Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt phương án điều chỉnh giá cước dịch vụ thư cơ bản (thư thường) trong nước, có trọng lượng đến 20 gam. Theo phương án này, kể từ ngày 1-5-2009, giá cước của một thư thường trong nước là 2.000 đồng (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tăng 2,5 lần so với mức cước hiện tại.
Tăng cước thư để “cứu” ngành bưu chính
Cần phải thấy rằng, thư thường trọng lượng đến 20 gam chính là loại hình được sử dụng phổ biến nhất. Lý do điều chỉnh giá cước lần này, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, là bởi cước thư thường đã đứng yên khá lâu, trong khi chi phí cho việc vận chuyển đã tăng đáng kể trong suốt thời gian qua, do tác động từ giá xăng, giá vận tải đường sắt, đường bộ... Lần điều chỉnh giá cước thư thường gần đây nhất đã diễn ra cách đây hơn 8 năm, vào ngày 1-7-2000, với mức điều chỉnh từ 400 đồng lên 800 đồng.
Cước thư buộc phải tăng nhằm giảm gánh nặng bù lỗ cho ngành bưu chính. Với mức cước 800 đồng đối với thư thường đến 20 gam, năm 2007, ngân sách Nhà nước đã bù lỗ gần 1.000 tỉ đồng. Đó là chưa kể các loại hình thư công ích khác.
Theo tính toán của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì kể cả khi đã tăng giá cước lên thành 2.000 đồng, giá cước thư thường vẫn chỉ bằng khoảng 57% giá thành (giá thành là hơn 3.500 đồng). Việc điều chỉnh cước thư thường này nằm trong lộ trình điều chỉnh cước thư từ nay đến năm 2013 để ngành bưu chính có thể giảm được gánh nặng bù lỗ giá cước. Ngoài thư dưới 20 gam, giá cước của các loại thư khác cũng sẽ tăng trong thời gian tới đây.
Đối với loại thư thường có trọng lượng đến 20 gam thì mức cước 2.000 đồng có hiệu lực trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2010. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2012, mức giá cước của thư thường trong nước sẽ bằng 80% giá thành dịch vụ. Mục tiêu là giai đoạn sau năm 2012, giá cước thư thường trong nước sẽ bằng giá thành dịch vụ.
Tổng kết gần đây của ngành bưu chính cho thấy, mức tăng trưởng của chuyển phát thư tay không giảm, mà vẫn tăng trung bình 12%/năm. Đây là điều gây ngạc nhiên với nhiều người, khi mà thư điện tử và điện thoại, rồi điện thoại di động ngày càng trở nên phổ biến. Nghĩa là có những thói quen, văn hóa liên lạc truyền thống vẫn không bị mất đi dù cho khoa học kỹ thuật có phát triển mạnh. Theo nghiên cứu của Vụ Bưu chính thì hiện nay khách hàng sử dụng dịch vụ thư thường nhiều nhất chính là các doanh nghiệp. Xu hướng này ngày càng rõ nét và cũng phù hợp với tình hình chung của ngành bưu chính các nước. Tại các nước phát triển, khoảng 70-80% số lượng thư thường được chuyển phát là của các doanh nghiệp, chủ yếu là thư quảng cáo, chào hàng. Bà Nguyễn Thị Bội Lan, Vụ trưởng Vụ Bưu chính cho rằng, việc tăng cước thư là một việc làm hợp lý, buộc các doanh nghiệp phải chi trả đúng giá trị dịch vụ.
Theo quy định của Liên minh Bưu chính thế giới thì việc thanh toán cước đầu cuối giữa Việt Nam và các nước được thực hiện trên cơ sở sản lượng chiều đi, chiều đến, theo một mức giá thống nhất. Bắt đầu từ năm 2014, việc thanh toán cước đầu cuối giữa các nước sẽ được thực hiện trên cơ sở giá thành và giá cước thư nội địa. Do vậy, những nước có giá cước thư nội địa thấp sẽ bất lợi trong thanh toán quốc tế.
Nên có chính sách riêng đối với những đối tượng đặc biệt
Với những giải thích ở trên, có thể thấy rằng việc tăng cước thư là tất yếu. Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là, liệu có chính sách riêng đối với người dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo không?
Bà Nguyễn Thị Bội Lan cho rằng, mức cước phải được thống nhất trên toàn quốc. Hiện nay chưa có hướng dẫn nào về việc có hỗ trợ kinh phí cước thư đối với các đối tượng, vùng miền đặc biệt. Tuy nhiên, theo bà, việc hỗ trợ (nếu có) nên hướng vào các đối tượng cụ thể hơn là hướng vào vùng miền, bởi nếu không một số doanh nghiệp, đối tượng không đáng được thụ hưởng cũng sẽ được hưởng các ưu đãi này. Theo bà Bội Lan, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính… cần phải phối hợp rà soát, lên phương án cụ thể để hỗ trợ cước thư cho một số đối tượng như quân nhân, cán bộ, chiến sĩ công an, thầy cô giáo cắm bản, đối tượng chính sách…
Ai đã từng ra Trường Sa và đến một số đơn vị bộ đội ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì mới hiểu được giá trị của một bức thư từ quê nhà. Đó là nguồn động viên tinh thần vô giá, khích lệ những con người ở nơi đầu sóng, ngọn gió, nơi biên cương Tổ quốc đang nếm trải những thử thách, chịu đựng sự thiệt thòi để hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì thế, người lính rất thích gửi thư và nhận thư. 2.000 đồng để gửi một bức thư không phải là số tiền lớn so với thu nhập trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội sẽ thật lớn lao nếu các cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ, chắp cánh cho những lá thư từ nơi “đầu sóng, ngọn gió” đến được tay người nhận./.
(Theo: Hồ Quang Phương/QĐND)