Quan tâm và tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta kể từ ngày lập nước đến nay. Tính đến tháng 8-2019, Nhà nước ta đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 200.000 chức sắc, chức việc, hơn 26 triệu tín đồ, chiếm 1/3 dân số cả nước.
Những năm qua, chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tổ chức tôn giáo
trên toàn quốc đã cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
đoàn kết tôn giáo, nêu cao tinh thần yêu nước, bằng tinh thần phục vụ
các tôn giáo có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực của xã hội, tích cực
tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng đoàn thể và tổ chức nhiều hoạt
động từ thiện, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục và phát huy giá trị văn
hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong đời sống xã hội.
Chức sắc,
chức việc trong các tổ chức tôn giáo đã thể hiện vai trò quan trọng
trong kết nối, vận động tín đồ chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng,
Nhà nước, hoạt động tôn giáo đúng theo đúng hiến pháp, pháp luật và
tinh thần “tốt đời đẹp đạo” và sống phúc âm trong lòng dân tộc, không
ngừng nêu cao cảnh giác trước âm mưu, luận điệu xuyên tạc của thế lực
thù địch, góp phần bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một số vấn đề nhạy cảm trong
đời sống, xã hội, một số đối tượng đã lan truyền những thông tin tiêu
cực, mang màu sắc mê tín dị đoan, trái với tín ngưỡng truyền thống.
Một
số chức sắc tôn giáo cực đoan đã tuyên truyền đạo trái phép, tập hợp tín
đồ, xuyên tạc, kích động, gây phức tạp về an ninh trật tự ở một số địa
phương.
Các hoạt động này nhằm vào chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,
đoàn kết tôn giáo, làm giảm niềm tin của nhân dân với cấp ủy đảng, chính
quyền, ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng và phát
triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Chính vì vậy, việc bổ sung thông tin,
nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các chức sắc, chức việc tôn
giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất quan trọng và cần
thiết.
Thực tế cho thấy, chức sắc, chức việc là người đứng đầu, có uy tín
trong đồng bào có đạo, nên cả việc “đạo”, việc “đời” của họ đều ảnh
hưởng trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm và hành động đối với đồng bào có
đạo. Vì vậy việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (KTQPAN) cho
các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đứng đầu các tổ chức tôn
giáo, nhằm tạo sự lan tỏa, giúp đồng bào có đạo hiểu rõ hơn quyền và
nghĩa vụ công dân, nắm và vận dụng vào thực tế, nhất là thực hiện các
quy định về lễ hội, xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự, tham gia bảo vệ các
công trình quốc phòng, thực hiện nghĩa vụ quân sự, đấu tranh ngăn chặn,
đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Đây cũng là yếu tố để góp phần giữ vững ổn
định chính trị ở cơ sở, xây dựng đoàn kết tôn giáo, tăng cường sức mạnh
khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Từ thực tiễn trên, cấp ủy, chính quyền mỗi địa phương phải luôn nắm
chắc tình hình, đặc điểm tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, phối hợp
chặt chẽ các cơ quan chức năng thường xuyên trao đổi với các chức sắc,
chức việc, nhà tu hành và người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, đồng thời
chỉ đạo hội đồng giáo dục QPAN các cấp, tổ chức các lớp bồi dưỡng
KTQPAN cho các chức sắc bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, mỗi
chức sắc, chức việc các tôn giáo cũng cần nhận thức rõ tham gia lớp bồi
dưỡng KTQPAN là nghĩa vụ và trách nhiệm của người đứng đầu một bộ phận
tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Lê Duy Hồng (qdnd.vn)