Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 15/1/2011 21:42'(GMT+7)

Chung quanh việc lựa chọn Quốc hoa Việt Nam:Hoa sen hồng là “ứng cử viên” số một

 

Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, hoa sen hồng hiện đang là “ứng cử viên” số một cho “ngôi vị” Quốc hoa Việt Nam.

Bỏ phiếu cho sen hồng

Bà Nguyễn Thị Hoa (Phó Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến người dân về Quốc hoa sẽ được thực hiện thông qua Website và các phiếu bầu chọn trực tiếp. Đây là một họat động rất quan trọng để tiến tới việc lựa chọn và công bố chính thức cho danh hiệu Quốc hoa một cách khách quan, khoa học, tránh áp đặt và khiên cưỡng.

Đặc biệt, việc trưng cầu ý kiến lần này sẽ “nhắm” trực diện vào đối tượng hoa sen hồng - một loài hoa mang ý nghĩa là biểu tượng của văn hóa và phẩm chất con người Việt Nam từ xa xưa. Sen hồng cũng chính là “ứng viên” có số phiếu bầu chọn cao nhất cho “ngôi vị” Quốc hoa của Việt Nam tính đến thời điểm này.

Góp phần tạo cảm hứng để công chúng tiếp cận và trực tiếp bỏ phiếu bình chọn, BTC Lễ hội cho biết, một cuộc triển lãm rất đặc biệt về hoa sen sẽ được tổ chức tại đây. Sen sẽ được ngắm, nhìn và cảm nhận ở nhiều góc độ, với nhiều dáng vẻ nhưng trên tất cả, loài hoa này sẽ được khắc họa với những “tính cách” nổi bật nhất: thanh khiết, tao nhã, giản đơn và vô cùng quyến rũ.

Theo đó, những nội dung chủ đạo về sen tại triển lãm này sẽ là: Hoa sen trong tâm linh văn hóa; Hoa sen trong mỹ thuật truyền thống người Việt qua các thời Lý, Trần, Lê...; Hoa sen dưới góc nhìn của các họa sĩ đương đại; Hoa sen qua ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh; Hoa sen với hình tượng Bác Hồ; Hoa sen qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân, thợ thủ công; tạo dựng hồ sen, đầm sen, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt từ hoa sen; Sen trong văn hóa ẩm thực...

Hứa hẹn nhiều điều thú vị hơn nữa về sen, đêm giao lưu nghệ thuật với chủ đề Hồn sen Việt vào ngày 29-1 (tức 26 tháng Chạp) sẽ thêm một lần nữa tôn vinh vẻ đẹp và ý nghĩa của loài hoa này. Song song với các màn hát, múa nghệ thuật về “nhân vật” chính là hoa sen, ngay trong đêm hội, công chúng còn có cơ hội tham gia chương trình giao lưu đặc biệt cùng nhiều vị khách mời là các nhà chuyên cứu văn hóa, các chuyên gia, họa sĩ... nổi tiếng. Tất cả sẽ cùng luận bàn, thưởng ngoạn về vẻ đẹp và giá trị của hoa sen với chủ đề Hoa Sen-Hồn Việt.

Là người tham gia từ đầu Đề án về lựa chọn Quốc hoa Việt Nam, họa sĩ Vi Kiến Thành khẳng định, việc trưng cầu rộng rãi ý kiến nhân dân về Quốc hoa nhân dịp lễ hội hoa xuân và đồ uống Tết năm nay là một việc làm rất cần thiết. Theo ông, hoa sen hồng, “nhân vật” được đưa ra để lấy ý kiến trực diện của công chúng là một loài hoa tiêu biểu về mọi góc độ của Việt Nam. Vượt trên nhiều “ứng viên” khác, hoa sen hồng đáp ứng được khá toàn vẹn bộ tiêu chí về lựa chọn Quốc hoa Việt Nam mà Ban soạn thảo đề án đã đưa ra. Đặc biệt, sen hồng từ lâu đã đi vào tâm thức của hàng triệu người dân Việt Nam như một biểu tượng của bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần dân tộc, ý chí và nguyện vọng của người Việt Nam qua nhiều thế hệ.

Có Quốc hoa sẽ “khoe” khắp năm châu

Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng cho biết, bản thân ông rất yêu sen hồng, một loài hoa đẹp và có giá trị ở nhiều góc độ. Không chỉ đã tồn tại từ lâu đời ở Việt Nam mà loài hoa này còn có giá trị thẩm mỹ cao, màu sắc đẹp, hương thơm dịu nhẹ và đặc biệt, rất giàu yếu tố biểu cảm và tạo hình. Hơn thế, hoa sen hồng còn được xem như một biểu trưng của nhân cách Việt Nam, luôn bền bỉ vươn lên trong muôn vàn khó khăn gian khổ. “Đây cũng là một loài hoa vô cùng lãng mạn, từng đi vào thơ ca, nhạc họa, truyền thuyết, lễ hội và các công trình kiến trúc, hội họa và điêu khắc tiêu biểu của Việt Nam từ ngàn xưa cho đến hôm nay...”- họa sĩ Trần Khánh Chương nói.

Cũng “ủng hộ” hoa sen, theo ông Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, dẫu chưa được chính thức tôn vinh là Quốc hoa, nhưng hoa sen từ lâu đã được ngầm hiểu là một loài hoa tiêu biểu của Việt Nam. Hoa sen cũng là loài hoa luôn gắn với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh nên cũng mang ý nghĩa tôn vinh vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam. Ông Phạm Sanh Châu khẳng định, Việt Nam rất cần Quốc hoa như một biểu tượng để quảng bá nền văn hóa giàu bản sắc với thế giới. “Chúng ta không thể cứ mãi giới thiệu bản thân với bạn bè quốc tế chỉ với Vịnh Hạ Long, nem, phở… Quốc hoa chính là một biểu tượng văn hóa cần có để Việt Nam “khoe” nhiều hơn về nền văn hóa giàu bản sắc của mình khắp năm châu bốn biển”- ông Phạm Sanh Châu nhấn mạnh.

Cũng đồng quan điểm này, TS. Phạm Thanh Hải (Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Việt Nam) nhấn mạnh thêm, Quốc hoa khi được chính thức lựa chọn và tôn vinh sẽ là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam với bè bạn năm châu, là kênh giao tiếp ý nghĩa và hiệu quả về hình ảnh quốc gia trên thế giới. Cùng với hệ thống các biểu tượng đã tồn tại lâu đời của Việt Nam như cây tre, áo dài, chùa Một Cột, Vịnh Hạ Long..., Quốc hoa sẽ là một thành tố quan trọng góp phần tạo thành tổng thể thống nhất để khẳng định diện mạo, hình ảnh và “thương hiệu” văn hóa Việt Nam./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất