Thứ Hai, 23/9/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 23/2/2017 20:29'(GMT+7)

Cố họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ - Tấm giương sáng trong lao động nghệ thuật cho các thế hệ họa sỹ trẻ hôm nay

Chân dung Cố họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ (24/2/1917 - 19/1/1992) (Ảnh: Internet)

Chân dung Cố họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ (24/2/1917 - 19/1/1992) (Ảnh: Internet)

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ sinh ngày 24/2/1917 tại Hà Nội và mất ngày 19/1/1992, hưởng thọ 75 tuổi.

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ là một họa sỹ sáng tác nhiều tác phẩm sơn mài, lụa, sơn dầu với nhiều tìm tòi, thể nghiệm sáng tạo, phản ánh hiện thực sinh động, có cá tính và nghệ thuật cao. Ông là một nhà giáo đã đào tạo được nhiều thế hệ nghệ sỹ tạo hình Việt Nam hiện đại, là một nhà nghiên cứu lý luận phê bình mỹ thuật. Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ còn là một nhà hoạt động xã hội, có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Hội Mỹ thuật Việt Nam từ ngày đầu thành lập. Ông là một tấm gương sáng trong lao động sáng tạo nghệ thuật cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Năm 17 tuổi, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ học dự bị ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1934 – 1935). Năm 1936, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và học khóa 11 (1936 – 1941) cùng các họa sỹ Hoàng Tích Chù, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Tràn Chước, Trần Văn Lắm… Ngay từ những ngày còn đi học, ông đã có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm ở trong và ngoài nước. Các tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này như Chân dung bà tôi – sơn dầu, Chú tiểu thắp hương  - lụa, Cảnh Bình Nhi Quan Lạng Sơn (năm 1936) được trao tặng Huy chương Vàng. Năm 1939, tác phẩm khắc gỗ in trên lụa Hai cô gái Mường nhận được Giải Ngoại hạng do Hội Việt Nam khuyến khích mỹ thuật và công nghệ tổ chức (SADESI)… Đây là giai đoạn họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ sáng tác nhiều, có nhiều tác phẩm nổi tiếng được giới mỹ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao.

Năm 1941, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ tốt nghiệp hạng ưu với ba tác phẩm Vịnh Hạ Long – sơn mài, Hội đền Chèm – sơn mài, Trăng lên – khắc gỗ. Tháng 11/1942, ông tổ chức triển lãm riêng lần đầu tiên tại trụ sở của Hội Nghệ thuật An Nam (FARTA) gồm 32 tác phẩm sơn mài, lụa, khắc gỗ.

Cách mạng tháng Tám 1945, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa Cứu quốc, viết báo Tiền Phong, tham gia tổ chức Triển lãm Văn hóa, vẽ tranh cổ động Độc lập hay là chết trưng bày tại Hà Nội. Năm 1946, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ tham gia Ban tổ chức Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám và có hai tác phẩm sơn mài Chăn trâu Nghỉ ngoài ruộng gặt trưng bày tại triển lãm này. Cũng trong cuối năm này, ông cùng họa sỹ Tô Ngọc Vân và một số họa sỹ khác tham gia tổ chức và giảng dạy tại Trường Cao đảng Mỹ thuật Việt Nam.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1947, ông vào miền Trung làm Ủy viên Chấp hành Văn hóa kháng chiến Thanh Hóa và Liên khu 4, viết báo Chống giặt Sáng tạo; vẽ tranh cổ động, trang trí sân khấu – hóa trang cho đoàn kịch kháng chiến. Năm 1948, tổ chức xưởng họa Liên khu 4 và dạy lịch sử Mỹ thuật và Hội họa phân trường Mỹ thuật liên khu 4; biên tập và xuất bản tập san Mỹ thuật in tay có phụ bản in đá. Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông đi thực tế và sáng tác ở những làng kháng chiến Cự Nẫm, Lệ Sơn, Cảnh Dương (Quảng Bình), biên tập và xuất bản tập san Mỹ thuật (ra được 5 số, có phụ bản in đá), tạp chí Sáng tạo – cơ quan ngôn luận của Văn hóa kháng chiến Liên khu 4 (1948 – 1950). Năm 1951, Nguyễn Văn Tỵ cùng Nguyễn Sỹ Ngọc ra Việt Bắc làm giảng viên cho trường Mỹ thuật kháng chiến ở Đoan Hùng (Phú Thọ); đi vẽ ở Việt Bắc, tham gia đội giảm tô và cải cách ruộng đất ở Phú Thọ (1953); đi vẽ chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).

Dù điều kiện kháng chiến gian khổ, thiếu thốn nhưng họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ vẫn liên tục sáng tác nhiều tác phẩm mới, trong đó có nhiều tác phẩm ký họa về nông dân, bộ đội, dân tộc Thái và xây dựng với nhiều chất liệu: in đá, sơn mài, lụa…như tác phẩm: Chiến lũy Ngã tư Sở, Xe cứu thương, Cầu mới tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1948 nhân dịp chào mừng Đại hội Văn nghệ Việt Nam; tác phẩm Bộ đội giã gạo, Vùng biển Cảnh Dương – lụa, Lão chài – Sơn mài dự Triển lãm Hội họa 1951 tại Chiêm hóa – Tuyên Quang.
 
 Tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ minh họa cho
câu thơ Kiều "Quá chiều nên đã chán chường yến anh"

Năm 1954, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ trở về Hà Nội tham gia Ban tổ chức Triển lãm chào mừng Thủ đô giải phóng do Hội Văn nghệ Việt Nam tổ chức. Sau đó, ông về làm công tác giảng dạy tại trường Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam và tham gia hoạt động ở Hội Văn nghệ Việt Nam và tham gia Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Những năm đầu hòa bình lập lại ở miền Bắc, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ bên cạnh công tác, còn sáng tác nhiều tác phẩm tham gia các triển lãm lớn như triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1954 với các tác phẩm Nhân dân Tây Bắc hoan hô chiến thắng Điện Biên Phủ - lụa và các ký họa Đèo lũng Lô (Tây Bắc), Bộ đội và dân công, Nhà sàn ở Tây Bắc, Trú quân, Bộ đội qua làng, Phơi lúa, Một quãng đường chiến dịch, Bộ đội vượt lũ làm đường, Nuôi quân, Nhân dân Tây Bắc mua hàng mậu dịch, Làm gạo…Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1955 với các tác phẩm Không bao giờ tôi quên thù này – áp phích; Có khổ nói khổ, Nông dân vùng lên, Hạnh phúc sau cải cách ruộng đất – sơn mài, Kéo lưới ở bãi bể Sầm Sơn – lụa…

Trong những năm xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, ông đã có nhiều tác phẩm mới sáng tác trưng bày tại nhiều triển lãm lớn như triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1958 với các tác phẩm Nhà tranh gốc mít – sơn mài, (100x180cm); Mùa gặt ở Thanh Hóa – sơn mài (90x120cm) và có tác phẩm tham dự triển lãm Mỹ thuật năm 1962. Đặc biệt một số tác phẩm của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã được chọn tham dự triển lãm 12 nước XHCN tại Liên Xô và Đông Âu (1960), tham gia sáng tác tập thể tranh sơn mài Xô viết Nghệ Tĩnh với kích thước lớn 150x302cm năm 1957.

Cũng vào những năm đầu miền Bắc giải phóng, ông còn sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà như: Nông dân kể khổ - sơn mài, Cấy ở Tây Bắc, Khu tự trị Việt Bắc – lụa, tranh cổ động Chị Vân tố cáo vụ Hướng Điền (được giải thưởng tranh cổ động), Hữu nghị - sơn mài (60x45cm), Em bé độc sách – sơn mài, Phong cảnh Chợ Chu (Cánh đồng Chợ Chu) – sơn dầu, Căm thù – sơn mài 1960, Bắc Nam thống nhất – sơn mài (86x56cm), Biển ở Vĩ tuyến 17 – sơn dầu (50x65cm – 1961)…

Năm 1964, Đế quốc Mỹ đưa chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc, vừa tham gia công tác, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã có nhiều chuyến đi thực tế tại những vùng rẻo cao Bắc Hà, Si-ma-cai, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), ba lần đi vẽ tại tuyến lửa Vĩnh Linh, đi chiến trường Lào (1968), đi Trường Sơn, chiến dịch Buôn Ma Thuột và chiến dịch Hồ Chí Minh (3/1975). Với những tư liệu ký họa thòi kỳ kháng chiến chống Pháp và qua các chuyến đi thực tế, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã sáng tác nhiều tác phẩm sơn mài, lụa, tranh khắc: Mùa lúa chín – lụa, tác phẩm Du kích mũ nan – khắc gỗ Huy chương Bạc Triển lãm Quốc tế Đồ họa Leipzig 1965; tác phẩm Hai đội quân gặp nhau – sơn mài (1968); Du kích Cửa Tùng, Địa đạo Vĩnh Mốc, Bên bờ Nhật Lệ (1969) – sơn dầu, Ra đảo – sơn mài (120x180cm – 1971), Đêm Noel 72 Hà Nội – sơn mài (100x150cm – 1973), Nam Bắc một nhà – sơn mài (1974)…

Năm 1975, đất nước thống nhất cùng với nhiều họa sỹ trong cả nước, ông đã tập trung sáng tác nhiều tác phẩm dựa trên những ký họa, những ký ức của các chuyến đi thực tế từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ. Nổi bật là các tác phẩm bằng sơn màu, sơn dầu, lụa…

Các tác phẩm hội họa, đồ họa của họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ thể hiện bút pháp khỏe khoắn, hình họa chuẩn xác, bố cục khái quát, phóng khoáng với những tìm tòi thể nghiệm tạo nên bản sắc riêng.
 
 Tác phẩm Nhà tranh gốc mít, sơn mài (1958)

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ không những là người có nhiều tác phẩm hội họa, đồ họa mà ông còn là một cây viết nghiên cứu lý luận phê bình mỹ thuật. Ngay từ trước cách mạng và trong kháng chiến chống Pháp, ông đã có nhiều bài viết, công trình đáng chú ý: các bài viết giới thiệu triển lãm hàng năm của Hội khuyến khích Mỹ thuật và công nghệ (SADEI) đăng trên Tạp chí Tri Tân – Hà Nội (1938 – 1942); “Bút ký về Chợ Bờ” trên Tạp chí Sinh viên (1940); “Nghệ thuật tranh Đông Hồ” (1942); “Sân khấu kháng chiến bài viết phê bình Mỹ thuật (1947); Biên tập và viết Tạp chí Mỹ thuật (5 số); Triển lãm Mỹ thuật Lam Sơn đăng trên Tạp chí Sáng tạo (1948  - 1950); “Nghệ thuật Đông Sơn cổ đại”, “Nghệ thuật Lý Trần thế kỷ XI – XIII” (1962 – 1963), “Thuật ngữ Mỹ thuật Pháp Việt – Việt Pháp” (1970); “Điêu khắc gỗ dân gian”, “Tranh lụa Việt Nam và Nguyễn Phan Chánh” (1972);” Tranh lụa và Hội họa Việt Nam” (1974); “Mỹ thuật dân tộc – dân gian Việt Nam và sáng tác hiện đại” (1983) và các bài viết giới thiệu nhiều tác giả mỹ thuật trong và ngoài nước từ năm 1973 – 1975. Ngoài ra, ông đã viết khoảng 200 bài đã được công bố (in hoặc phổ biến bằng giáo trình hay tham luận khoa học).

Bên cạnh việc sáng tác, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ còn là một nhà giáo đã đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã mở các lớp vẽ thiếu nhi từ 9 đến 10 tuổi, cho các em nông dân và thành thị ở Quần Tín – Thanh Hóa (1947 – 1950), phụ trách phân trường Cao đẳng Mỹ thuật và xưởng họa liên khu 4, dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Việt Bắc (1951), mở lớp dạy vẽ ở Đồng Hỷ - Thái Nguyên (8/1952). Từ năm 1956 đến 1970, ông là giảng viên của trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, tham gia giảng dạy từ khóa đầu tiên mang tên Tô Ngọc Vân đến các khóa đại học mỹ thuật sau này. Ông còn đảm nhiệm các chức vụ Trưởng phòng Giáo vụ, Trưởng khoa Hội họa của trường. Ông cũng là người viết nhiều giáo trình về Mỹ thuật để phục vụ cho công tác giảng dạy như “Giáo trình Mỹ thuật cấp Đại học” (1945 – 1946) cho trường Cao đẳng Mỹ thuật khi mới thành lập lại sau Cách mạng Tháng Tám; “Giáo trình về Lịch sử Mỹ thuật thế giới”, đặc biệt, cuốn sách “Bước đầu học vẽ” được Nhà xuất bản Văn hóa in năm 1963 và được tái bản 3 lần vào các năm 1968, 1975, 1984. Ông là một trong những họa sỹ tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương có công lao đào tạo nhiều thế hệ họa sỹ góp phần cho sự phát triển nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Nhiều học trò của ông sau này đã giành nhiều giải thưởng cao tại các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật lớn cả trong nước và quốc tế.

Họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ là một nhà hoạt động xã hội. Ông tham gia Hội văn hóa Cứu quốc từ năm 1945, tham gia hoạt động trong các tổ chức văn hóa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam từ ngày 26 – 29/3/1957, ông được bầu vào Ban Chấp hành, được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ và giữ chức Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957 đến năm 1958. Năm 1983, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 của Hội Mỹ thuật Việt Nam, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Hội, Hội đồng nghệ thuật Trung ương Hội, Ủy viên Ban chuyên ngành Hội họa, …Trong suốt 35 công tác Hội, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Hội cũng như sự phát triển của nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ đã nhận được nhiều giải thưởng lớn như: Huy chương Vàng Triển lãm SEDEAI năm 1937, Huyw chương ngoại hạng triển lãm SEDEAI năm 1939, Huy chương Bạc Triển lãm Quốc tế Đồ họa Leipzig, Huy chương Đồng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1995. Ông được Đảng và Nhà nước khen thưởng: Huy chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng I, Huân chương Độc lập hạng Ba (12/1988), Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

 Tác phẩm Bắc Nam một nhà, sơn mài (1961)

Năm 2001, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt 2) cho họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ gồm tác tác phẩm: Nhà tranh gốc mít – sơn mài (65x100cm) 1958, Du kích Bắc Sơn – sơn mài (86x121cm) 1958, Buồm Cửa Hàn, lưới Cửa Hội – sơn mài (100x180cm) 1960, Bắc Nam thống nhất – sơn mài (86x56cm) 1961, Phong cảnh – sơn mài (150x240cm) 1991

Cả cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của mình, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ luôn không ngừng đấu tranh cho lý tưởng cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội, các tác phẩm của ông đều gắn liền với cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cho tới ngày hòa bình thống nhất được lập lại. Dù trong những lúc gian khổ, thiếu thốn cơ sở vật chất, họa sỹ Nguyễn Văn Tỵ luôn giữ vững được lập trường chính trị cách mạng kiên trung, đào tạo ra nhiều lớp thế hệ họa sỹ trẻ mới cho nước nhà khi hòa bình lập lại./.

Nhật Minh
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất