Thứ Tư, 4/12/2024
Cùng suy ngẫm
Thứ Tư, 16/9/2020 9:30'(GMT+7)

Rượu - ranh giới của nghi lễ và văn hóa

Tranh của Mạnh Tiến.

Tranh của Mạnh Tiến.

Truyền thống văn hóa rượu của người Việt

Rượu được con người làm ra từ trước Công nguyên. Đó thực sự là một “phát minh” kỳ diệu của nhân loại. Từ những năm xa xưa đó, rượu chủ yếu để dùng trong các nghi lễ tôn giáo và nghi lễ văn hóa. Có những loại rượu được đặt tên theo tên của các vị thánh và có những loại rượu được cho là có những vị thánh cai quản, là nước uống của các vị thánh. Năm 2003, tôi được Hoàng gia Na Uy mời sang thăm, được yết kiến Nhà vua và Hoàng hậu Na Uy. Trong hoàng cung, tôi nhìn thấy những chiếc bình đựng rượu và ly để uống rượu được coi là báu vật của Hoàng gia, đặt trong những tủ kính. Nhìn những chiếc bình và ly cổ đó, tôi có thể hình dung khi rượu được rót vào ly và khi ly được dâng lên. Một điều gì đó linh thiêng như một nghi lễ lâu đời. Nếu bạn biết được cách làm rượu và những đồ đựng rượu cũng như ly uống rượu, bạn sẽ cảm thấy mỗi giọt rượu được sinh ra mang theo cả một bí ẩn lớn.

Vào những năm 60, 70 của thế kỷ trước, ở Việt Nam, không ít người bắt đầu có thú sưu tầm vỏ chai đựng rượu. Tôi đã từng mê mẩn ngắm nhìn bộ sưu tập vỏ chai rượu của một nghệ sĩ già. Đúng là một bộ sưu tập quyến rũ. Những vỏ chai rượu được thiết kế mang cảm giác không thừa một chi tiết nào. Đó thực sự là một tác phẩm nghệ thuật. Cũng thật dễ hiểu vì rượu là một sản phẩm đồ uống nhưng đạt tới đỉnh cao để biến thành một thứ “nước thánh”. Chính vì thế mà người ta không thể làm những cái chai chứa rượu xoàng xĩnh hay xấu xí được. Tôi không phải là người sành rượu, nhưng tôi lắng nghe được tiếng ngân của rượu vang khi được rót vào ly pha lê trong một buổi tối. Mười năm trước, một nhà xuất bản Pháp nhân kỷ niệm 100 ngày thành lập đã đặt tôi viết một tiểu thuyết mini liên quan đến rượu vang. Tôi đã dùng cả một chương để tả một giọt rượu vang còn sót lại chảy từ đáy chai rồi rơi vào ly. Tiếng giọt rượu vang lên như một tiếng chuông trong chiếc ly pha lê trong suốt và mỏng như tờ giấy pơ-luya dùng viết thư ngày trước.

Rượu - ranh giới của nghi lễ và văn hóa

Rồi rượu đi vào đời sống và nó ngay lập tức ngự trị trong  những người đàn ông như sự ngự trị của một vị thánh thực sự. Nếu một nghi lễ tôn giáo, một sự kiện văn hóa, một sự kiện ngoại giao, một lễ hội, một lễ cưới... mà không có rượu thì mọi tính thiêng, cảm xúc và sự long trọng sẽ biến mất. Rồi rượu đi một bước nữa vào sâu hơn trong đời sống thường nhật. Và từ đó, những vấn đề đầy tính xã hội xảy ra. Người ta bắt đầu kinh doanh rượu, bắt đầu uống rượu như một thú tiêu khiển không cưỡng nổi và bắt đầu bước qua ranh giới của những nghi lễ linh thiêng, vẻ đẹp văn hóa ẩm thực và sự lãng mạn lạ kỳ mà trước đó rượu đã mang lại. Các quốc gia bắt đầu có luật pháp về rượu như cấm buôn lậu rượu, quy định tuổi uống rượu, quy định về sử dụng rượu... Và rượu bắt đầu “tiếp tay” cho những vấn đề mang tính tội phạm.

Rượu đã xuất hiện ở nước ta từ khi nào tôi không rõ lắm. Nhưng đến bây giờ, nói về rượu ở Việt Nam lại có không ít câu chuyện buồn. Quá nhiều vẻ đẹp và tính nghi lễ trong việc uống rượu đã bị người Việt Nam phá vỡ. Rượu lúc này trở thành sự tục tằn bởi người uống. Khi biết tôi ít uống rượu, nhiều người ngạc nhiên hỏi: “Ông thường xuyên đi nước ngoài mà lại không uống rượu à?”. Câu hỏi đó chứng tỏ người hỏi đã hiểu sai về việc uống rượu. Không một đất nước nào tôi đến từ châu Á, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latin có kiểu ép rượu như ở Việt Nam. Hơn nữa, họ không bao giờ uống bia, rượu vào các buổi sáng và buổi trưa. Còn người Việt Nam uống tràn lan mọi nơi, mọi lúc. Uống không hề kiềm chế. Uống đến biến người uống thành một tay hề, thậm chí trở thành tội phạm. Có những vùng ở Việt Nam, nếu bạn không uống như những người địa phương đòi hỏi, bạn sẽ không thể trở thành “bạn” của họ được. Thậm chí, bạn không thể làm việc được với họ chỉ vì bạn đã không uống đến vô độ như họ, cho dù sức khỏe bạn như thế nào hay bạn không có khả năng uống một cơ số rượu vô tội vạ như họ. Có người ép rượu nói rằng đó là phong tục, tập quán của họ và khách phải tôn trọng phong tục, tập quán đó. Tôi đã mất rất nhiều cơ hội để trở thành bạn họ khi không thể đồng hành trên con đường rượu “phi giới hạn” với họ vì rất nhiều lý do.

Chúng ta rất dễ dàng được tận mắt chứng kiến ở các quán ăn buổi trưa, các cán bộ, công chức nhà nước uống hàng thùng bia hay vài chai rượu trong ngày làm việc. Chính phủ đã có quy định trong giờ làm việc hay ngày làm việc không được uống rượu. Nhưng hình như quy định đó chỉ được thực hiện một thời gian ngắn hoặc bị vi phạm dưới những hình thức che đậy khôn khéo. Chúng ta từng nghe đến những bữa ăn có giá lên tới vài tỷ đồng. Nghe vậy, nhiều người "tròn mắt" không biết những người đó ăn những món gì mà đắt vậy. Nhưng tìm hiểu ra thì mới biết, tiền rượu mới là khủng khiếp vì có những chai rượu có giá đến hàng tỷ đồng. Những người nước ngoài và ngay cả những người sinh ra, lớn lên ở cái nôi của dòng rượu whisky khi đến du lịch hay làm việc ở Việt Nam cũng phải “há hốc mồm kinh hãi” trước cái sự uống whisky của người Việt. Hàng chai, hàng chai liên tục được mở và mở như vô tận. Rồi vì rượu mà anh em, bạn bè chửi nhau, cha con cãi nhau như giang hồ, thậm chí đâm chém nhau; vì rượu mà có người nhảy lên cabin nổ máy và đạp ga hết cỡ gây ra bao vụ tai nạn giao thông thương tâm. Vẻ đẹp của tinh thần, cảm xúc, của hương vị lãng mạn, của nghi lễ văn hóa và tôn giáo của rượu đã bị giết chết trong chính cách uống rượu như vậy. Rượu “đẹp” như thế nhưng bị biến thành đồng lõa của những điều xấu xa và tội ác bởi chính những kẻ sử dụng quá đà, quá mức.

Cách đây mấy năm, tạp chí y khoa nổi tiếng The Lancet (Anh) đã chỉ ra Việt Nam nằm trong nhóm nước tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất thế giới và đứng đầu khu vực châu Á. Trong các tai nạn giao thông kinh hoàng ở Việt Nam thì nguyên nhân từ rượu chiếm khoảng 40%. Mỗi năm, số người chết vì tai nạn giao thông là trên dưới một vạn người (10.000 người). Theo tỷ lệ nói trên thì rượu đã trực tiếp giết chết khoảng 4.000 người mỗi năm. Ngay lúc này, Chính phủ và nhân dân trong cuộc chống Covid-19 đã rất đau lòng khi có 35 người tử vong. Mỗi một người tử vong vì Covid-19 được báo chí đưa tin lại làm cho xã hội có phần lo lắng. Nhưng thật kỳ lạ, con số tử vong trong giao thông do nguyên nhân từ rượu, bia lại chẳng làm người Việt mủi lòng mà suy ngẫm lại. Bởi thế mà con số tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam vẫn "bình tĩnh" tăng lên hằng năm.

Một buổi tối mở ra, rượu được rót vào ly, âm nhạc vang lên cùng những lời chúc mừng, tâm sự của anh em, bạn bè, vợ chồng, trai gái bên những ly rượu đã làm nên những buổi tối lãng mạn và ấm cúng. Nhưng nếu bạn thêm một chén, một chén nữa lại một chén nữa thì toàn bộ vẻ đẹp lãng mạn và ấm áp ấy sẽ tan vỡ. Và tiếp theo đó có thể là những điều tồi tệ nhất mà thực tế nó đã và đang xảy ra. Ngay cả những nơi tôn nghiêm như chùa chiền, nhà thờ, ngay cả những sự kiện văn hóa mà con người không hiểu đúng bản chất của nó mà bước qua, mà lợi dụng nó chỉ để thỏa mãn sự ham muốn thiếu suy nghĩ của mình thì cũng dễ dàng biến những nơi tôn nghiêm, những sự kiện tôn nghiêm thành một không gian phản lại những điều đẹp đẽ và thiêng liêng, thậm chí thành một nơi của tội ác dưới mọi hình thức. Và tôi lại nhớ đến một câu của người châu Âu: “Nước ngăn cách chúng ta còn rượu đưa ta lại gần nhau”. Nhưng thực tế lúc này trên đất nước chúng ta, rượu đang trở thành nguy cơ đẩy con người ra xa nhau trong nhiều nghĩa của nó.

Theo QĐND
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất