Thứ Tư, 27/11/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 1/10/2011 8:50'(GMT+7)

Chưa xuất hiện ổ dịch lớn về tay chân miệng tại cộng đồng, trường học

Dù ở trường hay ở nhà, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường, đồ chơi, đặc biệt bàn tay của trẻ và người chăm sóc. Ảnh: Nam Phương

Dù ở trường hay ở nhà, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường, đồ chơi, đặc biệt bàn tay của trẻ và người chăm sóc. Ảnh: Nam Phương

 Ngày 30/9, Bộ Y tế cho biết: trong tuần qua (tuần thứ 39 của năm 2011), cả nước ghi nhận 2.091 trường hợp mắc tay chân miệng tại 51 địa phương, trong đó có 2 trường hợp tử vong tại Kiên Giang và Cà Mau. Một số tỉnh có số người mắc tay chân miệng cao trong tuần là: Đồng Nai (267), TP. Hồ Chí Minh (235), Đồng Tháp (175), Hòa Bình (142), Quảng Ngãi (136), Bà Rịa - Vũng Tàu (134), Đắk Lắk (119), Sóc Trăng (105), Bến Tre (102) và Khánh Hòa (100). Tích lũy từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 61.805 trường hợp mắc tay chân miệng tại 61 địa phương, trong đó đã có 114 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Việt Nam: đến nay chưa xuất hiện ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ, nhưng dịch vẫn diễn biến phức tạp. Dịch tay chân miệng bắt đầu gia tăng từ tuần thứ 20 với 850 ca mắc/tuần, cao nhất là tuần thứ 27 (2.351 ca mắc), hiện tại vẫn đang duy trì ở mức cao với trên 2.000 ca mắc/tuần. Theo đó, các trường hợp mắc và tử vong do tay chân miệng tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam, chiếm 69,1% số mắc và 89,5% số tử vong của cả nước và dẫn đầu khu vực phía Nam là: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Vĩnh Long và Sóc Trăng. Tiếp đến các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất tại khu vực miền Trung là: Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Đà Nẵng. Hiện cả 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.367 trường hợp mắc, 1 tử vong. 26/28 tỉnh, thành phố; 220/300 quận, huyện và 1.544/5.044 xã, phường thuộc khu vực miền Bắc ghi nhận bệnh nhân mắc tay chân miệng tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hóa với 2.161 trường hợp mắc.

Cũng theo Tiến sĩ Dương, các trường hợp tử vong xảy ra chủ yếu ở trẻ nam (71,2%), dưới 3 tuổi (80,2%). Các tỉnh, thành phố có số người tử vong do bệnh tay chân miệng nhiều nhất tại khu vực phía Nam là: TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bạc Liêu, Tiền Giang; khu vực miền Trung là: Quảng Ngãi. Tính đến ngày 29/9/2011, tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur đã ghi nhận 1.332 mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh tay chân miệng, chiếm 75,3%, trong đó có 757 mẫu dương tính với EV71 (42,8%) và 575 mẫu dương tính với các EV khác (32,5%)

Các chuyên gia dịch tễ dự báo: dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số mắc, tử vong vì những nguyên nhân sau, thời điểm tháng tháng 9 - 11 là giai đoạn đỉnh dịch. Trong 12 tuần gần đây, số ca mắc bệnh tay chân miệng ghi nhận trên cả nước không tăng hơn tuần thứ 27, nhưng mức độ giảm rất chậm do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Bên cạnh đó, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tay chân miệng tại các địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế. Đồng thời tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch tay chân miệng và lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đặc biệt các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của tuýp vi rút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của vi rút. Các cơ sở y tế cùng ngành giáo dục triển khai kế hoạch hành động về phòng chống bệnh dịch tay chân miệng trong trường học năm học 2011-2012.

* Nhằm đáp ứng đủ thuốc phục vụ nhu cầu phòng, chống thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh tay, chân, miệng, Cục trưởng Cục Quản lý Dược Việt Nam Trương Quốc Cường đề nghị: Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm đóng trên địa bàn tỉnh có kế hoạch dự trữ, cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc cho nhu cầu điều trị, đặc biệt đảm bảo cơ số thuốc phục vụ bão lụt và hóa chất khử trùng, diệt khuẩn đối với các tỉnh có cơn bão đi qua và các thuốc trong phác đồ điều trị bệnh tay, chân, miệng; không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, biến động tăng giá thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc chuẩn bị sẵn nguồn cung ứng thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh nhằm đảm bảo đủ thuốc đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng, chống thiên tai, dịch bệnh./.

TH tổng hợp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất