Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 1/9/2014 16:9'(GMT+7)

Thị hiếu của công chúng trẻ và âm nhạc thị trường

Sau khi bị báo chí và dư luận phê phán gay gắt, nhóm người làm ra sản phẩm có tên là "Căn hộ số 69" đã tuyên bố tạm dừng; tuy nhiên với danh nghĩa "món quà chào tạm biệt", họ tiếp tục sản xuất MV (music video) "Oh my chuối" với tiết mục ca nhạc do một nữ ca sĩ - người thủ một vai diễn trong "Căn hộ số 69", thể hiện và đưa lên trang Youtube. Từ mấy bộ váy áo cũn cỡn, vũ điệu như mang theo mầu sắc "gợi dục", từ thứ ca từ nhảm nhí (thí dụ: "Em thích chuối tây, chuối ta. Anh mang chuối cho em nha. Đêm nay ta quẩy trong bar") có thể coi MV "Oh my chuối" là cách nối dài sự dung tục từng thể hiện trong "Căn hộ số 69". Đáng ngạc nhiên là MV "Oh my chuối" lại thu hút một số người xem trên Youtube và theo một bài báo thì: "Đa phần ý kiến cho rằng "Oh my chuối" là thảm họa của V-pop, nhảm nhí, tục tĩu và có phần gợi dục. Không ít người bức xúc phải thốt lên rằng "đây cũng được cho là bài hát sao?" và xếp MV này vào một trong những sản phẩm "rẻ tiền", "lố lăng". Từ bối cảnh đời sống âm nhạc ở Việt Nam thường xuất hiện cái gọi là "thảm họa" thì sự kiện này không phải lạ lẫm. Như cuối năm 2013, trong một buổi biểu diễn tại Hải Phòng, hai nam rapper trẻ trình bày một ca khúc khá nổi tiếng với lời "chế" tục tĩu, đáng nói là lời "chế" này lại được khán giả tại buổi biểu diễn ủng hộ! Hai ca sĩ này còn cùng một vài ca sĩ thuộc dòng nhạc underground khác (hiểu nôm na là dòng nhạc không chính thống) biểu diễn ca khúc "Phiếu bé ngoan" gồm hai phần, đều có các ca từ vô cùng tục tĩu, phản cảm, mang tính khiêu dâm trần trụi và được đăng tải trên một số trang nghe nhạc trực tuyến. Đáng tiếc là trong khi có bạn đọc nhận xét trên Youtube: "YANBI sáng tác ra ca khúc này quả là con người quá bệnh hoạn. Ca từ dung tục, trần trụi không một chút nghệ thuật dẫu là nghệ thuật của tầng lớp sến, hạ cấp... Chắc khi sáng tác bài này YANBI đang ở thời kỳ bệnh... nặng về thần kinh" thì vẫn có ý kiến cho rằng, đó là thể loại nhạc riêng tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng, và họ hát là vì niềm say mê âm nhạc!?

Hai sự kiện kể trên và nhiều sự kiện khác cho thấy, thực tế đời sống âm nhạc ở Việt Nam hiện đang có một số ca khúc rất thiếu văn hóa, giai điệu nhạt nhòa, na ná nhau, ca từ hời hợt, dễ dãi, song vẫn được một bộ phận công chúng yêu thích; thậm chí, ca sĩ thể hiện được coi là "thần tượng", được hâm mộ. Thực tế đó khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Phải chăng thị hiếu âm nhạc của một bộ phận công chúng, nhất là công chúng trẻ, đang trong xu hướng xấu dần đi? Nguyên nhân của thực trạng đã không ít lần được chỉ ra, nhưng với sự kết nối ngày càng mở rộng và nối dài của in-tơ-nét, với sự vô trách nhiệm (nếu không nói là vô ý thức) của một số nhạc sĩ và ca sĩ, với một số người sản xuất và chương trình ca nhạc tạo ra sàn diễn công khai cho ca khúc loại này thể hiện, với tình trạng cơ quan quản lý nghệ thuật trong một số trường hợp chỉ "chạy theo giải quyết" sau khi báo chí và dư luận lên tiếng... thì tình trạng đó khó có thể giải quyết rốt ráo, triệt để. Và nếu cứ như vậy, vấn đề càng trở nên nguy hại hơn, vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị hiếu thẩm mỹ nói chung, thị hiếu âm nhạc nói riêng, của một hoặc vài thế hệ.

Về khái niệm, thị hiếu là năng lực cảm thụ, phân biệt các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật cũng như khả năng đánh giá về chúng. Từ định nghĩa này suy ra, có thể coi thị hiếu âm nhạc là khả năng của mỗi cá nhân trong khi đánh giá sản phẩm âm nhạc, từ đó kết luận về sự hay - dở, xác định thái độ thích hay không thích đối với tác phẩm. Trong đời sống xã hội, trong quá trình tiếp nhận nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của cá nhân rất đa dạng, có một số nét khác nhau vì thị hiếu thẩm mỹ hình thành như là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố: từ trình độ am hiểu nghệ thuật, lứa tuổi, nghề nghiệp, thế giới cảm xúc, tới sở thích của cá nhân, trình độ và sự tích lũy tri thức, sự trải nghiệm, đặc điểm văn hóa địa phương, nhất là truyền thống văn hóa của cộng đồng, trong đó mỗi người là thành viên,... Tuy khác nhau nhưng thị hiếu thẩm mỹ vẫn có mẫu số chung, đó là giúp con người hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ, tiếp nhận nghệ thuật không chỉ để thỏa mãn nhu cầu, để giải trí, mà qua đó thu nạp những giá trị có ý nghĩa xã hội - con người, thu nạp tri thức, sự hiểu biết, làm phong phú đời sống tinh thần, đặt mình vào xu hướng luôn hành động sao cho có thể vừa làm đẹp bản thân, vừa góp phần làm đẹp xã hội. Với lớp trẻ, do những yếu tố làm nên thị hiếu thẩm mỹ còn chưa sâu sắc, chưa cơ bản, cho nên khả năng đánh giá, sự lựa chọn thẩm mỹ chưa định hình rõ nét. Vì thế, xã hội và thế hệ đi trước cần giúp họ từng bước hình thành thị hiếu thẩm mỹ, chứ không thể chỉ có chạy theo để thỏa mãn nhu cầu, sở thích của họ. Ngay cả khi trong lớp trẻ hình thành các nhóm sở thích, cũng không nên coi đó là một trong các tiêu chuẩn sáng tạo nghệ thuật; vì sở thích ấy thường tương tự như một thứ "mốt", không phải khi nào cũng được dẫn dắt bởi một lý tưởng thẩm mỹ đúng đắn, lành mạnh.

Hơn chục năm trở lại đây, đời sống âm nhạc Việt Nam rất đa dạng với khá nhiều thể loại và xu hướng. Bên cạnh xu hướng âm nhạc chính thống với các tác phẩm được đánh giá có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật, là sự tồn tại rất sôi động của xu hướng âm nhạc thị trường. Tuy mới xuất hiện, nhưng xu hướng này lại thu hút đông người xem - nghe, chủ yếu là giới trẻ. Về hình thức, sự xuất hiện, tồn tại của xu hướng âm nhạc thị trường là khó tránh khỏi, bởi đó là một trong nhiều hệ quả của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa và nghệ thuật diễn ra trên toàn cầu. Và cũng không có gì đáng nói nếu xu hướng âm nhạc này không đưa ra một số ca khúc kiểu "mì ăn liền" với ca từ nhảm nhí, dung tục với một số ca sĩ chưa cho thấy tài năng mà chỉ cho thấy đủ loại scandal và các chiêu trò để tạo tên tuổi. Một tác phẩm âm nhạc có giá trị tư tưởng - nghệ thuật, tác động tích cực tới tâm hồn của người xem - nghe bao giờ cũng bắt đầu từ cảm xúc trong sáng, là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, cùng với sự thăng hoa cảm xúc. Thế nhưng, xem - nghe một số sản phẩm của xu hướng âm nhạc thị trường lại dễ nhận ra tính "ăn xổi", dễ dãi từ lối ăn mặc của ca sĩ đến phối khí, múa minh họa,... Loại sản phẩm đó được phát tán, lan truyền qua in-tơ-nét và đã tác động đến một bộ phận công chúng trẻ, làm hình thành trong bộ phận này kiểu thị hiếu âm nhạc không phù hợp với truyền thống văn hóa, không phù hợp với sự phát triển con người. Từ tình trạng này có thể đặt ra hai câu hỏi: Phải chăng các nhà sản xuất sản phẩm âm nhạc thị trường cố tình chạy theo, cổ vũ cho thứ âm nhạc được gọi là "giải trí" nhưng thiếu lành mạnh? Phải chăng họ không giúp công chúng lựa chọn bằng cách chỉ đưa tới một loại sản phẩm và quảng bá như là sản phẩm của thế giới hiện đại để lớp trẻ đua theo? Bên cạnh sự ảnh hưởng từ xu hướng âm nhạc thị trường trong nước, phải kể tới ảnh hưởng từ làn sóng âm nhạc nước ngoài, nhất là K-pop (pop Hàn Quốc). Với số người trẻ hâm mộ dòng nhạc này, họ say mê ngay cả khi họ không hiểu ca từ, chỉ cần vũ điệu sôi động và ca sĩ đẹp. Mà thí dụ điển hình cho sự hâm mộ thái quá với K-pop là hiện tượng có bạn trẻ "hôn chiếc ghế thần tượng đã ngồi" sau khi anh này đứng lên, hay giữa mùa hè vẫn mặc áo mùa đông để giống với "thần tượng"! Các hiện tượng đó cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng trong năng lực tiếp nhận thẩm mỹ của một bộ phận lớp trẻ. Họ như đang tỏ ra thiếu một "điểm tựa", thiếu một hệ tiêu chí thẩm mỹ đúng đắn để dẫn dắt, lựa chọn hành động giữa một đời sống âm nhạc ngổn ngang và có lẽ gần như bị bỏ ngỏ.

Đời sống âm nhạc cần tới sự đa dạng với nhiều xu hướng, nhiều thể loại âm nhạc và xã hội khuyến khích các tìm tòi sáng tạo mới có ý nghĩa tích cực. Nhưng sự đa dạng, phong phú và sáng tạo mới phải dựa trên tính thẩm mỹ, trên nền tảng văn hóa. Sự lỏng lẻo, còn thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng liên quan đã phần nào khiến thị trường âm nhạc Việt Nam thời gian qua rơi vào khủng hoảng trong sự hỗn độn, một số trường hợp như mất phương hướng. Bên cạnh đó, hệ thống quảng bá, tuyên truyền âm nhạc, nhất là một số chương trình âm nhạc trên truyền hình cũng có xu hướng lựa chọn nhạc thị trường như giải pháp an toàn mà vẫn thu được lợi nhuận. Số cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc ngày càng nhiều, nhưng chưa thật sự chú trọng chất lượng mà chủ yếu, như vì mục đích kinh doanh, nên mang đến "món ăn" thập cẩm, nhạt nhẽo, đôi khi làm trò gây cười hơn là thể hiện tài năng, sáng tạo nghệ thuật? Ngoài ra, một số tờ báo (nhất là báo, trang tin trên mạng) cũng cổ xúy xu hướng âm nhạc này khi ngày ngày đăng tải tin tức vô bổ về đời tư của ca sĩ trẻ, về các scandal, về mấy chuyện tình ái đáng giấu đi hơn là khoe ra,...để thu hút đông độc giả. Điều này phần nào khiến nhiều người nghe nhạc, nhất là những người trẻ tin vào các giá trị "ảo", hay các giá trị ngoài âm nhạc, từ đó dẫn đến lựa chọn lệch chuẩn thẩm mỹ. Dẫu thế nào thì âm nhạc cũng không phải là môi trường tự do để nghệ sĩ tha hồ đưa ra loại sản phẩm lệch lạc, vì thế ngoài ý thức trách nhiệm của mỗi người trong nghề, cùng với việc cần phổ biến những tác phẩm có chất lượng tư tưởng - nghệ thuật tốt, đưa âm nhạc lành mạnh đến với công chúng nhiều hơn, góp phần nâng cao thị hiếu âm nhạc cho giới trẻ, các cơ quan chức năng cần chú ý hơn nữa đến trách nhiệm của mình, nhất là các công việc trước biểu diễn, phát tán, lưu hành sản phẩm mang xu hướng âm nhạc thị trường. Về phía người yêu âm nhạc, ngoài việc trau dồi tri thức đã được truyền dạy trong nhà trường, qua sách báo, phim ảnh,... mỗi người phải tự trang bị cho mình nền tảng cơ bản để xây dựng một thị hiếu âm nhạc đúng đắn, lành mạnh, có văn hóa, tránh sai lạc khi đánh giá, lựa chọn tác phẩm./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất