Cũng vì lý do đó, mà buổi họp kiểm điểm năm nay, không khí chộn rộn hẳn. Ai cũng chăm chăm muốn nghe phần tự kiểm của đồng chí Phó Bí thư, xem thật hư như thế nào, suy thoái ra sao. Mấy đồng chí nữ xì xào “Làm gì tới mức suy thoái mà nhận cho phức tạp, kiểm điểm lại rình rang”. Mấy đồng chí nam rì rầm, “Chắc có phốt gì lớn, biết không che giấu được nên bác ấy phải nhận trước thôi”. Người kín miệng lại nghĩ, để xem phần tự kiểm như thế nào mới dám bình luận.
- Đề nghị các đồng chí trật tự, sau đây là phần kiểm điểm của đồng chí Phó Bí thư! Sau lời yêu cầu của đồng chí Bí thư - chủ tọa, cả phòng họp yên phăng phắc.
- Thưa các đồng chí, trước khi bước vào phần kiểm điểm của mình, tôi xin được có vài lời chia sẻ “rút ruột” từ tâm can, rất mong được các đồng chí đón nhận.
Vài ngày nay, tôi biết, nhiều đồng chí băn khoăn, thậm chí to nhỏ, bàn luận về bản kiểm điểm của tôi, mà quan trọng nhất là phần tự kiểm về suy thoái. Băn khoăn âu cũng là lẽ thường. Gần 100 bản Nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ bằng các biểu hiện cụ thể mà cấp ủy thu được, chỉ có duy nhất tôi tự nhận thấy mình là suy thoái, để tích dấu X vào 6 trên 82 cột bên trái “có biểu hiện”. Còn lại tất cả các bản Nhận diện còn lại đều là 82/82 dấu tích sắc nét vào cột bên phải.
Tôi biết, các đồng chí đang muốn tôi nói lý do và trình bày sự suy thoái của mình. Tôi cũng không phải là “người hùng”, cũng chẳng phải “gàn dở”. Đơn giản, tôi chọn những dấu tích bên trái vì tôi thấy, mình có những biểu hiện đó. Nhưng thật lòng, để điền dấu X vào 6 ô trắng vô hình, không phải là chuyện chỉ trong vài phút nâng bút lên, hay chỉ một cú nhấp chuột copy - paste tích tắc.
Với tư cách đảng viên, lại là Phó bí thư Đảng bộ, tôi hiển nhiên nhận thức được bản chất hai chữ “suy thoái”, cũng như 27 biểu hiện suy thoái, nhưng khi đọc kỹ những biểu hiện cụ thể trong Phụ lục, tôi đã phải đắn đo, suy nghĩ, trăn trở và cả tự vấn mình nhiều đêm, bởi tôi thấy hình ảnh mình trong một vài biểu hiện trong số 82 biểu hiện đó. Từ những buổi họp chi bộ, họp chính quyền, với cá tính ít nói, thậm chí bị đánh giá là quá hiền, tôi đã không dám nói lên chính kiến của mình trước những sai sót của đồng chí, đồng nghiệp để kịp thời chấn chỉnh, theo các đồng chí đó có phải là biểu hiện thứ 15 “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh” không? Hay có lúc, vì tự mãn với bản thân, được đào tạo bài bản, có nghiệp vụ tinh thông, tôi đã tự đánh giá mình đúng và bỏ ngoài tai lời góp ý chân tình của đồng nghiệp. Điều này có khác gì biểu hiện thứ 22 “Không chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý của người khác”? Việc mua trang thiết bị của cơ quan, mà thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn tới thất thoát tiền, máy móc không đảm bảo chất lượng, tính ra số tiền tuy không nhiều nhưng liệu đó có phải là dấu hiệu của biểu hiện 44 “Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính…” hay không? Đọc biểu hiện thứ 48 “Phí phạm thời gian lao động”, tự tôi thấy giật mình bởi những lần đi làm muộn, về sớm, dù công việc bù đầu…
Nói thật lòng, khi tích dấu X vào cột “có biểu hiện” tôi cũng suy nghĩ lắm, nhưng rồi dũng cảm vượt qua, để nhận thức được, mới chuyển thành hành động được. Âu cũng là cái đích của công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng. Phê người dễ, nhìn người càng dễ, nhưng tự phê mình, nhận thấy khuyết điểm của mình mới là khó. Các đồng chí có đồng ý với tôi không?
Cả hội trường im lặng, không tiếng xì xào, rồi đồng loạt vỗ tay…
Đồng chí Bí thư giơ tay ra hiệu dừng và nói “Vỗ tay đây là để nhất trí trước việc cần phát huy tinh thần thẳng thắn, cầu thị trong phê bình, tự phê bình, để nhận rõ khuyết điểm, hạn chế của mình. Chỉ là cái dấu X nhưng ở đó thể hiện sự dũng cảm và nghiêm túc của mỗi cá nhân. Đó cũng là “vượt lên chính mình”. Các đồng chí có quyết tâm vậy không?” . Tiếng vỗ tay không ngớt./.
Song Minh