(TG) - Chăm sóc sức khỏe và bao phủ BHYT toàn dân luôn là vấn đề quan trọng, dành được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Thực hiện Quyết định số 1167/QĐ-TTg, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ban ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì, phát triển bền vững các nhóm đối tượng tham gia BHYT, tiến tới thực hiện lộ trình BHYT toàn dân và bảo đảm quyền lợi KCB BHYT cho người dân.
Phát biểu tại buổi tọa đàm trực tuyến “Phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT” diễn ra ngày 25/6, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách BHYT tuân theo nguyên tắc quản lý và chia sẻ rủi ro. Đặc biệt, việc quản lý rủi ro trong lĩnh vực y tế có ý nghĩa nhân văn sâu sắc và tầm quan trọng rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, giá DVYT được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ thì nhu cầu được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là rất lớn và chính đáng. “Việc tham gia BHYT sẽ là “phao cứu sinh” giúp đỡ cho người dân thoát khỏi “bẫy nghèo y tế”, nếu không may bị mắc bệnh”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn chia sẻ.
Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đây là sự nỗ lực và cố gắng rất lớn của Chính phủ để giúp người dân có cơ hội được tiếp cận, tham gia vào chính sách BHYT, giúp họ bảo vệ và nâng cao sức khỏe. “Điều này khẳng định chủ trương, quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước; đồng thời việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt của BHXH Việt Nam, sự vào cuộc của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội và chính quyền các địa phương đã giúp chuyển đổi, nâng cao nhận thức của người dân về một chính sách tốt đẹp, đem lại lợi ích tuyệt đối trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân”- ông Lợi nhấn mạnh.
Thông tin tại tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, tính đến tháng 5/2019, cả nước có 84,5 triệu người dân tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 89% dân số. Đáng chú ý, diện bao phủ đã tập trung vào các nhóm yếu thế, như: Nhóm NLĐ đã tham gia BHYT đạt hơn 90%; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội đạt 100% (khoảng 3,1 triệu người); nhóm được NSNN hỗ trợ như hộ cận nghèo, HSSV đạt xấp xỉ 100% và trên 17 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.
Chia sẻ về giải pháp nâng cao tỉ lệ tham gia BHYT của nhóm HSSV, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, tính đến tháng 4/2019, đã có trên 17 triệu HSSV tham gia BHYT, chiếm hơn 94%. Với mục tiêu đạt 100% theo chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp, sâu sát; tạo sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa cơ quan BHXH với các cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu tạo bước đột phá về cơ chế hỗ trợ tài chính cho HSSV trong việc tham gia BHYT.
Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, HSSV là lực lượng nòng cốt và là nguồn nhân lực tương lai của đất nước. Do vậy, cần thực hiện bao phủ BHYT đối với HSSV để giáo dục tư tưởng cho thế hệ trẻ, giúp các em hiểu rõ tham gia BHYT không chỉ đem lại lợi ích cho cá nhân, mà còn thể hiện trách nhiệm với xã hội. Ông Lợi cũng cho rằng, trong thời gian tới, cần nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu việt hơn, giúp các em HSSV dễ dàng tiếp cận và tham gia BHYT. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục trong hệ thống giáo dục, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của các em HSSV.
Về tâm lý của nhiều người “chỉ tham gia BHYT khi có bệnh”, ông Bùi Sỹ Lợi nhận định, việc triển khai bao phủ BHYT đang gặp khó khăn, tồn tại ở nhóm đối tượng lao động, người dân ở hộ kinh doanh tự do, hộ cận nghèo và hộ nông- lâm- ngư- diêm nghiệp có mức thu nhập trung bình. Vì vậy, theo ông Lợi, chúng ta phải tìm cách hỗ trợ, tuyên truyền, vận động để NLĐ, người dân hiểu được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khoẻ. “Phải xoá ngay tư tưởng trẻ mang sức khoẻ ra kiếm tiền, già thì dùng tiền để mua sức khoẻ”; đồng thời nâng cao nghĩa vụ của bản thân, thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, xã hội thông qua việc tham gia BHYT…”- ông Lợi nói.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam đã có cảnh báo về sự “lựa chọn ngược” của người dân khi tham gia BHYT- điều này thể hiện “sức ì” và trông chờ vào sự bao cấp của Nhà nước của một bộ phận không nhỏ người dân. Chính vì vậy, chúng ta cần xây dựng các chế tài, nâng cao tính cộng đồng của người dân khi tham gia BHYT.
Theo nhận định của ông Bùi Sỹ Lợi, hiện nay, chất lượng KCB tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh và Trung ương đã tương đối tốt, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, điều làm cho người dân chưa thật sự tin tưởng vào công tác KCB BHYT là do chất lượng KCB tại các tuyến y tế xã, phường, thị trấn chưa thực sự đạt hiệu quả tích cực, vẫn còn để xảy ra tình trạng vượt tuyến, quá tải BV tuyến trên. Chính vì vậy, theo ông Lợi, cần điều chỉnh chính sách tài chính y tế, nâng cao chất lượng tuyến y tế cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… giúp đem lại lòng tin cho người dân về công tác KCB BHYT.
Chia sẻ về công tác bảo đảm quyền lợi KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng ngành Y tế triển khai lập hồ sơ sức khỏe, quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính cho người dân tại các tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, việc thực hiện Nghị định 146 đã mở rộng cơ chế tài chính, đáp ứng đủ nguồn lực cơ bản phục vụ cho y tế cấp xã, huyện đảm nhiệm chức năng quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân nói chung và cho người có thẻ BHYT nói riêng.
Về mục tiêu phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, ngoài nhóm HSSV và hộ cận nghèo, ông Bùi Sỹ Lợi đề xuất BHXH Việt Nam cần quan tâm tuyên truyền, vận động để bao phủ đến nhóm lao động phi chính thức và một số DN có sử dụng lao động nhưng không có quan hệ lao động hoặc một bộ phận NLĐ chưa được tham gia BHXH, BHYT.
Cũng về mục tiêu này, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết, BHXH Việt Nam đã triển khai phổ biến, tuyên truyền tới từng nhóm đối tượng. Qua đó, giúp người SDLĐ và NLĐ hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình; đồng thời khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đóng, không đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. “Đối với nhóm lao động phi chính thức, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và thu được nhiều tiến triển về tỉ lệ tham gia BHYT, đặc biệt là khắc phục tình trạng “lựa chọn ngược” trong tham gia BHYT…”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn thông tin.
Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho biết thêm, trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên báo cáo, xin ý kiến các cấp ủy, chính quyền địa phương để cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, trong đó có BHYT. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật để nâng cao chất lượng DVYT tại tuyến cơ sở và y tế chuyên sâu. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, tạo nền tảng trong quá trình phục vụ người dân tham gia BHYT. “Với việc triển khai những giải pháp đồng bộ, hiệu quả như vậy, tôi tin rằng, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn khẳng định./.
Lê Anh