Là người đã từng tham gia phụ trách Nhà hát tuồng Việt Nam, nên
tôi luôn luôn theo dõi bước đi của đơn vị nghệ thuật đầu đàn này, trước
hết là xem có giữ được truyền thống và giữ được bản sắc tuồng hay
không? Nói tới tuồng (hát bội) là nói tới một loại hình nghệ thuật cổ
điển, bác học có tuổi đời cao nhất, có thủ pháp biểu diễn phong phú
nhất ở Việt Nam. Tuồng có thể so sánh với Kinh Kịch Bắc Kinh, với Kịch
Noh Nhật Bản. Và nói tới nghệ thuật tuồng, những người yêu tuồng không
thể không nhắc tới những bậc thầy soạn tuồng và dạy tuồng như Đào Tấn,
Nguyễn Diêu, Nguyễn Hiên Dĩnh... Riêng Đào Tấn đã được ngành tuồng cả
nước suy tôn là hậu Tổ, bởi ông là người có công lớn nhất về sáng tác
tuồng, lý luận tuồng và đào tạo nghệ nhân tuồng giai đoạn cuối thế kỷ
19, đầu thế kỷ 20. Tuồng là nghệ thuật có tuổi đời cao nhất (khoảng từ
năm đến sáu trăm năm) và có mặt khắp ba miền đất nước rất sớm.
Theo nghiên cứu của chúng tôi thì tuồng ra đời trên miền bắc rồi di
dần vào miền trung và Nam Bộ theo con đường nam tiến của người Việt.
Điều đó được chứng minh với việc Đào Duy Từ đã mang "hạt giống" tuồng
từ Thanh Hóa vào Bình Định từ thế kỷ 16. Bình Định là mảnh đất màu mỡ
cho hạt giống tuồng Bắc nảy nở và đơm hoa kết trái, cụ thể là miền đất
võ này đã đón chào và tiếp thu tuồng một cách thuận lợi nhất, bởi nghệ
thuật biểu diễn tuồng không thể thiếu được các yếu tố võ thuật hoặc nói
cụ thể hơn là nội dung kịch bản tuồng với những chuyện phe phái chính
tà, với những cuộc đấu tranh huyết chiến được thể hiện qua những hình
tượng nghệ thuật sinh động trên sân khấu nên không thể thiếu yếu tố võ
thuật, dĩ nhiên là phải được cách điệu hóa, tuồng hóa...
Sở dĩ Nhà hát tuồng Việt Nam (Đoàn nghệ thuật tuồng Bắc) đến tháng
9-1959 mới thành lập là vì có một thời gian dài trong cuộc kháng chiến
chống thực dân Pháp, nghệ thuật tuồng trên miền bắc bị mai một , nhiều
nghệ sĩ tuồng chuyên nghiệp vì bát cơm manh áo mà phải chuyển sang diễn
chèo, diễn cải lương, còn phong trào tuồng ở nông thôn tuy vẫn bám cái
gốc của nó nhưng cũng không hoạt động được bao nhiêu, may mà không bị
lụi tàn! Nhờ có ánh sáng cách mạng soi vào và nhờ sự quan tâm của Đảng,
của Bác Hồ mà các loại hình nghệ thuật sân khấu dân tộc mới được phục
hồi, trong đó có nghệ thuật tuồng Bắc. Cụ thể là Đoàn nghệ thuật tuồng
Bắc được thành lập trên cơ sở những nghệ sĩ tuồng nổi tiếng tại các
tỉnh, thành phố trên miền bắc như: Bạch Trà, Quang Tốn, Ba Tuyên, Đắc
Nhã, Lê Bá Tùng... Những nghệ nhân ấy, những tài năng tuồng ấy đã làm
nòng cốt cho một đơn vị nghệ thuật tuồng Bắc ra đời từ chín người tăng
lên vài ba chục người do sự sáp nhập của Đoàn tuồng Kim Lan ở Hà Nội và
cho tới hôm nay (năm 2014) đã có hơn 100 người (nhiều thế hệ nối tiếp
nhau) trong đó có nhiều NSND, NSƯT và tài năng trẻ.
Có thể coi Nhà hát tuồng Việt Nam là đơn vị tuồng mạnh nhất trên miền
bắc, cũng như Nhà hát tuồng Đào Tấn được coi là mạnh nhất ở miền
trung. Điểm thuận lợi nhất cho Nhà hát tuồng Việt Nam hôm nay là đơn vị
nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên được đầu tư nhiều
hơn, lớn hơn các đơn vị nghệ thuật tuồng ở địa phương. Hiện nay, các
đơn vị nghệ thuật tuồng cả nước chưa ở đâu có nhà hát hiện đại như Nhà
hát Hồng Hà giữa lòng Thủ đô Hà Nội dành riêng cho Nhà hát tuồng Việt
Nam. Nhờ đó mà nhà hát được ổn định và phát triển rất nhanh, hàng loạt
tiết mục tuồng truyền thống được phục hồi và nhiều vở tuồng đề tài lịch
sử, đề tài hiện đại cũng được ra đời. Đã có thời kỳ Nhà hát tuồng Việt
Nam đi đầu về sáng tác và biểu diễn đề tài hiện đại và đề tài nước
ngoài, luôn luôn đem tới cho công chúng những món ăn tinh thần mới lạ,
nhưng cũng vì quá say sưa với cái "mới lạ" mà đã có lúc phong trào cải
tiến, cách tân tuồng đi quá đà biến tuồng thành kịch nói pha tuồng. Đã
có thời kỳ trên "bầu trời tuồng Bắc" những "ngôi sao" bị mờ dần do sự
tác động ghê gớm của cơ chế thị trường. May sao xu hướng cách tân, cải
tiến tuồng được kịp thời ngăn chặn và nhà hát lại tiếp tục con đường
bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng truyền thống, những vở tuồng: Sơn
hậu, Đào Phi Phụng, Triệu Đình Long, Ngoại tổ dâng đầu... được phục hồi,
những vở tuồng lịch sử liên tục được ra đời như: Đề Thám, Trần Hưng
Đạo, Ngô Quyền, Chu Văn An, Nguyễn Tri Phương, Phò mã Thân Cảnh Phúc...
Dĩ nhiên không phải tất cả những tác phẩm nghệ thuật ấy không có những
hạt sạn. Sự thiếu vắng vai trò nghiên cứu học thuật trong sáng tạo
nghệ thuật nhất là nghệ thuật truyền thống thường dẫn tới những hệ lụy
đáng tiếc. Điều này là một sự tế nhị rất khó nói ra khi ngành lý luận
phê bình nghệ thuật đang gần như tê liệt. Ở một số đơn vị tuồng trong
cả nước những cái lỗi đáng tiếc trên sân khấu tuồng hiện nay là lỗi
thiếu tri thức cơ bản về tuồng truyền thống.
Nhớ lại, kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Đoàn tuồng Bắc (nay là Nhà
hát tuồng Việt Nam), tôi được nhà hát giao cho viết tổng kết khoa học,
đến kỷ niệm lần thứ 40, tôi chào mừng nhà hát bằng cuốn sách Nghệ
Thuật tuồng Bắc. Lần này, kỷ niệm 55 năm, tôi muốn nhắc lại một sự kiện
quan trọng về văn hóa đối ngoại đó là lần đầu tiên đưa tuồng đến các
nước xã hội chủ nghĩa ở châu Âu (Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức,
Bunga-ri...). Hầu hết những gương mặt sáng giá của nhà hát tuồng Việt
Nam lúc đó, từ đạo diễn NSND Ngọc Phương đến các diễn viên tài năng như
Tiến Thọ, Mẫn Thu, Đàm Liên, Kim Cúc, Minh Ngọc, Hoàng Khiềm, kể cả Hữu
Dũng độc tấu trống tuồng điệu nghệ... đều chinh phục được khán giả
châu Âu. Là người từng tham gia phụ trách Đoàn tuồng Việt Nam đi biểu
diễn ở châu Âu, tôi đã được nghe, được đọc những lời ca ngợi của các
nhà nghiên cứu sân khấu, nghệ sĩ sân khấu và giới báo chí nước ngoài về
nghệ thuật tuồng Việt Nam qua chuyến đi biểu diễn dài ngày và nhiều
nước của Nhà hát tuồng Việt Nam và họ ca ngợi nghệ thuật tuồng truyền
thống nguyên chất được thể hiện qua tài năng của những nghệ sĩ tuồng
đích thực. Đó cũng là điều mà tôi tâm đắc và các nghệ sĩ, diễn viên hôm
nay của "tuồng Bắc" cũng đang ra sức giữ gìn, phát huy.
TheoNhanDan