Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 26/8/2016 21:27'(GMT+7)

Không sợ mất lòng

Phiên giải trình của Chính phủ tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Quốc hội Khóa XIII

Phiên giải trình của Chính phủ tại Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ, Quốc hội Khóa XIII

Không nên giữ tâm lý ngại phát biểu

Chất vấn không phải để chứng tỏ ta đây có những câu hỏi để đời mà đích đến phải là làm rõ vấn đề, chỉ rõ được trách nhiệm và giải pháp xử lý ra sao. Ví dụ: Trên nghị trường, có ĐBQH nói rằng: “Chưa bao giờ con đường đi từ dạ dày tới nghĩa địa lại ngắn như bây giờ?!”. Nghe như một câu khôi hài nhưng ngẫm ra là sự chua xót từ tận đáy lòng. Hàng loạt câu hỏi đặt ra là tại sao? Chính phủ, các bộ, ngành tiến hành bao nhiêu cuộc thanh tra, kiểm tra, nhưng tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm, mất an toàn môi trường sống ngày càng nghiêm trọng. Và đây chỉ là một vấn đề gây bức xúc trong vô vàn vấn đề quan trọng quốc gia cần được QH quan tâm giải quyết, đáp ứng đòi hỏi của cử tri. 

Thực tế ấy đòi hỏi cần cải tiến, đổi mới hơn nữa các hoạt động của QH, trong đó có hoạt động giám sát, chất vấn. Không nên “hành chính hóa” cơ quan dân cử. Cần khai thác và phát huy tối đa năng lực, trí tuệ của các ĐBQH hoạt động chuyên trách. Đã là ĐBQH thì không nên và không thể sợ mất lòng, không nên “hài hòa”, hoặc vì tôi cũng có ưu, có khuyết dẫn tới tình trạng nể nang nhau, không dám chất vấn. QH là diễn đàn chung của các ĐBQH, mỗi ĐBQH có một lá phiếu ngang nhau, bất luận là đại biểu giữ cương vị cao hay bình thường, trong Đảng hay ngoài Đảng, công tác ở Trung ương hay địa phương, cơ sở. Nói cách khác, đại biểu nào cũng là đại biểu của dân, vì vậy, phải phản ánh thẳng thắn, trung thực tiếng nói của dân trước nghị trường, chứ không nên cho rằng “việc đó biết rồi, khổ quá nói mãi…”. Đặc biệt, đã là đại biểu thì không nên giữ tâm lý ngại phát biểu, vì sợ về Đoàn hoặc về địa phương sẽ bị phê bình.

Muốn vậy, tại các phiên họp, kỳ họp, QH cần dành thêm thời gian để ĐBQH thảo luận, tranh luận, chất vấn ở Hội trường. Đây cũng là nguyện vọng của đông đảo cử tri, vì rằng cử tri cần nghe QH thảo luận, tranh luận, chất vấn hơn là những lời khen “có cánh”. Cử tri cũng không cần nghe kể lại tình hình khi Chính phủ đã trình bày Báo cáo tóm tắt, đồng thời gửi kèm Báo cáo đầy đủ với những số liệu chứng minh, mà cử tri cần nghe chính kiến của ĐBQH. Bằng chứng là ngay sau phiên chất vấn, không ít cử tri đã thẳng thắn bày tỏ sự không hài lòng với những câu mang tính chất hỏi cho biết hoặc kể lể tình hình dài dằng dặc mà không rõ chất vấn cái gì? Đồng thời hoan nghênh và đánh giá cao những chất vấn ngắn gọn, rõ vấn đề và buộc người trả lời chất vấn phải đi đến cùng sự việc.

Chất vấn không thể như ném đá ao bèo

Chất vấn của QH trên hội trường, hay tại phiên họp của UBTVQH, phiên giải trình của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH cũng chỉ gói gọn trong mấy phiên hoặc mấy giờ đồng hồ. Vấn đề quan trọng là hậu giám sát, hậu chất vấn như thế nào, không thể như là ném đá ao bèo được. Tôi cho rằng, với những quy định pháp luật hiện hành, nhất là vừa qua QH đã thông qua Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, thì không thể nói rằng còn thiếu luật trong hoạt động giám sát, chất vấn. Vì rằng, về nhiệm vụ, quyền hạn của QH, Khoản 8, Điều 70, Hiến pháp 2013 quy định: “… bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Về quyền giám sát tối cao của QH, Khoản 6, Điều 11, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND 2015 quy định: “Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Hay trong việc xem xét kết quả giám sát, Khoản 4 Điều 35, Luật này cũng ghi rõ, UBTVQH có quyền “đề nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Liên quan đến thẩm quyền giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, Điều 45, ghi rõ: “… kiến nghị UBTVQH xem xét trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Với ĐBQH, Điều 56 quy định: “ĐBQH có quyền kiến nghị UBTVQH xem xét trình QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn”… Dẫn chứng như thế để thấy rằng, quy định của pháp luật hiện hành về thẩm quyền giám sát của QH, UBTVQH, các cơ quan của QH, ĐBQH… đã rất rõ ràng và cụ thể. Cái còn thiếu ở đây có chăng là nhiệt huyết, bản lĩnh và dũng khí của đại biểu.

QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước. Giám sát của QH nhằm làm cho Hiến pháp và pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Và “cây gậy cuối cùng” của QH là được quyền “lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do QH bầu hoặc phê chuẩn”. Cho nên, thiết nghĩ, đã là đại biểu dân cử, nhất là ĐBQH thì cần làm thật tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cử tri và nhân dân luôn tin tưởng và giám sát hoạt động của người đại biểu mà họ đã trao gửi qua lá phiếu bầu.

Theo daibieunhandan.vn




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất