Tính đến tháng 5/2018, cả nước có khoảng 84,5 triệu người dân có thẻ bảo hiểm y tế, tương đương với 89% dân số. Kết quả này đạt được là nhờ quyết tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính
phủ và tổ chức thực hiện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, kết hợp với sự
chung tay vào cuộc của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội cũng như
chính quyền các địa phương.
Thông tin này được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Phát triển bền vững đối tượng tham gia bảo hiểm y tế" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 25/6.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội chia sẻ hiện nay, hơn 90% người lao động đã tham gia bảo hiểm y tế. 100% những người hưu trí, mất sức lao động, người nhận bảo trợ xã hội tương đương với 3,1 triệu người đã có bảo hiểm y tế.
Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế gồm hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên... cũng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế gần 100%.
Sau 27 năm thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, việc tham gia bảo hiểm y tế được đánh giá là một trong những giải pháp giúp cho người dân có “phao cứu sinh” thoát khỏi "bẫy nghèo" y tế. Tuy nhiên, tính đến thời điểm tháng 5/2019, cả nước vẫn còn khoảng 10 triệu người chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên 90% dân số theo Quyết định số 1167/QĐ-TTg ban hành ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Bùi Sỹ Lợi, cần đẩy nhanh tốc độ bao phủ trong đối tượng học sinh, sinh viên. Đây là lực lượng nòng cốt và thế hệ trẻ chuẩn bị nguồn nhân lực trong tương lai.
Việc tham gia bảo hiểm y tế là thể hiện trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng và xã hội. Do vậy, cần tập trung nâng cao nhận thức đối với học sinh, sinh viên với nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền hợp lý cùng sự hỗ trợ về kinh phí đóng bảo hiểm đối với những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến tháng 4/2019, cả nước đã có trên 17 triệu học sinh tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 94%. Vậy chỉ còn khoảng 6%, tương đương với 1 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia bảo hiểm y tế.
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tỷ lệ của nhóm học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế luôn thay đổi, biến động do nhóm đối tượng này có thể tham gia bảo hiểm y tế ở nhà trường, theo hộ gia đình, nhóm đối tượng được hỗ trợ... với hình thức đóng, mức phí và hỗ trợ khác nhau.
Để nâng độ bao phủ bảo hiểm y tế lên 100% đối với nhóm học sinh, sinh viên cũng như các đối tượng khác, ngoài việc tăng cường tuyên truyền hợp lý để nâng cao nhận thức tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc nhằm đảm bảo quyền lợi sức khỏe cho chính mình, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp cận chất lượng dịch vụ y tế của người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, cơ sở giáo dục và các cơ quan tổ chức thực hiện cũng cần phối hợp hơn nữa để việc phát triển đối tượng bảo hiểm y tế nói chung và cho học sinh, sinh viên nói riêng trở thành chỉ tiêu kinh tế xã hội, chỉ tiêu thi đua của địa phương và các cơ sở giáo dục, đào tạo...
Ngoài ra, ngành chức năng cần đầu tư để hoàn thiện hơn nữa các quy định pháp luật, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế chuyên sâu, xây dựng cơ chế hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn một cách hợp lý.
Các đơn vị của bảo hiểm y tế cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo nền tảng tiện ích, phần mềm phục vụ người dân, kiểm tra, giám sát việc chi trả đúng, đủ cho người dân./.
Ngọc Bích (TTXVN)