Kỷ
niệm 45 năm ngày Bác Hồ đi xa, dân tộc Việt Nam và bạn bè quốc tế
nghiêng mình tưởng nhớ đến Bác Hồ. Thời điểm này cũng khiến nhiều người
gợi nhớ đến các tác phẩm hội họa vẽ về Bác, do họa sĩ Nguyễn Khang sáng
tác. Họa sĩ Nguyễn Khang là người có may mắn, duyên lớn và bất ngờ như
có mặc định với cuộc đời họa sĩ là được gặp Bác Hồ và vẽ về Bác bằng tác
phẩm lớn mang tính sự kiện lúc Bác Hồ đi xa và cả tác phẩm lớn duy nhất
vẽ về Bác – vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam được lưu giữ, hiện diện tại
một bảo tàng quốc tế mà từ trước tới nay chưa từng có.
Họa sĩ Nguyễn Khang (1911 – 1989), người
gốc Hà Nội, tốt nghiệp khóa VI (1930 – 1935) trường Cao đẳng Mỹ thuật
Đông Dương. Họa sĩ là lớp văn nghệ sĩ đầu tiên đi kháng chiến (1945).
Năm 1962 với cương vị Hiệu trưởng Trường trung cấp mỹ thuật Công nghiệp
(nay là trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) được lệnh của Trung ương
chuẩn bị một triển lãm mẫu sản phẩm do trường sáng tác để phục vụ hội
nghị Trung ương III.
Bác Hồ đã đến, họa sĩ được gặp Bác báo
cáo giới thiệu những sản phẩm của trường. Bác xem rất kỹ, khen ngợi và
góp ý rất xác đáng, Bác đã nắm tay họa sĩ Nguyễn Khang chỉ bảo nhiều
điều và nhấn mạnh về cái đẹp trong sáng tác mẫu cũng như đào tạo: phải
gắn liền với thực tế sản xuất, mang tính dân tộc và hữu ích cho nhân dân
dùng…
Ghi nhớ, thấm nhuần lời dạy bảo của Bác,
nhà trường và họa sĩ Nguyễn Khang lấy đây là phương châm, tiêu chí đào
tạo giảng dạy, sáng tác nghệ thuật, từ đó nhà trường được nâng lên là
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, một trường trở nên nổi danh về
chất lượng đào tạo cho xã hội. Cho tới nay, trường Đại học Mỹ thuật Công
nghiệp vẫn còn phát huy được “cái gốc” truyền thống tốt đẹp ấy.
Từ lâu, Bác đã là niềm cảm hứng bất tận
cho giới văn nghệ sĩ. Thực tế, Bác Hồ có nhiều kỷ niệm ưu ái với giới mỹ
thuật. Người từng cho phép một số họa sĩ, điêu khắc được trực tiếp đến
vẽ, nặn tượng Bác…
Ai cũng muốn vẽ Bác Hồ với cái tâm và
cũng biết rằng vẽ Bác muốn thành công phải phản ánh được thần thái trên
gương mặt Bác và cử chỉ điển hình của Bác “phong thái của Bác”… Biết là
vậy, nhưng chưa ai thể hiện được Bác Hồ đầy đủ trọn vẹn qua nhiều cuộc
triển lãm, cuộc thi… để nhân dân xem thỏa mãn và quốc tế công nhận.
Họa sĩ Nguyễn Khang - người có những tác phẩm bất hủ về Bác Hồ.
Họa sĩ Nguyễn Khang là người nghệ sĩ đầu
tiên thể hiện được phong thái của Bác. Vào giữa năm 1968 đến 1969 chiến
tranh đang ác liệt, mọi cái đều thiếu thốn, khó khăn trăm bề… Họa sĩ
Nguyễn Khang lúc ấy đang là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Công
nghiệp ở nơi sơ tán Hà Bắc, bất ngờ nhận được lệnh gọi về giao nhiệm vụ
do Trung ương Đảng chỉ định: Chuẩn bị thiết kế cho lễ tang Chủ tịch Hồ
Chí Minh.
Nhận thức được tầm quan trọng của công
việc ấy, âm thầm lặng lẽ, họa sĩ khẩn trương ngày đêm một mình đi về Hà
Bắc – Hà Nội dòng dã bền bỉ. Nhà trường, cơ quan chủ quản Bộ văn hóa,
gia đình không hề biết họa sĩ đi đâu đang làm gì…
Phương án thiết kế đã được Trung ương
phê duyệt, với trọng trách mới Trưởng ban trình bày tang lễ Hồ Chủ Tịch,
với cương vị người chỉ huy, chịu trách nhiệm toàn bộ việc thực hiện
trình bày lễ tang Hồ Chủ tịch. Thời gian không còn nhiều, không cho phép
sự sai sót dù nhỏ nhất. Một lo lắng lớn rất quan trọng là cần phải có
một tấm chân dung lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm lễ đài, cần
phải có người thực hiện ngay việc ấy.
Họa sĩ Nguyễn Khang quyết định tự mình
vẽ với tất cả những gì có thể và bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
được hoàn thành (cỡ 30m2) bằng sơn dầu mầu nâu nhằm thể hiện được đúng
thần thái của Bác Hồ: sống động, giản dị, tỏa sáng.
Kết thúc lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh,
Trung ương Đảng đã khen ngợi, đánh giá cao phần thiết kế, thể hiện sang
trọng, giản dị, đạt được yêu cầu buổi tang lễ. Các đoàn ngoại giao và
quan khách quốc tế rất khen ngợi cách bài trí này. Kế tiếp họa sĩ đã
hoàn tất dự án thiết kế lễ tang cấp nhà nước ở nhiều góc độ, những thiết
kế này đã được thực hiện với lễ tang của nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà
nước.
Kỷ niệm 45 năm Bác Hồ đi xa; một sự kiện
lớn cả dân tộc Việt Nam và bạn bè Quốc tế ghi nhận đậm nét hình ảnh Bác
đi vào lịch sử. Họa sĩ Nguyễn Khang đã góp phần hoàn thành sứ mệnh trọn
vẹn với Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cái Tâm và cái Tầm hiếm có.
Ảnh tư liệu về họa sĩ Nguyễn Khang.
Mới đây, đại diện bảo tàng Fukuoka Asian
Museum (Bảo tàng nghệ thuật Châu Á) đã tìm đến gia đình họa sĩ Nguyễn
Khang để xác định nguồn gốc tác phẩm, tác giả tranh sơn mài chủ đề: Bác
Hồ về thăm một làng quê, cỡ: 920 x 1900 cm, vẽ năm 1958. Bức tranh hiện
đang được lưu giữ cẩn trọng ở bảo tàng này - một bảo tàng Chính phủ Nhật
Bản thiết lập với quy mô lớn tương xứng với các bảo tàng nghệ thuật lớn
ở Châu Âu, phương Tây.
Gia đình rất xúc động sau hơn nửa thế kỷ
“mất dấu” tác phẩm này. Qua ảnh tác phẩm gia đình đã xác định là tranh
của họa sĩ nguyên gốc: với lối vẽ riêng, độc đáo, mềm mại, bố cục chặt
chẽ… cùng thủ pháp thể hiện điêu luyện, đắp nổi, tinh xảo… màu sắc đơn
giản, màu đen của sơn ta, vàng để trần, bạc để trần, vỏ trứng gắn… để
tạo nên phong cách riêng chỉ có ở họa sĩ Nguyễn Khang mới có, đây là
phong cách nhất quán hầu hết ở các tác phẩm khác của họa sĩ đã sáng tác.
Tác phẩm về Bác Hồ này chưa từng được
công bố, giờ được hé lộ cho mọi người xem được chiêm ngưỡng, thưởng thức
và suy ngẫm những điều tác giả đã gửi gắm những thông điệp gì tới người
xem.
Với tâm và tầm của mình, họa sĩ Nguyễn Khang đã nhiều lần thể hiện được phong thái của Bác Hồ.
Mạch lạc, rõ ràng… hình tượng phong thái
Bác Hồ hiện diện ở trung tâm tác phẩm giản dị, mộc mạc, ân cần… như
đang chỉ bảo nhắc nhở về tư tưởng của Bác là đoàn kết trên dưới một
lòng, đem lại ấm no hạnh phúc, là sức mạnh trường tồn của dân tộc Việt
Nam. Nhân vật trên tranh ở với lứa tuổi khác nhau cùng hướng về Bác “Vị
lãnh tụ của lòng dân…”
Xa xa một nên cây trái sum suê, lúa nặng
trĩu hạt cùng các vật nuôi, các cháu thiếu nhi tíu tít quanh Bác… tạo
nên một không gian ấm cúng, sống động. Bác như sống giữa lòng dân, biểu
tượng nổi bật, lắng đọng sự gắn bó giao hòa tình cảm như keo sơn giữa
Lãnh tụ cách mạng với nhân dân. Hình tượng Bác Hồ, vị lãnh tụ Cách mạng
Việt Nam mang dấu ấn chính trị, tư tưởng của thời đại… đang nổi bật giữa
một bảo tàng lớn của Nhật Bản.
Chỉ đôi điều ấy, họa sĩ Nguyễn Khang đã
để lại những tác phẩm lớn tiêu biểu cho nền nghệ thuật Cách mạng, đậm đà
bản sắc dân tộc, sắc thái nghệ thuật hiện đại vô giá đầy chất nhân văn,
giới thiệu với quốc tế hiểu về dân tộc Việt Nam. Họa sĩ đã được tặng
thưởng Huân chương lao động hạng nhất; Bằng khen của Chủ tịch Hồ Chí
Minh; Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2000./.
TheoVOV