(TG) - Công việc sản xuất kinh doanh ở công ty tôi cơ bản đều diễn ra suôn sẻ, thuận lợi. Anh chị em cán bộ, công nhân viên luôn yên tâm gắn bó sản xuất, tận tụy với công việc được giao. Không ít người ở các nhà máy, doanh nghiệp khác nhìn vào doanh nghiệp tôi mà... thèm, bởi một không khí bình yên, cởi mở có vẻ lúc nào cũng hiện diện nơi đây. Nhưng nếu như không ở cương vị trợ lý tổng hợp cho ban giám đốc thì tôi vẫn luôn tự hào rằng, hiếm có một môi trường nào lại đầm ấm hơn nơi mình làm việc. Tuy nhiên…
Như anh em trong công ty vẫn nói vui, hai đồng chí lãnh đạo - Giám đốc và Bí thư - vì cùng đứng chữ “nhâm” (Trai Đinh - Nhâm - Quý - Giáp thì tài!) nên đều có cái “sự tài” khá ngang nhau. Song, để “cân, đong, đo, đếm” theo kiểu xác định giá trị trọng lượng cho thật rành mạch, chính xác thì mỗi người lại có một vài “cái tài” riêng. Giám đốc là người ít nói, lạnh lùng, chẳng mấy khi trò chuyện niềm nở với ai nên mọi người khó tiếp xúc, khó gần, nhưng làm việc quyết đoán. Bí thư thì sôi nổi, xởi lởi trong giao tiếp, sống tình cảm, nhưng lại quá thận trọng trong việc xử lý các tình huống xảy ra đột xuất, tức thời nên dễ làm mất cơ hội tốt cho tập thể. Cả hai người trước đây cùng học một trường và nhìn chung có trình độ na ná nhau về chuyên môn, nghiệp vụ.
Là trợ lý cho hai lãnh đạo, tôi đã để tâm theo dõi rất thận trọng về cá tính, sở trường, sở đoản, nếp sống, phong cách nói năng, giao tiếp của mỗi người để có cách ứng xử phù hợp. Nhưng ở cương vị của tôi, dù khôn khéo đến mấy cũng không phải lúc nào cũng làm vừa ý, hài lòng cả hai người.
Trong sinh hoạt bàn thảo về công việc, hai thủ trưởng luôn cẩn trọng giữ ý tứ, không bao giờ nói “đao to búa lớn” với nhau nên mọi chủ trương, kế hoạch, biện pháp chỉ đạo, điều hành công ty cơ bản được thống nhất. Còn sau cuộc họp, trao đổi với tôi, giám đốc tỏ vẻ bức xúc: “Bí thư nhiều lúc cứ khăng khăng bảo vệ ý kiến của mình, không chịu đổi mới tư duy tí nào cả. Nếu có “đảng bảo thủ” thì ông ta phải vào đấy mới đúng.! Làm việc kiểu đó trong cơ chế thị trường thì có lúc... ăn cám!”. Giám đốc nói nhát một và nhấm nhẳng như thế, tôi chỉ biết ngồi nghe.
Có lần “tháp tùng” Bí thư đi xuống các phân xưởng, tôi được anh rỉ tai: “Nói thật nhé, cái lão giám đốc chả hơn quách gì tớ đâu. Chẳng qua do may mắn và chịu khó “đi cửa sau” thì mới leo lên được “chiếc ghế” ấy. Vì cả nể là bạn bè đồng niên, đồng khoá khóa nên nhiều việc tớ không thèm nói. Nhưng cách quản lý, điều hành doanh nghiệp theo lối “ăn xổi ở thì” như vậy thì làm sao “có hậu” được?”.
Đó chỉ là một ví dụ rất điển hình mà tôi thường được nghe hai người đứng đầu công ty nói sau lưng khi vắng mặt nhau. Thú thực, nhiều lúc tôi buồn lắm. Buồn cho mình ở vị trí “thấp bé nhẹ cân” nên không dám góp ý thế nào cho “phải đạo” đối với mỗi người (vì thực tế cả hai thủ trưởng đều “rất ngại” và không thích nghe cấp dưới góp ý, phê bình). Buồn vì hai người “to và cao” nhất đơn vị - một đứng đầu bộ máy quản lý, hành chính; một đứng đầu tổ chức đảng - mà luôn sống và làm việc với nhau trong tâm trạng chỉ “khẩu phục” mà không “tâm phục” nhau. Tôi còn buồn vì những cán bộ, nhân viên cấp dưới ít được tiếp cận với hai lãnh đạo nên không ngớt lời ca ngợi họ “tuy hai mà là một, tuy một mà là hai”! Nhưng đâu biết rằng, phía dưới mặt sóng phẳng lặng, bình yên ấy là những “dòng xoáy ngầm” dữ dội. Và tôi luôn “nơm nớp” một nỗi lo sợ: đến một lúc nào đó “già néo đứt dây”, cơn bão tố của lòng người căng ra và bùng lên thì không biết mọi chuyện sẽ ra sao?
Giá như, cả hai thủ trưởng của tôi sống và làm việc với nhau trên tinh thần đồng chí - đồng đội - đồng nghiệp trong sáng; thành tâm góp ý về những hạn chế, khuyết điểm của nhau; biết chia sẻ, đồng cảm và bổ sung những khiếm khuyết cho nhau và thực sự chung sức đồng lòng phấn đấu vì sự trưởng thành của tập thể và sự tiến bộ của mỗi người thì chắc hẳn doanh nghiệp tôi sẽ ăn nên làm ra và thành công hơn thế. Và để cặp bài trùng “giám đốc - bí thư” là một hình ảnh trung thực về sự đoàn kết gắn bó và thương yêu đồng chí lẫn nhau, chứ không phải là một sự đồng thuận “ngụy tạo” bên ngoài để “che mắt” cấp dưới và những người xung quanh. Đây chính là một sự đoàn kết giả tạo, xuôi chiều - một biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên./.
Thiện Văn