Thứ Sáu, 22/11/2024
Văn hóa
Thứ Sáu, 14/1/2022 9:39'(GMT+7)

Chuyển đổi số là một trong bốn khâu đột phá của ngành văn hóa năm 2022

Một cảnh trong vở kịch "Làm vua" được phát trực tuyến trên YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Một cảnh trong vở kịch "Làm vua" được phát trực tuyến trên YouTube Nghệ thuật biểu diễn Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Chủ đề điều hành năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển". Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã xác định chủ đề chỉ đạo, điều hành năm 2022 là “Kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả”, tập trung vào 4 khâu đột phá.

BỐN KHÂU ĐỘT PHÁ

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định năm 2022, tình hình quốc tế, trong nước đứng trước những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen.

Dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm hơn với các biến chủng mới, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài đẩy nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái sâu. Là nền kinh tế có độ mở lớn nên Việt Nam khó đứng ngoài xu thế đó.

Trong nước, sau 2 năm chống dịch, kinh nghiệm, năng lực ứng phó của cả hệ thống tuy đã được nâng lên, nhưng giãn cách xã hội kéo dài khiến sản xuất bị đình trệ, đời sống nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, sức chống chịu của cả doanh nghiệp và người dân đều giảm.

Với tỷ lệ che phủ vaccine COVID-19 cao, cùng các chính sách kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương, cao hơn năm 2021.

Do đó, năm 2022, toàn ngành văn hóa, thể thao và du lịch cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp “Chấn hưng văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới” với quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, tiếp tục phương châm “Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến”, ngành văn hóa, thể thao và du lịch xác định chủ đề chỉ đạo, điều hành năm 2022 là “Kỷ cương, chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả” với bốn khâu đột phá.

Đầu tiên là về thể chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục xây dựng luật ở những lĩnh vực chuyên môn hiện đang điều chỉnh bằng Nghị định của Chính phủ và đã có đủ cơ sở về lý luận và thực tiễn để xây dựng Luật (Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm...).

Bên cạnh đó, Bộ tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật hiện hành không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới (Luật Di sản văn hóa, Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Sở hữu trí tuệ phần quyền tác giả, quyền liên quan); xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định tháo gỡ khó khăn cho các lĩnh vực có tính đặc thù của ngành.

Đó là Nghị định về một số chế độ, chính sách đối với viên chức, người lao động chuyên môn trong các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập; Nghị định về hoạt động văn học; Nghị định Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Khâu đột phá thứ 2 mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xác định thực hiện trong năm 2022 là thiết chế. Để thực hiện, Bộ sẽ tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt: Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045; Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.

Cùng với đó, Bộ tập trung triển khai các dự án đầu tư, hoàn thiện hạ tầng thiết chế văn hóa, thể thao và một số dự án động lực, có sức lan tỏa của ngành đã được xác định trong Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 (Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa biển đảo).

Tiếp theo là nguồn nhân lực với các nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ; đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng công chức, viên chức; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ.

Khâu đột phá thứ 4 của ngành trong năm 2022 là chuyển đổi số trong các lĩnh văn hóa, thể thao và du lịch; tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của mô hình “nhà hát online”, thúc đẩy xây dựng, phát triển mô hình “Bảo tàng online”, phát triển du lịch thông minh; triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện.

Trong năm 2021, việc chuyển hướng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở vật chất không đồng bộ, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, phân bổ nhỏ lẻ.

DU LỊCH TÍCH CỰC CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số được nhận định là một xu hướng tất yếu, yêu cầu cấp thiết, nhằm hỗ trợ du lịch phục hồi, phát triển bền vững hơn trong bối cảnh mới. Nắm bắt được xu thế này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch triển khai, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chuyen doi so la mot trong bon khau dot pha cua nganh van hoa nam 2022 hinh anh 2Người dân Thành phố Hồ Chí Minh trải nghiệm không gian giới thiệu hình ảnh và thông tin điểm đến nổi bật tại Bưu điện Trung tâm thành phố. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài bị tạm dừng từ lâu. Để tiếp tục vận hành có hiệu quả nhiệm vụ quảng bá xúc tiến, thông tin du lịch, ngành đã kịp thời chỉ đạo chuyển hướng, áp dụng công nghệ thông tin, triển khai đồng bộ các giải pháp E-marketing như xây dựng Chiến dịch xúc tiến quảng bá “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” (Live fully in Vietnam) trên hệ thống mạng xã hội, các kênh trực tuyến (Facebook; Youtube; Tiktok…); hợp tác với Agoda xây dựng phương án đẩy mạnh quảng bá du lịch Việt Nam qua các kênh marketing số; phối hợp với Google triển khai chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube với chủ đề “Việt Nam: Đi để yêu!”; phối hợp với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam quảng bá hình ảnh Việt Nam tại Quảng trường Thời đại (Mỹ)...

Ngành cũng xây dựng đề án ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số; triển khai dự án “Chuyển đổi số trong ngành du lịch”; nâng cấp và phát triển ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” (tiếng Việt - tiếng Anh) để phục vụ việc mở lại hoạt động du lịch quốc tế và nội địa…

Ngành hợp tác với Google để khai thác nhu cầu tìm kiếm thông tin số về du lịch Việt Nam thông qua các công cụ Travel Insights (bao gồm Destination Insights, Hotel Insights và Travel Analytics Center); tập huấn về nâng cao năng lực, kỹ năng số cho các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ ở Việt Nam.

Đến nay, đã có Thành phố Hồ Chí Minh công bố việc hoàn thiện chuyển đổi kỹ thuật số Bộ tài nguyên du lịch với 366 điểm đến lên nền tảng định vị trực tuyến Google Map, Google Earth.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, du lịch không thể ngồi chờ đến khi không còn COVID-19 mà phải thích ứng an toàn, kiểm soát có hiệu quả; trên cơ sở sơ kết thí điểm đón khách quốc tế, ngành đề xuất Chính phủ lộ trình mở cửa lại thị trường đón khách quốc tế phù hợp khi độ bao phủ vaccine đầy đủ...

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã có độ bao phủ vaccine phòng COVID-19 lớn thứ 6 trên thế giới. Đó cũng là cơ sở để ngành mạnh dạn tham mưu mở cửa du lịch, tất nhiên mở cửa là phải kiểm soát an toàn.

Bên cạnh đó, ngành cần chú ý nhiều hơn đến du lịch nội địa, cùng các địa phương tạo ra sản phẩm mới, liên kết an toàn; triển khai sớm, nhanh chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch...

Năm 2022, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch (trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, 60 triệu lượt khách du lịch nội địa), bằng 150% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.

Ngành cũng xây dựng lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2024 và các giai đoạn đến 2030, 2040; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh; từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19./.

 

Thanh Giang (TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất