Thứ Năm, 3/10/2024
Giáo dục
Thứ Ba, 1/6/2010 22:5'(GMT+7)

Chuẩn bị chương trình đào tạo theo nhu cầu trong 5 năm tới

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu

Từ đầu năm 2007, đứng trước những thách thức về đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO),  Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương chuyển hướng đào tạo theo những ngành kinh tế xã hội đang có nhu cầu như công nghệ thông tin, tài chính-ngân hàng, du lịch, y –dược, đóng tàu, công nghệ cao…

Nhiều hoạt động về đào tạo theo nhu cầu xã hội đã được thực hiện trong hơn 3 năm qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các cơ sở đào tạo, các trường đại học phải thực hiện công khai chất lượng, hoạt động đào tạo và tài chính; công bố chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường.

Bộ Tài chính thực hiện dự báo nhu cầu nhân lực ngành tài chính và những lĩnh vực liên quan  cho các ngành Thuế, Kho bạc, hải quan, Dự trữ, Chứng khoán, Bảo hiểm, Kiểm toán, Thẩm định giá, Quản lý tài chính – kế toán. Ngoài ra, đã tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề cho 60.000 đại lý bảo hiểm, 600 học viên về dịch vụ kê khai các thủ tục về thuế…

Bộ Công Thương tạo điều kiện để các trường kết hợp giữa đào tạo với sản xuất, tăng thêm nguồn kinh phí đầu tư cho các trường gần 350 tỷ đồng; phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội triển khai xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho 23 nghề trong năm 2009.

Các cơ sở đào tạo du lịch tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng tay nghề, kỹ năng quản lý khách sạn nhà hàng… Đã có trên 10.000 học sinh, sinh viên được thực tập trong các doanh nghiệp du lịch.

Chuẩn bị chương trình đào tạo trong 5 năm tới

Theo báo cáo chưa đầy đủ, số tiền mà các doanh nghiệp hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, dạy nghề trong 3 năm qua lên đến trên 12 triệu USD.  Ví dụ, Tập đoàn Hồng Hải (Đài Loan) tài trợ gần 5,5 triệu USD cho Đại học công nghiệp Hà Nội xây dựng một Trung tâm đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp và tài trợ học bổng cho một vài cơ sở đào tạo khác. Temasek Singapore tài trợ 1,2 triệu USD cho 4 trường chuyên nghiệp của thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt gần đây Công ty Intel Việt Nam đầu tư 1,5 triệu USD gửi sinh viên và giảng viên đi đào tạo trong những ngành kỹ thuật. Ngoài ra còn nhiều tài trợ từ doanh nghiệp trong và ngoài nước cho các cơ sở đào tạo có trị giá từ hàng chục nghìn USD đến hàng trăm nghìn USD.

Từ đây hình thành mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 3 bên, nhà trường - doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Cơ quan nhà nước quản lý về đào tạo đã xây dựng chính sách, cơ chế đào tạo nhân lực, ban hành tiêu chuẩn, định mức, tháo gỡ vướng mắc, khuyến khích sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chuyển mạnh đào tạo theo hợp đồng gắn với địa chỉ sử dụng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, năm 2010 các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu. Trong đó chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; ngành công nghiệp hỗ trợ, nhân lực cho khu công nghệ cao,  năng lượng hạt nhân…

Tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá việc triển khai đào tạo theo nhu cầu trong 3 năm qua đem lại hiệu quả thiết thực, do vậy cần có Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả đào tạo này và  chuẩn bị chương trình kế hoạch đào tạo theo nhu cầu trong 5 năm tới./.

(Theo: chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất