Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Sáu, 14/1/2011 22:18'(GMT+7)

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội ở Bảo Thắng

Lễ hội cầu mùa của người Dao Tuyển ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Lễ hội cầu mùa của người Dao Tuyển ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai).

Quán triệt Kết luận số 51 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 58 của Tỉnh uỷ Lào Cai; sau một năm triển khai thực hiện đồng bộ, sát thực gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Để triển khai thực hiện tốt các nội dung theo các văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Đảng bộ huyện đã ban hành kế hoạch số 84 ngày 20/9/2009. Sau hội nghị triển khai ở huyện, các chi, đảng bộ đã tổ chức được 65 hội nghị nghiên cứu, quán triệt tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các ngành, các cấp, cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện. Dưới sự chỉ đạo của Huyện uỷ, 100% các cơ quan, đơn vị đều xây dựng chương được trình hành động, kế hoạch thực hiện phù hợp với hình hình thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương.

Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo "Cải tạo phong tục tập quán lạc hậu trong đồng bào các dân tộc huyện Bảo Thắng", chỉ đạo điểm trong đồng bào dân tộc Dao về việc cải tạo các phong tục tập quán lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các đảng bộ xã Phú Nhuận, Phong Hải, Thị trấn Phố Lu được huyện chọn làm điểm trên diện rộng; đảng ủy các xã, thị trấn còn lại chọn từ 2 đến 3 chi bộ trực thuộc để tiến hành điểm, từ đó rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện; phát hiện và nhân rộng những mô hình tổ chức cưới, tang, lễ hội văn minh, lành mạnh, tiết kiệm.

Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài TT-TH huyện mở chuyên trang, chuyên mục giới thiệu những mô hình mới, nhân tố mới), Trung tâm văn hoá huyện đã tích cực tổ chức công tác thông tin lưu động, cổ động, kẻ vẽ pa nô, áp phích, khẩu hiệu, băng zôn và chiếu phim phục vụ đông đảo nhân dân tại các phiên chợ, các khu đông dân cư và thôn bản vùng cao, vùng sâu về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Qua đó đã kịp thời giới thiệu gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Từ những việc làm thiết thực trên, sau một năm tổ chức thực hiện đã có tác động mạnh mẽ làm chuyển biến tư tưởng nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện trong“thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”. Cán bộ, đảng viên luôn tiên phong thực hiện và vận động gia đình, nhân dân nơi cư trú cùng thực hiện, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phát huy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm công dân. Các tệ nạn xã hội, các phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ từng bước bị loại bỏ, bản sắc văn hoá dân tộc được giữ gìn, phát huy, bước đầu hình thành những nét văn hoá mới, văn minh, phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” có chất lượng cao hơn, đời sống mọi mặt của nhân dân các dân tộc trong huyện được nâng lên rõ rệt được thể hiện toàn diện trên các lĩnh vực.

Về xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm trong việc cưới: Việc thực hiện nếp sống văn hóa, xu hướng đơn giản hoá các thủ tục, nghi lễ trong việc tổ chức lễ cưới đã được thực hiện tốt hơn; cán bộ, đảng viên, công chức đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Việc tổ chức cưới hỏi trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng cao đã có chuyển biến tích cực, không còn thách cưới cao bằng bạc trắng, rượu, thịt, trâu, bò, chỉ giữ lại những nét đẹp của bản sắc văn hóa dân tộc mình... Đa số đám cưới được tổ chức đơn giản, tiết kiệm, vui vẻ, phù hợp với điều kiện của gia đình, địa phương. Các nghi lễ, hủ tục rườm rà trước đây được loại bỏ; không còn tình trạng cướp vợ, tục tảo hôn về cơ bản không còn diễn ra.

Về xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, cải tạo hủ tục trong việc tang: Sau khi được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, các gia đình có người chết đã kịp thời đến chính quyền khai tử, không để người chết lâu trong nhà, thường sau 24 - 36 giờ được đưa đi mai táng. Nghi thức tổ chức tang lễ đều do chính quyền, đoàn thể đứng ra tổ chức, lo liệu. Phần lớn các đám tang không còn tổ chức ăn uống tốn kém, chủ yếu là anh em, con cháu trong gia đình ăn uống đơn giản, gọn nhẹ. Không còn tình trạng mổ nhiều trâu, bò, lợn...để làm ma và tổ chức ăn uống linh đình. Hiện tượng lợi dụng tang lễ để thu lời, uống rượu say và tụ tập đánh bạc đã bị đẩy lùi. Hoạt động của đội nhạc hiếu đảm bảo đúng quy định (không mở nhạc hiếu trước 5 giờ sáng và sau 23 giờ đêm).

Việc cúng, làm ma cho người chết theo phong tục trong các gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cũng được giản tiện, lược bớt các hủ tục cũ không còn phù hợp. Không còn tình trạng mời thầy mo, thầy cúng về cúng tế kéo dài “yểm bùa, trừ tà, bắt ma” hoặc làm các nghi lễ có tính chất mê tín gây lãng phí tiền của và thời gian cho gia đình và xã hội.

Về khai thác phát huy, tổ chức và quản lý lễ hội: Ngoài việc tổ chức kỉ niệm một số lễ hội cách mạng của đất nước và địa phương theo hình thức trọng thể, trang nghiêm với phương châm “Thiết thực, hiệu quả, có ý nghĩa giáo dục cao” (như Ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2), Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngày thành lập Đảng bộ huyện, ngày giải phóng Phố Lu...), đến nay bước đầu đã phục dựng lại một số lễ hội dân gian truyền thống mang đậm nét văn hoá của một số dân tộc thiểu số (Lễ hội “Xuống đồng” của người Tày, Nùng; Lễ hội “Tiếng hát qua làng” của người Dao...). Một số lễ hội vừa mang tính tâm linh, vừa có ý nghĩa cộng đồng cao (Lễ hội “Gầu Tào”, “Nào Lồng” của đồng bào dân tộc Mông…) được chọn lọc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tích cực, giàu bản sắc.

Cùng với việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội gắn với triển khai cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình, nhân tố mới như. Tiêu biểu như mô hình Cộng đồng chung sức xây dựng thôn, bản văn hoá, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc ở các thôn Phú Hà, Phú Hải (xã Phú Nhuận), thôn Nậm Trà (xã Gia Phú), thôn Làng Ẻn (xã Trì Quang), thôn Làng Chành (xã Xuân Giao), thôn Làng Sủm (xã Bản Phiệt), thôn Khe Bá (xã Phú Nhuận)…; Mô hình Cộng đồng dân cư đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, không có người theo đạo trái pháp luật ở các thôn Tân Hồ (xã Phong Niên), thôn Đo Trong (xã Thái Niên); Mô hình Phát huy sức mạnh cộng đồng, đẩy mạnh phát triển kinh tế -xã hội ở Khu phố 4 (Thị trấn Phố Lu), thôn Làng Bạc (xã Xuân Quang), Thôn Tân Phong (xã Phong Niên).v.v...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trên địa bàn huyện cũng còn những hạn chế như: Một số cấp uỷ, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm, công tác lãnh đạo, quản lý các hoạt động văn hóa còn thiếu sâu sát, cụ thể. Hoạt động của một số ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể ở cơ sở chưa thực sự tích cực, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng. Một số cán bộ ở thôn, bản là người dân tộc thiểu số nhận thức còn hạn chế nên việc thực hiện, tuyên truyền vận động hiệu quả chưa cao. Vẫn còn một số ít phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ chưa thể loại bỏ được ngay trong đời sống tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số.

Để việc thực hiện Kết luận số 51 của Bộ Chính trị sâu rộng có tính bền vững trên địa bàn trong thời gian tới, huyện Bảo Thắng đề ra một số nhiệm vụ trong tâm:

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nhiệm vụ của việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội” để các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nhận thức và tự giác thực hiện.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện Kết luận số 51 của Bộ Chính trị. Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từ huyện đến cơ sở hằng năm tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể để chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở hoạt động; căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh quy ước, hương ước của thôn bản cho phù hợp trước những yêu cầu mới của xã hội.

Ba là, tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, đơn vị, cá nhân có những đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền vận động, đạt thành tích xuất sắc trong việc “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương./.

Ngô Hữu Tường
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lào Cai

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất