Chủ Nhật, 29/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 6/10/2012 17:19'(GMT+7)

Có hay không cuộc chiến kinh tế chống I-ran của phương Tây?

Người dân I-ran biểu tình bằng cách đốt thùng rác tại trung tâm Tê-hê-ran ngày 3/10.(Ảnh: AP)

Người dân I-ran biểu tình bằng cách đốt thùng rác tại trung tâm Tê-hê-ran ngày 3/10.(Ảnh: AP)

Trước đó hai ngày, sau khi đồng tiền ri-an của I-ran bị rớt giá kỷ lục so với đồng USD và các ngoại tệ có khả năng chuyển đổi khác, hàng trăm người I-ran đã tuần hành và tụ tập bên ngoài ngân hàng trung ương tại trung tâm thủ đô Tê -hê-ran, kêu gọi thống đốc từ chức và hô to các khẩu hiệu chống chính phủ. Theo BBC, một số người biểu tình còn đốt lốp xe cao su và thùng rác khiến cảnh sát I-ran phải dùng tới hơi cay để giải tán đám đông. Thêm vào đó, nhằm giảm bớt tình trạng rối loạn do người dân đổ xô đi mua ngoại tệ, nhà chức trách đã phải huy động rất đông cảnh sát để đóng cửa các cửa hàng trao đổi tiền tệ và bắt giữ những người đổi tiền bất hợp pháp ở Tê-hê-ran.

Từ đầu năm 2012, đồng ri-an của I-ran đã sụt giá mạnh so với các đồng ngoại tệ do sức ép của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt đối với Ngân hàng trung ương I-ran từ tháng 1. Theo hãng tin Mehr, chiều 4/10, tỷ giá đồng ri-an so với đồng USD là 1USD đổi được 29.500 - 32.000 ri-an, so với tỷ giá ngày 2-10 là 1USD/36.500 ri-an, thấp nhất kể từ đầu năm theo lịch I-ran (bắt đầu từ ngày 20-3). Năm 2010, 1USD chỉ đổi được 13.000 ri-an.

Ngày 2-10 vừa qua, Tổng thống I-ran M. A-ma-đi-nê-giát (M. Ahmadinejad) đã cáo buộc phương Tây gây "chiến tranh tâm lý" nhằm tăng sức ép lên lĩnh vực kinh tế và tài chính của I-ran, khiến đồng nội tệ ri-an của nước này giảm giá so với các ngoại tệ trong những ngày qua. ông cho biết vì cuộc chiến tâm lý và chiến tranh kinh tế nói trên đã áp đặt những "điều kiện phi thực tế" lên thị trường tiền tệ, nên tỷ giá cũng không phản ánh đúng thực tế. ông A-ma-đi-nê-giát cho rằng, tỷ giá thực giữa đồng USD và đồng ri-an phải là 7000 ri-an/1USD.

Ngoài cáo buộc  “gây chiến tranh tâm lý”, ông A-ma-đi-nê-giát cũng cho biết, phương Tây đã phát động một cuộc chiến kinh tế chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này xuất phát từ các lệnh cấm vận của Liên minh châu âu (EU) đối với ngành dầu mỏ của I-ran. Theo Tổng thống A-ma-đi-nê-giát, các lệnh trừng phạt của EU đã khiến doanh thu từ dầu mỏ của I-ran sụt giảm. Theo các số liệu của Mỹ, lượng dầu xuất khẩu của I-ran đã giảm từ mức 2,4 triệu thùng/ngày trong năm ngoái xuống còn hơn 1 triệu thùng /ngày. Như vậy, I-ran thất thu khoảng 3, 4 triệu USD mỗi tháng và lượng dầu xuất khẩu của I-ran giảm khoảng 40%.

Tuy nhiên, Tổng thống A-ma-đi-nê-giát tái khẳng định sẽ không từ bỏ quyền phát triển hạt nhân của nước mình, rằng I-ran không bao giờ khuất phục trước sức ép từ bên ngoài bất chấp những khó khăn về kinh tế do các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.

Phát biểu về  nhận định của Tổng thống I-ran, Ngoại trưởng Mỹ  H. Clin-tơn (H. Clinton) tuyên bố, chính phủ I-ran phải chịu trách nhiệm trước cuộc khủng hoảng tiền tệ của nước này. Bà cũng cho hay, Mỹ trừng phạt I-ran là nhằm thuyết phục Tê-hê-ran đàm phán nghiêm túc và thiện chí về chương trình hạt nhân.

Hội  đồng HĐBA LHQ đã áp đặt 4 lệnh trừng phạt  đối với I-ran trong khoảng thời gian 2006 - 2010 để gây sức ép buộc Tê-hê-ran ngừng chương trình làm giàu u-ra-ni mà phương Tây nghi ngờ là nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Mỹ và Liên minh châu âu (EU) đã áp đặt và mở rộng các lệnh trừng phạt trong nhiều năm liền. Trong tháng 9, Chính phủ Mỹ đã cử nhiều đoàn công tác do Bộ Tài chính Mỹ chủ trì tới các nước có quan hệ kinh tế với I-ran để vừa giám sát việc thực thi lệnh cấm vận, vừa vận động ủng hộ chính sách cấm vận này. Cũng trong tháng 9, ngoại trưởng các nước EU đã nhất trí áp dụng thêm lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành hóa dầu, tài chính và khí đốt của nước này. Trước đó, lệnh cấm vận được cho là khắc nghiệt nhất của EU, có hiệu lực từ 1/7, khiến thương mại của I-ran trên khắp thế giới bị ảnh hưởng./.

(Theo: Ngọc Thư/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất