Một trong những nội dung cốt lõi trong Di chúc của Bác Hồ là “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Thực hiện di nguyện của Bác, 47 năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã luôn nỗ lực mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân, giúp nhân dân không những “ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, mà chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng lên, dù xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp.
Tuy vậy, để thực hiện được di nguyện của Bác, chúng ta còn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở nước ta còn cao, số địa phương còn khó khăn, đặc biệt khó khăn còn lớn. Thực trạng ấy khiến không ít người phải trăn trở với câu hỏi: Vì sao một đất nước giàu truyền thống, người dân cần cù, thông minh như Việt Nam mà kinh tế vẫn chưa giàu như nhiều nước bè bạn khác? Điều đáng nói là những địa phương được coi là "cái nôi" của cách mạng trong những giai đoạn "nước sôi lửa bỏng", nơi lưu dấu nhiều di tích cách mạng nhất lại thường là những địa phương đang còn nghèo về kinh tế. Điều này có vẻ nghịch lý, bởi ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có di tích nổi tiếng thường có thể làm giàu từ việc thu hút khách du lịch.
Để xóa "nghịch lý" ấy, một mặt, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường đầu tư nhiều hơn ở những vùng giàu truyền thống cách mạng, vùng khó khăn có những di tích nổi tiếng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng cần chủ động hơn trong việc phát huy lợi thế, tiềm năng, có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy người dân địa phương thi đua phát triển kinh tế gia đình một cách lành mạnh; tận tâm hướng dẫn bà con áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi để làm ra của cải vật chất, đóng góp cho quê hương, đất nước.
“Dân có giàu thì nước mới mạnh”, càng giàu truyền thống thì càng phải mạnh. Nhưng để đạt được mục tiêu đó, ngoài các chính sách phù hợp, thông thoáng hiện nay, việc tiếp tục nghiên cứu, áp dụng các cơ chế đặc thù, mô hình kinh tế hiệu quả cho những vùng căn cứ cách mạng, vùng đặc biệt khó khăn để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân cần được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tiếp tục nghiên cứu, áp dụng. Tránh tình trạng “giật gấu vá vai” trong phát triển kinh tế. Từng hộ gia đình và từng người dân, cũng phải quyết tâm, cố gắng, tận dụng mọi cơ hội để làm giàu. Bởi chính sách của Đảng, Nhà nước có thông thoáng đến đâu cũng sẽ khó mang lại hiệu quả nếu người dân luôn mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Chỉ khi các cấp chính quyền và người dân cùng "chung tay", đồng lòng; chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho các vùng quê cách mạng phù hợp, hiệu quả, thì đời sống ở các vùng quê hương giàu truyền thống cách mạng mới khởi sắc, di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trở thành hiện thực./.
Chiến Thắng (QĐND)