Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Bảy, 15/1/2011 18:35'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết TW 5 (khoá VIII) về văn hóa

Lễ hội kết nghĩa giữa làng này với làng khác (A riêu car) của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Lễ hội kết nghĩa giữa làng này với làng khác (A riêu car) của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới (Thừa Thiên-Huế).

Ngày 17/6/1998, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) “về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết là chiến lược phát triển văn hoá của Đảng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Qua trên 10 năm thực hiện đã chứng tỏ Nghị quyết được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và được các cấp uỷ, chính quyền tích cực triển khai, là nghị quyết đi nhanh và có sức lan toả sâu rộng trong cuộc sống. Do vậy, cần đánh giá nghiêm túc việc thực hiện các nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết.

I - Đánh giá việc thực hiện 4 nhóm giải pháp nêu trong Nghị quyết

1 - Về tổ chức, thực hiện cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá

Đây là giải pháp đầu tiên mang tính đột phá và có ý nghĩa xã hội sâu sắc, thể hiện rõ quan điểm của Đảng: văn hoá là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 20/4/2000 đã diễn ra lễ phát động phong trào tại tỉnh Quảng Nam và chỉ trong năm đó, Ban Chỉ đạo cuộc vận động Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã hình thành ở 4 cấp: Trung ương, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, quận/huyện, xã/phường. Ban Chỉ đạo các cấp ra đời đóng vai trò quan trọng tập hợp các phong trào văn hoá trên địa bàn dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vào một Ban chỉ đạo chung để thống nhất hành động.

Sau 10 năm triển khai phong trào, Ban chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo Ban chỉ đạo các cấp tổ chức tổng kết 5 năm (giai đoạn 2000-2005), 10 năm (giai đoạn 2000-2010) phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"; tiến hành bình xét và tổ chức Hội nghị biểu dương các gia đình văn hoá tiêu biểu, trong đó có hội nghị toàn quốc tuyên dương Gia đình văn hoá tiêu biểu, xuất sắc lần thứ Nhất tại Hà Nội (2007), 910 đại biểu dự .

Các phong trào văn hoá khởi đầu ở các địa bàn dân cư đã được nhân rộng sang lĩnh vực cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, với các danh hiệu cơ quan văn hoá, đơn vị văn hoá, trường học có đời sống văn hoá tốt... Nhiều địa phương chủ động sáng tạo đưa các nội dung xây dựng đời sống văn hoá vào các đối tượng, như: xây dựng dòng họ văn hoá ở Quảng Nam, tuyến phố văn minh (Hà Nội), chùa văn hoá (Sóc Trăng), chợ văn hoá (Quảng Trị, Lâm Đồng)... Hình thành một số tập quán tốt đẹp tương thân, tương ái ở các địa phương, như Ngày hội đại đoàn kết dân tộc hàng năm ở khu dân cư nhân kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11); Ngày vì người nghèo; hội nghị biểu dương người tốt việc tốt hàng năm nhân ngày giải phóng Thủ đô (10/10) ở Hà Nội; phong trào Trường học thân thiên, học sinh tích cực trong các trường học. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã lôi cuốn các tầng lớp xã hội tham gia, huy động mọi nguồn lực xã hội chăm lo, xây dựng đời sống văn hoá, qua đó đẩy mạnh các hoạt động xã hội hoá, giúp các gia đình chính sách neo đơn, khó khăn; chăm sóc, bảo tồn và phát huy di tích lịch sử văn hoá cách mạng và các di sản văn hoá phi vật thể ở địa phương.

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã gắn kết với nhiệm vụ phát triển kinh tế và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương và các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp. Các chủ trương lớn của Đảng như Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và các phong trào do các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương phát động, như: phong trào phòng, chống tội phạm xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình; kế hoạch hoá gia đình; xây dựng nhà văn hoá thôn, bản... được lồng ghép vào nội dung, chương trình công tác, kế hoạch hành động của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Phong trào đã góp phần hình thành nhiều điển hình văn hoá chứng tỏ “sức mạnh mềm” của văn hoá đối với phát triển kinh tế-xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, nâng cao chất lượng sống của con người. Đó là điển hình huyện Hải Hậu - anh hùng về thành tích văn hoá; thị xã Bà Rịa - Vũng Tàu đạt danh hiệu chuẩn thị xã văn hoá; thị xã Hội An - điển hình về mô hình bảo tồn, phát huy di sản văn hoá nhân loại gắn với phát triển du lịch...

Sau 10 năm tổ chức thực hiện, các phong trào chính trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã có sức lan toả và phát triển rộng trên toàn quốc đạt được kết quả đáng khích lệ. Theo báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đến tháng 6/2010, cả nước 13.523.995/22.680.000 gia đình đạt chuẩn văn hoá (60%); có 38.443/88.603 làng/thôn/ ấp/bản đạt chuẩn văn hoá (43,3%); 70.000/90.000 khu dân cư được đánh giá là thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (78%); 51.670/90.000 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư tiên tiến (57 %); 4500/10.998 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội (đạt tỷ lệ 41%).

Tuy đạt được những kết quả lớn như trên, nhưng nghiêm túc đánh giá phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống vǎn hoá vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần được khắc phục. Phong trào phát triển chưa đồng đều ở các vùng miền; kết quả đạt được ở một số nơi chưa vững chắc; chất lượng các danh hiệu văn hoá một số nơi còn thấp, chưa tương xứng với số lượng, nên thiếu sức thuyết phục; có biểu hiện chạy theo thành tích trong bình xét gia đình văn hoá, làng, bản, ấp văn hoá, khu dân cư tiên tiến; việc trao danh hiệu văn hoá còn hình thức; phong trào xây dựng đời sống văn hoá trong công nhân lao động, nhất là ở các liên doanh, khu chế xuất chuyển biến chậm, gặp nhiều khó khăn. Ban chỉ đạo phong trào ở một số hoạt động yếu kém, còn nặng hành chính, hội họp.

2 - Về xây dựng, ban hành luật pháp và các chính sách văn hoá

Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm và nội dung chủ yếu nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá. Ngay sau khi Nghị quyết Trung ương 5 ban hành, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết (1998), trong đó có các đề án xây dựng luật pháp, chính sách. Đối chiếu với các đầu việc nêu trong Chương trình hành động thì đến nay cơ bản đã hoàn thành: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (1999); Luật Di sản văn hoá (2001) và sửa đổi, bổ sung năm 2009; Luật Xuất bản sửa đổi, bổ sung (2004 - 2008); Luật Sở hữu trí tuệ (2005) và sửa đổi, bổ sung năm 2009; Luật Điện ảnh (2006) và sửa đổi, bổ sung năm 2009; Pháp lệnh Thư viện (2000); Pháp luật Quảng cáo (2001) và đang xây dựng Luật Quảng cáo.

Ngoài các luật trên, Quốc hội còn thông qua thêm 3 luật: Luật Thi đua - khen thưởng (2003) và sửa đổi, bổ sung năm 2005; Luật Du lịch (2005) Luật phòng, chống bạo lực gia đình (2007).

Nhìn chung, nội dung của các luật, pháp lệnh ban hành đã phản ánh sát tình hình hoạt động thực tiễn của đời sống văn hoá nước ta và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các điều khoản cho phù hợp với các công ước, hiệp định quốc tế nước ta ký kết, nhất là khi nước ta là thành viên của tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Các bộ luật và pháp lệnh sau khi ban hành và có hiệu lực thực hiện đã tạo cơ sở pháp lý, có tác dụng điều chỉnh, mở ra cơ hội phát triển và lập lại trật tự ở các lĩnh vực văn hoá mà pháp luật đề cập, tạo điều kiện để văn hoá nước ta từng bước hội nhập quốc tế.

Bám sát vào các định hướng xây dựng chính sách nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá (chính sách kinh tế trong văn hoá; chính sách văn hoá trong kinh tế; chính sách xã hội hoá các hoạt động văn hoá; chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hoá dân tộc; chính sách khuyến khích sáng tạo trong các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật; chính sách ưu đãi trong tham gia và hưởng thụ văn hoá đối với một số đối tượng xã hội; chính sách hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hoá…), hơn 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định, nghị quyết, quyết định về các lĩnh vực văn hoá, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động văn hoá ở nước ta. Các nghị định, nghị quyết đáng chú ý như sau: Nghị định số 73/1999/NĐ-CP và Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP của Chính phủ về xã hội hoá các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể thao; Nghị định số 43/2006/NĐ-CP Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 45/2010/NĐ-CP Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, trong đó xếp các hội văn học nghệ thuật thuộc nhóm hội có tính đặc thù.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020, phê duyệt nhiều quy hoạch phát triển văn hoá, nghệ thuật (Quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020; Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hoá thông tin cơ sở đến 2010; Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn Việt Nam đến năm 2020…) và các đề án, chương trình, kế hoạch, như: Đề án bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số; Đề án phát triển văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020… Các cơ quan quản lý nhà nước đã chỉ đạo xây dựng quỹ xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Như vậy, Nhà nước đã chủ động ban hành hệ thống luật pháp tạo hành lang phát lý cho hoạt động văn hóa phát triển theo đúng đường lối phát triển văn hóa của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa.

Tuy nhiên, việc xây dựng, ban hành luật pháp, chính sách về văn hoá còn chậm so với tiến độ đặt ra. Nhiều điều khoản luật thiếu cụ thể nên phải chờ có nghị định hướng dẫn của Chính phủ mới có khả thi trong cuộc sống. Việc xây dựng và ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện luật cũng chậm. Trước tiến triển của thực tiễn hoạt động văn hoá có những quy định trong chính sách của Nhà nước đã lỗi thời nhưng việc sửa đổi cũng rất chậm đã gây trở ngại cho hoạt động văn hoá. Hệ thống chính sách kinh tế trong văn hoá còn thiếu và chưa theo kịp sự phát triển của các lĩnh vực văn hoá, thông tin đại chúng có nhiệm vụ làm kinh tế nên việc tạo lập thị trường văn hoá còn gặp nhiều khó khăn.

3 - Về tăng cường nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hoá

Muốn văn hoá phát triển sâu rộng không thể không tính đến đầu tư nguồn lực cho hoạt động văn hoá. Năm 2004, Hội nghị Trung ương 10 (khoá IX) sau khi sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá đã ra Kết luận trong đó đặt ra chỉ tiêu chi ngân sách Nhà nước ở mức 1,8% tổng thu ngân sách quốc nội (GDP) cho hoạt động văn hoá vào năm 2010. Nhà nước tiến hành sắp xếp lại các tổ chức theo hướng bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm các đầu mối, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về văn hoá; tháo gỡ cơ chế để phân cấp, phân quyền tự chủ nhiều hơn cho cơ sở trong quản lý và tổ chức các hoạt động văn hoá.

Chính phủ tiếp tục Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá, đầu tư vào 3 lĩnh vực trọng điểm: Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá vật thể, phi vật thể của dân tộc; Xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; Chấn hưng và phát triển điện ảnh. Giai đoạn 2001- 2005, Chương trình mục tiêu đã đầu tư 859,71 tỉ đồng cho văn hoá, trong đó vốn phát triển là 510 tỉ đồng, vốn ngân sách sự nghiệp là 349,71 tỉ đồng. Giai đoạn 2006 -2010, Chương trình này tiếp tục đầu tư với tổng mức là 4.542 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 2.496 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 1.098 tỉ đồng và nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác là 948 tỉ đồng, tăng 5,25 lần so với giai đoạn 2001-2005.

Ngoài nguồn vốn Nhà nước, nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển văn hoá ngày một tăng. Hầu hết, các lễ hội truyền thống ở làng, xã do nhân dân bỏ công sức, tiền của tự tổ chức dưới sự giám sát của chính quyền sở tại. Hàng vạn các di tích lịch sử-văn hoá, nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo được tôn tạo, giữ gìn từ nguồn vốn xã hội. Hàng chục các lễ hội có tính quốc tế như Festival Huế, Festival hoa Đà Lạt, Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival võ Bình Định…kêu gọi được tài trợ của các doanh nghiệp và thu hút các đoàn văn hoá, nghệ thuật các nước trên thế giới tham gia. Nhân dân các địa phương còn đóng góp xây dựng các nhà văn hoá, khu thể thao thôn, bản trong 10 năm (2000- 2010) lên tới 2.600 tỷ đồng. Nhờ vào kinh phí hỗ trợ của Nhà nước và nguồn vốn huy động từ dân đến tháng 6/2010, cả nước có 4.663/10.998 xã, phường có nhà văn hoá (42,3%); 37.124/88.603 thôn (ấp) có nhà văn hoá (41,9%); 7.558/10.998 xã, phường có sân thể thao (68,7%).

Xuất hiện một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính đầu tư lớn vào các khu vui chơi, giải trí, như Đầm Sen, Suối Tiên (Tp Hồ Chí Minh), Đại Nam văn hiến (Bình Dương), Khu du lịch sinh thái đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội)…và lĩnh vực truyền thông đa phương tiện. Chúng ta còn tranh thủ được nhiều nguồn kinh phí từ các tổ chức Nhà nước và phi Chính phủ của các nước, các tổ chức quốc tế đầu tư tôn tạo, bảo tồn di tích, cổ vật và các hoạt động văn hoá.

Nhà nước đã quan tâm hơn đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển văn hoá. Nhiều trường được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, mở rộng quy mô và tăng thêm các ngành đào tạo. Đội ngũ giảng viên ở các trường văn hoá nghệ thuật được tạo điều kiện nâng cao trình độ. Nhiều giảng viên, sinh viên xuất sắc được gửi đi đào tạo ở nước ngoài. Tính đến năm 2007, toàn quốc có 55 cơ sở đào tạo về văn hoá, nghệ thuật, trong đó có 11 trường đại học, 16 trường cao đẳng và 28 trường trung cấp chuyên nghiệp, với tổng số 35 danh mục các ngành đào tạo đại học, cao đẳng.

Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về văn học, nghệ thuật, Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của các trường văn hoá, nghệ thuật. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thông qua Đề án xây dựng chương trình, nội dung đào tạo về văn học, nghệ thuật trong hệ thống các trường chính trị-hành chính nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về văn hoá, văn học, nghệ thuật đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị ở các cấp.

Nhìn lại chặng đường hơn 10 năm thực hiện giải pháp tăng cường nguồn lực cho văn hoá, chúng ta nhận thấy còn một số hạn chế, yếu kém như sau: Đến năm 2009, nguồn ngân sách Nhà nước bố trí cho hoạt động văn hoá chưa đạt chỉ tiêu 1,8% tổng thu ngân sách quốc nội. Nguốn vốn xã hội, nhất là nguồn vốn của các doanh nghiệp đầu tư cho văn hóa chưa nhiều. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh đầu tư vào các cơ sở công nghiệp văn hoá, cơ sở đào tạo văn hoá còn ít. Việc bỏ vốn của tư nhân vào trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử-văn hoá do thiếu hiểu biết giá trị đích thực của di tích, cổ vật nên một số nơi đã làm sai lệch, biến dạng di tích. Các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động dịch vụ văn hoá do lấy lợi nhuận kinh tế làm mục đích nên chưa coi trọng nội dung văn hoá, hạ thấp chức năng giáo dục, thẩm mỹ, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận dân chúng trong xã hội.

4 - Về nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá

Hơn 10 năm qua đã có hàng loạt quyết sách của Đảng. Năm 2001, văn kiện Đại hội Đảng IX nhấn mạnh việc mở rộng và nâng cao hiệu quả Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Năm 2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW về tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về công tác văn học, nghệ thuật trong tình hình mới. Năm 2004, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX đã kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá, sau đó ra Kết luận khẳng định sự gắn kết các nhiệm vụ giữa phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hoá - nền tảng tinh thần của xã hội. Năm 2006, Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu rõ nhiệm vụ: “Làm cho văn hoá thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tạo ra chất lượng mới của cuộc sống, xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Năm 2008, Bộ Chính trị (khoá X) ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là nghị quyết chuyên đề về văn học, nghệ thuật đề ra những quan điểm mới, các nhiệm vụ, giải pháp trước mắt và lâu dài cho phát triển văn học, nghệ thuật nước ta.

Ngoài các văn bản quan trọng nêu trên, Bộ Chính trị (khoá X) chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW; ban hành Kết luận 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội (2009); Ban Bí thư ra Chỉ thị 34-CT/TW (2004) và Chỉ thị 30-CT/TW (2009) về đại hội các hội văn học nghệ thuật Trung ương và Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; ra Chỉ thị 46-CT/TW về chống các sản phẩm văn hoá độc hại gây huỷ hoại đạo đức xã hội (2010).

Các văn bản trên đã thể hiện rõ chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý những vấn đề bức xúc nảy sinh từ thực tiễn, định hướng kịp thời các hoạt động văn hoá, văn nghệ nhằm xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đảng thường xuyên chỉ đạo việc thể chế thành các quy định của Đảng, các chính sách của Nhà nước trên các lĩnh vực văn hoá và chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng chương trình hành động cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của mỗi đơn vị, địa phương để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về văn hoá có tính thiết thực, khả thi. Ban Bí thư đã đề ra 9 đề án cụ thể (2 trình Ban Bí thư, 7 trình Chính phủ) phân công trách nhiệm cụ thể cơ quan chủ trì và thời gian hoàn thành đề án nhằm thể chế hoá các nội dung cơ bản của Nghị quyết 23-NQ/TW. Đến nay cơ bản các đề án đã hoàn thành, trong đó có 3 đề án đang triển khai trong cuộc sống.

Coi trọng việc xây dựng văn hoá từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, đề cao sự gương mẫu mọi mặt của tổ chức và cán bộ đảng viên, Ban Bí thư khoá IX ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới (2003) và Nghị quyết Đại hội X của Đảng (2006) đã mở Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; cán bộ, đảng viên vững vàng bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức, lối sống lành mạnh, đủ sức thuyết phục quần chúng thực hiện nhiệm vụ văn hóa.

Như vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) được tiến hành thường xuyên, liên tục, đảm bảo văn hoá nước ta phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng vẫn còn một số hạn chế. Việc chỉ đạo thể chế hoá các quan điểm, nội dung trong các văn kiện của Đảng liên quan đến văn hoá chưa kiên quyết, thiếu kiểm tra, đôn đốc. Một số cấp uỷ chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí và tính đặc thù của văn hoá nên chưa thực sự quan tâm nhiều đến văn hoá, xử lý cứng nhắc, hành chính. Một số cán bộ cấp uỷ trình độ hạn chế nên chưa theo kịp sự phát triển của văn hoá trong thời đại bùng nổ thông tin và hội nhập quốc tế, lúng túng trong chỉ đạo xử lý những vấn đề mới xuất hiện trong đời sống văn hoá và thị trường văn hoá. Phương thức lãnh đạo ở nhiều nơi đổi mới chậm.

Một bộ phận tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên chưa thực sự tiên phong, gương mẫu, thậm chí có tổ chức Đảng mất sức chiến đấu, có cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hoá.

II - Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá

Phát huy các kết quả đã đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá, thời gian tới các cấp uỷ đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị-xã hội cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

- Tiếp tục tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quan điểm, nội dung cơ bản nêu trong Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá, trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về văn học, nghệ thuật để cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc vai trò, vị trí, “sức mạnh mềm” của văn hoá, văn nghệ trong việc xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Các cơ quan thông tin đại chúng bám sát thực tiễn đời sống văn hoá, văn nghệ, kịp thời biểu dương các mô hình, điển hình tiên tiến, cổ vũ các phong trào văn hoá, giới thiệu người tốt việc tốt, những tấm gương tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, đồng thời phê phán mạnh mẽ các hành vi tiêu cực, phản văn hoá, các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, việc tiếp thu thiếu chọn lọc văn hoá của nước ngoài… cản trở sự phát triển văn hoá nước ta.

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đưa vào nghị quyết các chủ trương, chính sách và chỉ tiêu văn hoá cụ thể, sát thực với tình hình văn hoá của địa phương, đơn vị làm căn cứ để phấn đấu và kiểm điểm công tác. Thường xuyên tập huấn cán bộ, đảng viên trên lĩnh vực tư tưởng-văn hoá để nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn. Trong nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng (2011-2015) tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hoá, rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra những nội dung và giải pháp mới phù hợp với bối cảnh đất nước hơn 20 năm đi vào kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày một sâu xuất hiện nhiều thời cơ và thách thức.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá. Rà soát và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về văn hoá. Sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua-Khen thưởng, đưa danh hiệu đơn vị văn hoá vào Luật. Đẩy nhanh việc thể chế hoá các nội dung cơ bản của Đảng về văn hóa nêu trong Nghị quyết Đại hội XI. Kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá từ Trung ương tới cơ sở, thực sự trở thành nòng cốt quy tụ, điều phối và chỉ đạo, quản lý các phong trào văn hoá trên địa bàn dân cư và các cơ quan, đơn vị, tránh chồng chéo, trùng lặp nhiệm vụ, gây lãng phí tiền của, sức lực của Nhà nước và nhân dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp huy động toàn hệ thống chính trị và xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ văn hoá, tháo gỡ những khó khăn về tài chính để phong trào phát triển sâu rộng. Nhất quán phương châm lồng ghép các nội dung văn hoá mới nảy sinh và các nội dung xã hội gần với văn hóa vào nội dung các phong trào văn hoá chính trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá. Tăng cường và mở rộng sự phối hợp công tác của các thành viên trong Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở các cấp. Nâng cao chất lượng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hoá khắc phục tình trạng hình thức và chạy theo thành tích.

- Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động văn hoá, tạo cơ chế và môi trường pháp lý để huy động tối đa nguồn lực của hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia hoạt động và hưởng thụ văn hoá; phát huy ý thức tự quản của người dân trong mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, di sản văn hoá của dân tộc. Động viên đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ sáng tạo các công trình văn hoá, văn học, nghệ thuật đạt đỉnh cao đáp ứng nhu cầu tinh thần của các tầng lớp xã hội. Có cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hoá, mở rộng các dịch vụ văn hoá, thiết lập một thị trường văn hoá lành mạnh, chống gian lận thương mại, đảm bảo sự nghiêm minh của luật pháp về bản quyền tác giả và sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện khơi dậy mọi tiềm năng cho phát triển văn hoá.

- Tiếp tục mở rộng giao lưu, hợp tác văn hoá, chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá. Đầu tư giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài. Tham gia các tổ chức quốc tế về văn hoá, ký kết các công ước về văn hoá. Tranh thủ các nguồn vốn của nước ngoài cho bảo tồn, phát huy và phát triển văn hoá. Tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại và đưa những giá trị văn hoá của các dân tộc Việt Nam đóng góp làm phong phú, đa dạng diện mạo văn hoá thế giới.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tổ chức sơ kết, tổng kết các phong trào văn hoá, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về văn hoá, văn học, nghệ thuật, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện cách làm mới, có hiệu quả để nhân rộng và khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước, đồng thời chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm để việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) về văn hóa và Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về văn học, nghệ thuật tạo được sự chuyển biến tích cực, sâu rộng, thực chất trong xã hội vào những năm đầu thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI./.

TS. NGUYỄN HỮU THỨC
Ban Tuyên giáo Trung ương

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất