Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra bản Dự thảo về Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (CPTT) để lấy ý kiến góp ý của xã hội. Sau khi báo chí, dư luận xã hội có nhiều góp ý, Bộ GD&ĐT đã chính thức có công văn trao đổi về Dự thảo Chuẩn phát triển trẻ 5 và cho rằng có những ngộ nhận về sự phát triển của trẻ 5 tuổi Việt Nam.
CPTT đã nhận được sự quan tâm và góp ý của rất nhiều tổ chức và cá nhân, trong đó có nhiều nhà khoa học tên tuổi và đã từng giữ những vị trí trọng trách trong bộ máy giáo dục nước nhà. Trong đó có ý kiến cho rằng, vấn đề đáng lo ngại nhất là khả năng của trẻ 5 tuổi bị một bộ phận người lớn đánh giá quá thấp.
Trong công văn trao đổi, Bộ GD&ĐT cho biết: Ngày 4/2/2008, Bộ đưa ra bản Dự thảo về Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi để lấy ý kiến góp ý của xã hội. CPTT đã nhận được sự quan tâm và góp ý của rất nhiều tổ chức và cá nhân, trong đó có nhiều nhà khoa học tên tuổi và đã từng giữ những vị trí trọng trách trong bộ máy giáo dục nước nhà. ý kiến của họ có tác động lớn đến dư luận xã hội. Nội dung bình luận, đánh giá và góp ý khá phong phú, trong đó đặc biệt ấn tượng là sự thể hiện nhận thức của một bộ phận trong xã hội về sự phát triển của trẻ 5 tuổi Việt Nam hiện nay và những băn khoăn về cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn của CPTT.
Trước những băn khoăn, lo lắng trên, Bộ GD& ĐT khẳng định: CPTT được xây dựng theo một qui trình khoa học, công phu và nghiêm túc với đầy tâm huyết và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ mầm non của đất nước; quá trình xây dựng CPTT có sự tham gia của đông đảo các thành phần xã hội ở các mức độ khác nhau, chứ không phải là sản phẩm duy ý chí của một nhóm người. Trong quá trình xây dựng, nhóm tác giả đã tham khảo, nghiên cứu, kế thừa các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học uy tín về giáo dục mầm non trong và ngoài nước, thành quả của giáo dục mầm non nước nhà cũng như các chương trình chăm sóc và giáo dục trẻ nhà trẻ và mẫu giáo mà Nhà nước đã ban hành từ những năm 90 của thế kỷ trước trở về đây.
Đặc biệt, đã tuân thủ các nguyên tắc được khuyến cáo sử dụng trong việc lựa chọn nội dung cho CPTT. Nguyên tắc lựa chọn các chỉ số trong CPTT phải xuất phát từ chính bản thân trẻ, phù hợp với môi trường và bối cảnh trẻ đang sống. Cụ thể là: Trẻ là trung tâm của Bộ chuẩn với các đặc điểm phát triển chung, đặc trưng cho giai đoạn lứa tuổi (5 tuổi) và các đặc điểm phát triển riêng của cá nhân mỗi trẻ. Các lĩnh vực phát triển và nội dung các chỉ số của CPTT được lựa chọn dựa vào: (1) Những gì trẻ đã biết; (2) những gì trẻ cần biết (đáp ứng những kỳ vọng của quốc gia đối với lứa tuổi này ở giai đoạn nhất định); và (3) những gì trẻ muốn biết thêm và có thể biết...
TS Trần Lan Hương, TS Trần Thị Nga, ThS Nguyễn Thị Thư - các tác giả tham gia soạn thảo CPTT 5 tuổi cho rằng: Không phủ nhận trong văn bản dự thảo CPTT còn có những hạt sạn và rất trân trọng những ý kiến và thái độ mang tính xây dựng nhằm giúp nhóm tác giả và Bộ GD&ĐT hoàn chỉnh, sớm ban hành bộ CPTT, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non. Tuy nhiên, có một số ý kiến rập khuôn, áp đặt một cách cứng nhắc hay đánh tráo khái niệm. Vấn đề đáng lo ngại nhất là khả năng của trẻ 5 tuổi bị một bộ phận người lớn đánh giá quá thấp.
“Nhận thức sai lầm này của người lớn khiến trẻ yếu ớt đi, thụ động trong mọi hoạt động, trẻ được hình thành tâm lý mình không biết làm gì và không thể làm tốt được gì. Trong khi đó sự phát triển của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào người lớn cũng như kỳ vọng mà xã hội đặt ra với trẻ” - nhóm tác giả này phân tích. Theo các tác giả, thường thì người ta lựa chọn các chỉ số mà có khoảng 40 – 60% trẻ thực hiện được để xếp vào CPTT. Khi có khoảng 80% trẻ đạt được các chỉ số, CPTT phải điều chỉnh nâng lên mức cao hơn.
“Chuẩn phát triển trẻ, một mặt thể hiện khả năng của trẻ, mặt khác lại phải thể hiện được những kỳ vọng của quốc gia về mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn phát triển” – là quan điểm của ba trong số các tác giả dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi”./.
Theo VOVNews