Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Bảy, 17/10/2009 22:32'(GMT+7)

Chưa ai công nhận khẩu trang diệt được virus

Khẩu trang Flutect và tờ rơi quảng cáo chống vi khuẩn và virus - Ảnh: L.TH.H.

Khẩu trang Flutect và tờ rơi quảng cáo chống vi khuẩn và virus - Ảnh: L.TH.H.

Gần đây tại một số bệnh viện (BV) ở TP.HCM và một số tỉnh đã mua hàng loạt khẩu trang Flutect về phát cho nhân viên của BV.

Giặt 100 lần vẫn diệt được virus

Ngày 14-10, chúng tôi đến nhà thuốc ở đường Nguyễn Chí Thanh, Q.11 hỏi mua khẩu trang phòng chống cúm. Nhân viên nhà thuốc đã giới thiệu và bán cho chúng tôi khẩu trang Flutect với giá 25.000 đồng/cái.

Đi kèm với khẩu trang để trong bọc nilông còn có tờ rơi quảng cáo về sản phẩm là: “Khẩu trang chống vi khuẩn và virus. Cấu trúc: được may từ vải flutect sản xuất bởi Tập đoàn Shikibo, Nhật Bản. Hai lớp vải flutect đảm bảo lọc bụi, diệt vi khuẩn và virus. Đặc tính: diệt các loại vi khuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt diệt các loại virus, trong đó có virus cúm A/H1N1 và cúm gia cầm H5N1. Giặt 100 lần vẫn không mất tính chống khuẩn và chống virus - chịu được nhiệt độ giặt cao 850C. Đảm bảo an toàn cho da và sức khỏe của người sử dụng”.

Mặt sau tờ rơi này còn đăng năm phiếu xét nghiệm được ghi là có “giấy chứng nhận hiệu quả kháng khuẩn do Viện Pasteur TP.HCM cấp”, “giấy chứng nhận hiệu quả kháng khuẩn và virus do Viện Vệ sinh quốc gia Nhật Bản cấp” và “giấy chứng nhận hiệu quả kháng khuẩn và virus do Trường đại học Airlanga, Indonesia cấp”.

Trên trang web của Công ty TNHH Como (84 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q.Phú Nhuận) cũng “treo” phiếu xét nghiệm của các đơn vị nói trên để quảng cáo.

Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - giám đốc Công ty TNHH Como, đây là phát minh mới của Tập đoàn Shikibo, Nhật Bản. Cơ chế chống virus và vi khuẩn là vải flutect có hai thành phần: cotton được ngâm ép và thẩm thấu một loại organic compound do Tập đoàn Shikibo tìm ra kháng được virus và vi khuẩn, chuyển hóa cùng với cation polymer gắn kết chắc vào ion của phân tử bông xơ, được gọi là công nghệ flutect; polyester được làm tăng cường tính chất tĩnh điện nhằm để bắt vi khuẩn và virus khi chúng bay sát gần hay bám chặt vào vải.

Theo ông Phúc, hiện nay khẩu trang, drap, quần áo bác sĩ... của Công ty Como đã được nhiều cơ sở y tế sử dụng, trong đó có BV Bệnh nhiệt đới TP, BV Chợ Rẫy và nhiều BV khác.

Chọn mua khẩu trang Vinatex Como tại hiệu thuốc trên đường Nguyễn Chí Thanh, Q.10, TP.HCM chiều 16-10 - Ảnh: T.T.D.

Không thể kiểm nghiệm

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết Công ty Como đã gặp ban giám đốc BV đề nghị BV có cách nào thử nghiệm khả năng diệt virus của loại vải may khẩu trang Flutect hay không, BV đã trả lời là không thể làm được vì không có quy trình nào có thể kiểm nghiệm. Đại diện công ty đề nghị BV lấy dịch tiết trong mũi bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1/09 và quét lên khẩu trang. Sau đó mấy phút, BV đem khẩu trang này đi làm xét nghiệm xem virus này còn trên đó hay không. BV tiếp tục giải thích quy trình đó không chuẩn nên không làm được.

Không cho phép
vẫn quảng cáo

Theo TS Trần Ngọc Hữu - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khách hàng gửi mẫu đến thì viện xét nghiệm nhưng viện không cho phép dùng kết quả xét nghiệm để quảng cáo sản phẩm. Trên phiếu xét nghiệm cũng đã ghi rõ “không dùng kết quả này cho mục đích quảng cáo”, thế nhưng công ty vẫn đem quảng cáo là hoàn toàn sai.

Về việc trang web của Công ty Como thông tin “kiểm nghiệm lâm sàng các loại drap, quần áo bác sĩ tại khoa bỏng BV Chợ Rẫy cho kết quả rất tốt”, bác sĩ Trần Đoàn Đạo - trưởng khoa phỏng BV Chợ Rẫy - khẳng định “thông tin như trên trang web là không trung thực”.

Theo bác sĩ Đoàn Đạo, khoa bỏng có sử dụng drap, gối, quần áo của Como để thử nghiệm lâm sàng cách đây khoảng 2-3 tháng. Việc thử nghiệm mới làm được trên khoảng mười bệnh nhân và được chia làm hai lô đối chứng: bệnh nhân nằm drap, khăn phủ bình thường và bệnh nhân nằm drap, khăn phủ của Como để xem mức độ diệt khuẩn thế nào.

Kết quả ban đầu cho thấy bệnh nhân phỏng nặng sử dụng sản phẩm của Como không giảm nhiễm trùng được bao nhiêu so với bệnh nhân phỏng nặng sử dụng drap, khăn vải thường. Với 2-3 bệnh nhân phỏng diện tích nhỏ thì kết quả vết thương có vẻ tốt hơn. Việc thử nghiệm còn đang thực hiện nên chưa thể nói được điều gì.

Một lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM cũng nói rằng viện có nhận mẫu vải Flutect của Công ty Como đề nghị kiểm nghiệm khả năng diệt khuẩn. Kết quả loại vải này có khả năng diệt được một số loại vi khuẩn.

Về kiểm nghiệm khả năng diệt virus của loại vải này thì viện chưa làm là do công ty không cung cấp loại hóa chất tẩm trong khẩu trang để kiểm nghiệm. Như vậy thì không đủ điều kiện để xét nghiệm vì công ty mới đưa thông tin một nửa. Những giấy chứng nhận mà Công ty Como đưa viện mới là giấy chứng nhận kiểm nghiệm của phòng xét nghiệm chứ không phải của cơ quan quản lý nhà nước về y tế ở Nhật Bản và Indonesia. Ngoài ra, khi viện đặt vấn đề trong dược điển của Nhật Bản có tiêu chuẩn kiểm nghiệm loại vải này không thì công ty không đưa ra được vì không có tiêu chuẩn./.

(Theo Tuổi trẻ online)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất