình của thí sinh tại Hội thi giảng viên lý luận chính tri giỏi khu vực miền Bắc năm 2014 (Ảnh: TH))

Ngày 12 đến 14-8, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, đã diễn ra Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi khu vực phía Bắc năm 2014.

68 thí sinh dự thi – 68 thầy, cô giáo giảng viên lý luận chính trị của các trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị cấp quận, huyện đã  mang tới hội thi những bài thuyết trình, những phương pháp giảng dạy, những cách xử lý tình huống hết sức phong phú mà sâu sắc, đa diện. Đó cũng chính là những kinh nghiệm quý báu, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên nói riêng, nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng chính trị của các Trung tâm cấp bồi dưỡng chính trị quận, huyện nói chung.

TG đã ghi lại một vài ý kiến, trao đổi của các thí sinh tham dự cuộc thi về việc giảng dạy lý luận chính trị tại địa phương, cơ sở và đơn vị.

Thí sinh Nguyễn Văn Ước – Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Hàm Yên (Tỉnh Tuyên Quang): “Giảng viên phải tăng cường đi thực tế cơ sở”

Theo kế hoạch của Ban Tổ chức, mỗi thí sinh đều lựa chọn cho mình một chuyên đề để thuyết trình dự thi. Riêng tôi, rất kính yêu và nể phục tấm gương, cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, nên đã chọn thuyết trình bài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị dành cho đối tượng kết nạp Đảng). Thời gian chỉ có 25 phút thuyết trình, tôi đã cố gắng chắt lọc những ý cơ bản nhất của 5 nội dung về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để dự thi. Trong bài giảng, tôi cũng đã tìm tòi, lồng ghép vào đó những hình ảnh, âm thanh, những câu chuyện… để giúp học viên dễ tiếp nhận bài giảng hơn. Được dự thi, được tham dự vào bài giảng của các thí sinh khác trong Hội thi lần này, tôi đã điều kiện học tập kinh nghiệm về cách giảng bài, cách xử lý tình huống, áp dụng các phương pháp giảng bài mới của các thầy cô khác. 

 
 

Thông qua đó, tôi đã nhận thấy rằng, để có những bài giảng lôi cuốn học viên, chắc chắn những giảng viên lý luận chính trị đã rất yêu nghề, tâm huyết với nghề. Bởi việc giảng dạy lý luận chính trị khác với việc dạy học ở các trường phổ thông. Hơn thế, mọi người thường cho rằng, việc giảng dạy lý luận hoàn toàn khô khan, cứng nhắc. Nhưng theo tôi, điều đó hoàn toàn không đúng. Khi đã có sự tâm huyết, say mê với nghề thì không có điều gì là khó khăn đối với các giảng viên lý luận chính trị. Mỗi thầy cô cần phải tự mình nghiên cứu, có cách tiếp cận, phương pháp giảng dạy mới để bài giảng của mình trở nên sinh động, gần sát với thực tế và đối tượng học viên trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị.

Tôi giảng dạy lý luận chính trị ở địa bàn Tuyên Quang, tỉnh có nhiều đối tượng học viên là bà con dân tộc vùng thiểu số. Khi mở lớp ở dưới các thôn, bản, chúng tôi đã đến tận nơi, ngồi trò chuyện cùng bà con, có thể nghe và nói được tiếng dân tộc, dùng những ngôn từ hết sức bình dị, dễ hiểu. Tôi nhớ có lần giảng bài về Bác, nhìn xuống lớp học, đã có rất nhiều học viên rơi nước mắt. Học viên đã thể hiện tình cảm thực sự của mình đối với Bác Hồ.Tôi chắc chắn, phần chia sẻ của mình đã được các học viên hiểu, học tập và sẽ có sự lan tỏa trong học viên, bà con địa phương. Từ đó, họ đã học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực hàng ngày.

Theo tôi, sau mỗi bài giảng của mình, các giảng viên lý luận cũng nên có sự liên hệ thực tế với địa phương, cơ sở hay đơn vị nơi mở lớp. Điều này sẽ giúp cho các học viên cảm thấy gần gũi, bị thuyết phục và thấy bài học thật có ích đối với bản thân và địa phương mình. Để có sự liên hệ thực tế chính xác với từng địa phương, các giảng viên phải tăng cường đi cơ sở, không ngại khó, ngại khổ, lấy tư liệu thực tế làm tư liệu cho bài giảng của mình.

Bên cạnh đó, bản thân mỗi giảng viên lý luận cũng luôn phải tự mình tìm tòi những phương pháp giảng dạy mới để đem lại hiệu quả thiết thực cho bài giảng của mình, chuyển việc truyền thụ kiến thức của mình sang việc nâng cao năng lực của người học theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra.

Thí sinh Nguyễn Thị Yến – Trung tâm bồi dưỡng lý luận chính trị Huyện Mường Nhé (Tỉnh Điện Biên): “Phải có phương pháp giảng dạy mới để lôi cuốn học viên vào bài học”

Là giảng viên lý luận chính trị, tôi luôn xác định đối tượng học viên của mình không phải học sinh phổ thông mà đó là những cán bộ đi học. Vì vậy, ngoài những năng lực tư duy và phẩm chất cần có, giảng viên phải là người có phương pháp sư phạm rất tốt. Nếu các giảng viên lý luận chính trị chỉ đơn giản áp dụng phương pháp thuyết trình xuyên suốt, thì ngay bản thân các thầy cô và người học sẽ cảm thấy nhàm chán. Điều quan trọng, các giảng viên phải có phương pháp giảng dạy mới để lôi cuốn học viên vào bài giảng của mình, để chính học viên phát huy khả năng của mình, cùng chia sẻ, bàn luận, trao đổi nội dung bài học với giảng viên. Lúc đó, bài giảng mới đạt hiệu quả.

Có lần, tôi đã sử dụng phương pháp “Nêu ý kiến ghi bảng”. Nội dung của phương pháp này là giảng viên đặt câu hỏi, mời 2 học viên lên bảng để ghi ý kiến của các học viên ngồi dưới, tham gia đóng góp ý kiến vào bài giảng. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi xong, mời hai học viên lên bảng và nói rằng: “Các đồng chí sẽ ghi những ý đóng góp”; nhưng ở phía dưới lớp học, không học viên nào có ý kiến. Tôi đã hỏi lại: “Sao các đồng chí không có ý kiến nào?”, thì các học viên trả lời: “Em tưởng cô đọc cho chúng em ghi”. Từ đó, tôi nhận thấy rằng, phương pháp giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng trong giảng dạy lý luận chính trị. Từ lâu, các học viên đã quen với kiểu học truyền thống đọc – ghi, đọc – chép… Để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị đồng nghĩa với việc phải đổi mới phương pháp dạy và học lý luận chính trị.

 
 

Đặc thù của huyện Mường Nhé là bà con có trình độ còn hạn chế, điều kiện vật chất cơ sở còn hạn chế. Nhiều thôn bản chưa có điện. Để giảng viên lý luận chính trị áp dụng những phương tiện giảng dạy mới như trình chiếu slide, các file âm thanh hay video là rất khó khăn. Bí quyết duy nhất của các giảng viên lúc này là trình độ kiến thức, chuẩn bị kỹ bài giảng, khả năng thuyết trình, khả năng xử lý tình huống, có thể trả lời tất cả các câu hỏi mà học viên đưa ra, nắm bắt được những vấn đề nổi cộm ở địa phương để liên hệ. Điều đó sẽ làm học viên thuyết phục và tôn trọng giảng viên, tôn trọng giờ học. Hơn thế, giảng viên còn nên biết tiếng Mông để có thể trao đổi, thăm hỏi bà con ở thôn, bản, sẽ tạo được niềm tin và sự gần gũi với người học.

Với những lớp học có trình độ học viên không đồng đều, người giảng viên cần phải có sự phân loại đối tượng học viên, từ đó có sự hướng dẫn cụ thể, nhất là trong việc viết thu hoạch phù hợp với đối tượng học. Đây cũng là một trong những yếu tố đem lại hiệu quả của bài giảng.

Thí sinh Nguyễn Xuân Thủy – Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái: “Với mỗi đối tượng, cần có những phương pháp truyền đạt khác nhau”

Để có giờ học lý luận chính trị hiệu quả, theo tôi, cần phải có những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng. Ngay đối với đối tượng học viên trong quân đội, tôi đã thấy có sự khác biệt. Cùng một nội dung bài giảng như nhau, nhưng với mỗi đối tượng, cần phải có những cách trình bày khác nhau.

 
 

Cụ thể, khi bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng cho các em học sinh sinh viên, các em đã hỏi: “Thưa thầy, tại sao chúng em phải học môn giáo dục quốc phòng – an ninh?”, lúc đó, tôi đã trả lời bằng những điều cụ thể như: “Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đó là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân chứ không phải chỉ riêng các lực lượng quân đội và công an”. Cũng nội dung giáo dục kiến thức an ninh – quốc phòng, với đối tượng là lãnh đạo chủ chốt, tôi chỉ đưa ra khái quát những mệnh đề quan trọng, để học viên tự thảo luận, trao đổi và rút ra kết luận.

Về nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đối với các đối tượng quần chúng, không nên chú trọng vào các mệnh đề về nội dung này. Người giảng viên chỉ cần chỉ ra việc học theo Bác bằng những minh chứng cụ thể và đưa ra cách làm theo Bác hành động cụ thể. Điều đó mới thực sự mang lại hiệu quả cho người học.

Với người giảng viên lý luận chính trị, theo tôi, cần phải nắm chắc và luôn cập nhật tri thức. Hiện nay, với trình độ phát triển của khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nếu người giảng viên lý luận chính trị chỉ ngồi trong phòng đọc báo, tài liệu, tạp chí thì họ sẽ bị lạc hậu. Họ phải thường xuyên tiếp cận cơ sở, giao lưu với các đối tượng ở cơ sở, thâm nhập thực tế để từ đó nâng cao trình độ của mình.

Trong việc trả lời các câu hỏi của học viên sau mỗi buổi học, câu trả lời càng ngắn gọn, nhưng càng xúc tích, tỉ mỉ, càng dễ hiểu và đạt hiệu quả càng hiệu quả cao. Đây cũng chính là một trong những điều tôi học hỏi trong cách nói và viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thu Hằng

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất