Không còn bàn cãi gì thêm nữa, việc học Bác muốn hiệu quả phải xuất phát từ chính sự nêu gương của cán bộ. Người giữ vị trí công tác càng cao, càng phải thực sự nêu gương, bởi lẽ "một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền" như Bác Hồ từng răn dạy.
Kết quả thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, khóa XII về đẩy mạnh học
tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong 3 năm qua
một lần nữa minh chứng cho chân lý đó. Hội nghị sơ kết thực hiện chỉ
thị này diễn ra hôm qua (20/8) đã dẫn ra hàng loạt “con số biết nói” và
tôn vinh, ghi nhận không ít cán bộ chủ chốt, chủ trì. Đây là những cán
bộ thật sự nêu gương trong cuộc sống, công tác, không ngừng tu dưỡng,
rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức tận tụy với
công việc, được quần chúng tin yêu, mến phục.
Ba năm qua, nhờ có chủ trương, quy định đúng đắn, kịp thời về trách
nhiệm nêu gương của Trung ương và từng cấp nên ý thức trách nhiệm của
cán bộ, đảng viên được nâng lên rõ rệt. Cũng nhờ đó, nhiều cán bộ hư
hỏng bị thanh lọc; không ít cán bộ yếu kém bị phê bình, kỷ luật; các
biểu hiện nhũng nhiễu, trịch thượng với dân giảm dần...
Tuy nhiên, công
bằng mà nói, kết quả thu được trong thực hành nêu gương của cán bộ còn
không ít hạn chế; chưa thật sự đáp ứng mong mỏi của quần chúng nhân dân.
Vẫn còn đó những “con sâu làm rầu nồi canh”, thiếu gương mẫu trong rèn
luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống... gây dư luận xấu trong cán
bộ, đảng viên và nhân dân.
Nêu gương tất yếu phải có kế hoạch của từng người, từng tổ chức; phải
chịu sự theo dõi, giám sát của cơ quan chức năng và quần chúng nhân dân;
kết quả nêu gương về đạo đức phải là tiêu chí quan trọng hàng đầu trong
bộ tiêu chí đánh giá cán bộ... đó là những giải pháp được các đại biểu
thẳng thắn hiến kế tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05. Cùng
với đó, nhiều ý kiến nhắc lại khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước
Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XII, khi kết luận việc
ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên...
rằng: "Nếu gần 200 Ủy viên Trung ương khóa XII, từng đồng chí thật sự
soi vào bản thân, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực
hiện thì sẽ có sức lan tỏa rất lớn, sẽ tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ
trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội".
Để tiếp tục học tập
và làm theo gương Bác đạt hiệu quả, các giải pháp lãnh đạo để cán bộ
thực hành nêu gương cần được triển khai quyết liệt, toàn diện hơn nữa.
Nêu gương phải được vận hành từ Trung ương về cơ sở, từ trên xuống dưới,
từ trong ra ngoài. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương cần nhất
quán: Nêu gương của cán bộ là cách quan trọng nhất nhằm tạo sức lan tỏa
mạnh mẽ trong rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng, giữ vững, phát huy
hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam mới trong điều kiện xã hội hiện
nay. Đó cũng là phương thức vận động, thuyết phục quần chúng hiệu quả
nhất, được các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ ra cách đây
hàng trăm năm trước.
Quả đúng vậy, gần 200 con người ấy là những cán bộ thuộc hàng cấp cao
nhất của Đảng, Nhà nước, là người đứng đầu, lãnh đạo của các ban, bộ,
ngành, đoàn thể Trung ương, địa phương, đơn vị. Nếu từng người thật sự
trong sáng, mẫn cán, nhiệt huyết vì nước, vì dân, thì chắc chắn ngành
đó, lĩnh vực đó, địa phương, đơn vị mà cán bộ đó phụ trách sẽ có “ánh
sáng soi đường”, tạo ra môi trường lành mạnh, điều kiện thuận lợi nhất
để mọi tập thể, cá nhân thuộc quyền hòa vào dòng chảy sôi động, thi đua
học tập, làm theo gương sáng Bác Hồ. Hơn thế, một khi người đứng đầu nêu
gương, chấp hành nghiêm kỷ luật, duy trì chặt chẽ kỷ cương phép nước
thì cũng chính là cách họ viết nên “chiếu chỉ” để “ba quân tướng sĩ”
đồng lòng tuân mệnh Đảng, phụng sự nhân dân.
Nêu gương không chỉ là tự gột rửa, tự làm mới bản thân, mà với trách
nhiệm của người đứng đầu, cán bộ cấp cao phải tương hỗ, giúp đỡ đồng
chí, đồng đội cùng thực hành đạo đức cách mạng, phải gương mẫu nêu cao
tự phê bình và phê bình. Hơn thế, người chủ trì, cán bộ đứng đầu phải
thật sự trăn trở, sáng tạo tìm ra giải pháp cụ thể hóa chủ trương của
trên bằng kế hoạch tổng thể; kịp thời định hướng, quyết liệt triển khai
các phong trào, hoạt động, xây dựng mô hình, điển hình để nhân rộng ra
toàn xã hội./.
Nguyễn Tấn Tuân (qdnd.vn)