Thứ Hai, 16/9/2024
Bảo hiểm xã hội
Thứ Hai, 1/7/2019 11:15'(GMT+7)

Chung tay xây dựng, phát triển bảo hiểm y tế vì sức khỏe toàn dân

PTGĐ Phạm Lương Sơn giới thiệu với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về hệ thống giám định của ngành BHXH

PTGĐ Phạm Lương Sơn giới thiệu với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về hệ thống giám định của ngành BHXH

XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM Y TẾ VÌ SỨC KHOẺ TOÀN DÂN

Khẳng định sự cần thiết của chính sách BHYT trong đời sống xã hội, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã ghi rõ tại Điều 39: “Thực hiện BHYT, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm lo sức khỏe”. Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) cũng khẳng định: “Thực hiện BHYT toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho đồng bào DTTS, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn”.

Thực hiện chính sách BHYT bền vững, hướng đến bao phủ BHYT toàn dân, không chỉ cần đạt độ bao phủ số người tham gia mà còn cần bảo đảm chất lượng, công bằng và hiệu quả cho người dân trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế (DVYT), đặc biệt là dịch vụ CSSK ban đầu; đồng thời tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân.

Để đạt mục tiêu này, chúng ta cần có nguồn quỹ BHYT an toàn, được sử dụng hợp lý. Hiện nay, với độ “mở” của chính sách, ngày càng có nhiều người tham gia vào hệ thống; chất lượng DVYT được cải thiện rõ rệt, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bên cạnh đó, Luật BHYT 2014 mở rộng quyền lợi cho người tham gia như: Chính sách thông tuyến KCB tạo thuận lợi cho người bệnh BHYT khi đi KCB; tăng mức hưởng BHYT đối với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục, mở rộng phạm vi thanh toán cho nhiều trường hợp bệnh… Quỹ BHYT đóng vai trò quan trọng đảm bảo CSSK nhân dân, trong những năm qua đã có hàng triệu bệnh nhân mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng, chi phí lớn được quỹ BHYT chi trả. Có bệnh nhân ở Vĩnh Long điều trị bệnh về máu trong hơn 2 năm đã được quỹ BHYT chi trả lên tới gần 13 tỉ đồng.

Định hướng của Chính phủ trong đổi mới tài chính y tế hiện nay là thực hiện chuyển dần từ hỗ trợ cơ sở KCB sang hỗ trợ trực tiếp người dân, thông qua việc tăng mức hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia BHYT, đưa BHYT thành nguồn chi chủ yếu trong cơ cấu chi phí chăm sóc y tế. Chiến lược tài chính y tế Việt Nam giai đoạn 2016-2025 cũng đặt ra mục tiêu phát triển hệ thống y tế bền vững, theo hướng “công bằng, hiệu quả, phát triển, chất lượng” với giải pháp chủ yếu là phải đạt tỉ lệ bao phủ BHYT toàn dân, đồng thời sử dụng nguồn quỹ hợp lý, hiệu quả.

Vì vậy, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban ngành liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật BHYT. Từ đó, nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT. Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc theo Nghị quyết về phát triển kinh tế- xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, đẩy nhanh độ bao phủ BHYT toàn dân; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong quản lý KCB và quản lý hiệu quả quỹ BHYT...

Cũng cần thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chính sách BHYT vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Đơn cử: Nhận thức về vai trò của BHYT có nơi còn chưa đầy đủ; công tác chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt; nhiều DN, cơ sở SDLĐ còn trốn đóng, nợ đóng BHYT của NLĐ; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT vẫn chưa được khắc phục triệt để...

ĐẢM BẢO THỰC THIỆN HIỆU QUẢ CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM Y TẾ

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có trên 90% dân số tham gia BHYT, ngoài nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự phối hợp, chung tay của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, cần tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo như: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT, đặc biệt là chính sách hỗ trợ tham gia BHYT đối với NLĐ trong lĩnh vực nông- lâm- ngư- diêm nghiệp; hoàn thiện cơ chế quản lý quỹ BHYT; phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ; bảo đảm bình đẳng việc KCB BHYT tại BV công lập và BV tư nhân; đẩy mạnh cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong quản lý và tổ chức thực hiện chính sách BHYT; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị, DN trốn đóng, nợ đóng BHYT; nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở; hoàn thiện cơ chế mua sắm thuốc, VTYT theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch...

Trong năm 2018 và quý I/2019, chính sách BHYT có nhiều thay đổi như: Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT; Thông tư 48/2017-TT-BYT quy định trích chuyển dữ liệu điện tử trong quản lý và thanh toán chi phí KCB BHYT; Thông tư 15/2018/TT-BYT và Thông tư 39/2018/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các BV cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá dịch vụ KCB trong một số trường hợp. Chính những thay đổi này đã tác động đến việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT trong thời gian qua.

Để tiếp tục giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong thực hiện chính sách BHYT, thời gian vừa qua, BHXH Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Cụ thể như: Thực hiện ứng dụng CNTT và cải cách TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT; xây dựng hệ thống trao đổi và tích hợp thông tin thống nhất của Ngành, thực hiện cấp mã số BHXH đối với mọi cá nhân để quản lý người tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT; hệ thống thông tin giám định BHYT được đưa vào vận hành từ cuối năm 2016, đến nay đã đem lại hiệu quả tích cực, vừa cắt giảm thời gian chờ đợi và đơn giản TTHC cho người bệnh, vừa tăng hiệu quả quản lý, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đặc biệt, hệ thống được kết nối đến tất cả các đơn vị thuộc ngành Y tế và các BV, góp phần chia sẻ kịp thời, chính xác thông tin.

Năm 2019, nước ta tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính y tế theo hướng tính đúng, tính đủ giá DVYT, giảm dần mức chi của người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình BHYT toàn dân, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, thúc đẩy xã hội hóa, hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế, tiến tới bao phủ CSSK toàn dân. Do đó, nếu chi phí KCB không được kiểm soát tốt, quỹ dự phòng KCB BHYT không còn đủ để bù đắp thì chúng ta sẽ phải thực hiện điều chỉnh tăng mức đóng BHYT. Điều này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người dân cũng như khả năng cân đối của NSNN.

Vì vậy, các cấp, các ngành, nhất là ngành BHXH và Y tế cần phải quyết tâm, chung sức sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT nói chung và đảm bảo duy trì quỹ dự phòng KCB BHYT nói riêng. Theo đó, Bộ Y tế cần xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, đồng bộ để cùng với BHXH Việt Nam tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chính sách BHYT. Đặc biệt, các đơn vị của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cần thống nhất triển khai mô hình giám định BHYT theo tỉ lệ, theo chuyên đề để vừa phù hợp thực tiễn, vừa hạn chế trục lợi quỹ; cùng đồng hành và phối hợp chặt chẽ trong việc thẩm định nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ KCB BHYT./.

TS.Phạm Lương Sơn- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất