Tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có sai phạm ở các địa phương khá phổ biến sau mỗi lần rà soát của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ở cấp huyện, cấp xã hiện nay. Những sai phạm thường bị “điểm mặt” là ban hành trái thẩm quyền, sai về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật văn bản không đúng...
Trong lần trao đổi công việc với chúng tôi, lãnh đạo một huyện tâm sự: Địa phương cũng có cái khó trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Rõ nhận thấy nhất là năng lực cán bộ tư pháp còn những hạn chế trong công tác tham mưu, thực thi công vụ.
Một số nội dung luật không giao, nhưng để đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà
nước ở địa phương phát sinh từ thực tế, đòi hỏi huyện, xã phải ban hành
các VBQPPL để điều chỉnh. Tuy nhiên, những hướng dẫn pháp lý trong ban
hành VBQPPL hiện nay còn vướng mắc. Đơn cử như những vi phạm về quản lý
đất đai tại địa phương nhưng huyện chưa ban hành được VBQPPL vì không rõ
huyện có được ban hành hay không, hay chỉ thực hiện theo các quy định
của Luật Đất đai hoặc văn bản của tỉnh.
Tình trạng ban hành VBQPPL có sai phạm ở các địa phương khá phổ biến
sau mỗi lần rà soát của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là ở cấp huyện
(quận, thành phố, thị xã), cấp xã (phường, thị trấn) hiện nay. Những sai
phạm thường bị “điểm mặt” là ban hành trái thẩm quyền, sai về căn cứ
pháp lý, thể thức, kỹ thuật văn bản không đúng...
Căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương ban hành VBQPPL là Luật Ban
hành VBQPPL. Với những yếu tố tích cực là chủ đạo thì luật cũng đã bộc
lộ những bất cập cần điều chỉnh. Đơn cử như khái niệm “được luật giao”
sẽ hiểu như thế nào? Tại Điều 30 Luật Ban hành VBQPPL quy định: “Hội
đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Ủy ban nhân dân cấp
huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được luật
giao”, đã khiến nhiều địa phương lúng túng. Trên thực tế, nhiều nội dung
luật không giao hoặc chưa giao cho chính quyền cấp huyện, xã, nhưng từ
thực tiễn hoạt động trên địa bàn thì địa phương cần thiết phải ban hành
các VBQPPL về nội dung này. Nếu ban hành VBQPPL thì trái với quy định
của pháp luật do chưa được luật giao. Tuy vậy, để tăng tính chủ động
trong điều kiện đặc thù của từng địa phương, nhiều ý kiến kiến nghị, nên
nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL theo hướng sửa đổi thẩm quyền
ban hành VBQPPL cho chính quyền cấp huyện, xã theo hướng mở hơn. Tất
nhiên, quy định pháp luật thì phải có chế tài rất chặt chẽ, bởi nếu
không sẽ nảy sinh chuyện lạm quyền, ban hành văn bản tràn lan thì không
khác gì tình trạng “hàng loạt giấy phép con” từng khiến dư luận bức xúc.
Một vấn đề cũng được nhiều ý kiến đề cập, đó là, tại Điều 2 Luật Ban
hành VBQPPL quy định: “Văn bản có chứa QPPL nhưng được ban hành không
đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong luật này
thì không phải là VBQPPL”. Tuy nhiên, hiện ở cấp huyện, xã, các VBQPPL
do HĐND và UBND ban hành nhưng không tuân thủ đúng trình tự, thủ tục
theo quy định, nếu không phải là VBQPPL thì sẽ được xem là văn bản hành
chính thông thường hay là loại văn bản gì? Vấn đề này rất quan trọng khi
thực hiện, bởi hiệu lực từng loại văn bản là rất khác nhau. Tình trạng
này xảy ra không ít ở các địa phương.
Như vậy, có hai vấn đề cần được quan tâm để việc ban hành VBQPPL có
chất lượng tốt. Một là, hệ thống các văn bản hướng dẫn việc ban hành
VBQPPL phải cụ thể, rõ ràng hơn, không gây ra nhiều cách hiểu. Hai là,
phải xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, ban hành VBQPPL
ở cơ sở có đủ trình độ năng lực, theo hướng chuyên nghiệp để sát với
thực tế.
Một VBQPPL khi đã ban hành nếu có sai sót thì ở bất kỳ góc độ nào đều
có ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến đời sống xã hội và quá trình thực
thi pháp luật. Dễ nhận thấy nhất là sự tốn kém về công sức, thời gian,
chi phí cho việc khắc phục, đặc biệt gây mất niềm tin của nhân dân. Bởi
vậy, gỡ khó để nâng cao chất lượng ban hành VBQPPL là rất cần thiết hiện
nay./.
Nguyễn Tuấn (nhandan.com.vn)